Đồng thời, OCB cũng mong muốn đóng góp vào tiến trình phát triển của khách hàng bằng những giải pháp ngân hàng hiện đại.
Phấn đấu vào top ngân hàng dẫn đầu
Từ một trụ sở chính đặt tại số 45 Lê Duẩn, quận 1, TP. HCM, OCB đã mở rộng mạng lưới và phạm vi hoạt động trên toàn quốc, đứng vững sau khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á những năm 1998 - 2000. Bước sang giai đoạn 2010 - 2011, OCB khẳng định vị thế và phát triển bền vững với bối cảnh hội nhập cao của nền kinh tế, thông qua việc thay đổi toàn diện tổ chức hoạt động theo hướng năng động và hiện đại, với sự tham dự của cổ đông chiến lược BNP Paribas - một trong sáu tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn mạnh nhất thế giới. OCB cũng nhận được sự tín nhiệm của các tổ chức tài chính quốc tế, điển hình như JICA (Nhật Bản) tăng hạn mức tài trợ lên 130 tỷ đồng và IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới) tăng mức tài trợ lên 45 triệu USD.
Vốn chủ sở hữu của OCB hiện đã tăng lên 3.600 tỷ đồng, tổng vốn hoạt động 24.000 tỷ đồng. Tổng tài sản của OCB tăng gấp 110 lần so với ngày đầu thành lập, đạt 27.000 tỷ đồng và hệ thống kênh phân phối gồm 94 đơn vị tại hầu hết các tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước.
Trên nền tảng vững chắc đã có, OCB quyết tâm và tự tin đặt mục tiêu: lọt vào Top 15 ngân hàng dẫn đầu thị trường Việt Nam năm 2015, với mạng lưới 200 điểm giao dịch, chiếm 5% thị phần của ngành và khẳng định vị thế ở phân khúc dân cư có thu nhập khá và các khách hàng doanh nghiệp, phục vụ trên 1 triệu khách hàng.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB phát biểu khai mạc Hội nghị khách hàng
Chủ tịch HĐQT OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, quá trình hình thành và phát triển của OCB gắn liền với tiến trình 20 năm đổi mới của nền kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn phát triển 2012 - 2015, OCB phấn đấu trở thành một NHTM vững mạnh tại Việt
“OCB đặt mục tiêu lọt vào Top 15 ngân hàng dẫn đầu thị trường Việt Nam vào năm 2015, với tổng mạng lưới đạt 200 điểm giao dịch; hệ thống eBanking, Mobile Banking hiện đại, an toàn và bảo mật; thị phần 5% với trên 1 triệu khách hàng giao dịch; ROA trung bình 2%; ROE trung bình 15%; có khả năng triển khai nhanh, khả năng thích nghi với thị trường, khả năng đề kháng với khủng hoảng”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, OCB sẽ hiện thực hoá hoài bão bằng chiến lược kinh doanh hướng đến khách hàng, với tầm nhìn phát triển bền vững, với vai trò là đối tác tin cậy của khách hàng, chất lượng quản lý tài sản vượt trội, văn hoá quản trị rủi ro vững chắc, dẫn đầu trong lĩnh vực ngân hàng điện tử, Mobile Banking và dịch vụ giao dịch, tạo lập môi trường tương tác giữa OCB với khách hàng mang đẳng cấp quốc tế, môi trường làm việc hiệu quả với sự cam kết cao của cán bộ - nhân viên…
Vì thế, ông Tuấn cho hay, mục tiêu của OCB là ứng dụng các mô hình kinh doanh thích ứng cao với nhu cầu khách hàng, tạo lập năng lực đột phá về quy trình, sản phẩm và hệ thống.
Đem lại lợi ích vượt trội cho khách hàng
OCB ưu tiên chiến lược củng cố và phát triển danh mục kinh doanh trong các phân khúc khách hàng trọng tâm, cũng như phát triển các mô hình kinh doanh chuyên biệt với các nhóm khách hàng mục tiêu. Ngân hàng sẽ giới thiệu các sản phẩm ngân hàng bán lẻ hiện đại được chuyển giao từ BNP Paribas, nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí để tạo ra khả năng giảm chi phí lãi suất cho khách hàng, củng cố quản trị rủi ro.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB tặng hoa cho ca sĩ Mỹ Linh
Để thực hiện được mục tiêu chiến lược đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ, OCB sẽ chuyển giao những giá trị thiết thực cho khách hàng trong lộ trình phát triển chiến lược đến năm 2015. Đồng thời, OCB mong muốn đóng góp vào sự phát triển của khách hàng bằng những giải pháp ngân hàng hiện đại; cung cấp các nguồn vốn trung và dài hạn cho các dự án mở mới tiềm năng; hợp tác phát triển và quảng bá thương hiệu; cung cấp các giải pháp thanh toán tiện lợi, thúc đẩy các kênh bán hàng; hợp tác phát triển các chương trình khuyến mãi, giảm lãi suất; cung cấp các chương trình tài trợ vốn ưu đãi với thủ tục đơn giản, tốc độ xử lý nhanh, lãi suất ưu đãi và tài sản đảm bảo linh hoạt cho danh sách các ngành trọng tâm; các giải pháp tài chính ngân hàng thích hợp; nâng cao năng lực phục vụ khách hàng; các giải pháp thanh toán tiện lợi, an toàn cho khách hàng; các sản phẩm bổ trợ khác...
Chuyên gia cao cấp của BNP Paribas, ông Xavier cho hay, BNP Paribas cam kết chia sẻ với OCB kinh nghiệm và kỹ năng phát triển mô hình ngân hàng bán lẻ tại châu Âu và trên thế giới.
“Chúng tôi mong muốn việc hợp tác sẽ nhanh chóng mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng OCB và sẽ tập trung vào các công tác: quản lý quan hệ khách hàng, sản phẩm, dịch vụ và thiết kế tại chi nhánh”, ông Xavier nói.
Chia sẻ với hơn 300 khách trong hội thảo “Kinh tế thế giới và Việt Nam 2012: biến động và những thông điệp cơ bản giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn” trong khuôn khổ hội nghị khách hàng của OCB vừa được tổ chức, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, đã gửi thông điệp đến các doanh nghiệp: “Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp hãy bươn chải, tồn tại và trưởng thành; học cách ‘sống’ với các loại ‘sốc’ giá cả, thị trường, chính sách... Đồng thời, các doanh nghiệp phải biết tiếp cận và huy động vốn, tạo năng lực cạnh tranh mới. Qua đó, doanh nghiệp mới có thể nắm bắt những nhân tố dịch chuyển nhanh và ‘mắt xích’ kết nối giá trị, kết nối mạng, đồng thời có tầm nhìn, chiến lược sản xuất - kinh doanh đúng”.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành dự báo, dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng năm 2012 tăng 12 - 13%
Theo ông Thành, năm 2012, kinh tế vĩ mô sẽ có sự cải thiện, song rủi ro vẫn hiện hữu. Cầu thị trường suy giảm nên sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Với mục tiêu kế hoạch ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 10%, tăng trưởng GDP hợp lý (6 - 6,5%) và bước vào tái cấu trúc nền kinh tế, 5 tháng đầu năm 2012, lạm phát tính theo năm đã giảm nhanh, từ 18,1% cuối năm 2011 còn 8,3%, thâm hụt thương mại 620 triệu USD, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, thanh khoản ngân hàng cải thiện… Thế nhưng, diễn biến nợ xấu của các ngân hàng lại tăng nhanh. Nguyên nhân là do hoạt động kinh tế, sản xuất - kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp đình trệ, đình đốn ở nhiều khu vực, hàng tồn kho tăng.
Điều này dẫn đến tín dụng 5 tháng đầu năm tăng trưởng âm 0,6% và theo đánh giá của ông Thành, khả năng cả năm 2012, dư nợ sẽ chỉ tăng 12 - 13%, thay vì 15 - 17% như mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đề ra. Lãi suất tiền gửi giảm từ 14%/năm trong tháng 3 xuống 9%/năm vào đầu tháng 6.
Trong bối cảnh đó, OCB cũng không tránh khỏi những khó khăn, song với nền tảng phát triển vững chắc, Ngân hàng quyết tâm và tự tin sẽ đạt mục tiêu đề ra, đồng thời phấn đấu đến năm 2015 sẽ lọt vào Top 15 ngân hàng dẫn đầu thị trường Việt Nam.