Theo báo cáo tài chính của OCB quý II/2019, ngân hàng có kết quả lợi nhuận trước thuế giảm 14% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trên kế hoạch 6 tháng đầu năm 2019, OCB đã hoàn thành tới 108% với lãi 1.119 tỷ đồng, ghi tên trong câu lạc bộ các ngân hàng lãi nghìn tỷ sau nửa chặng đường kinh doanh của năm.
Một số yếu tố khiến kế hoạch lợi nhuận lũy kế của OCB thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, là do sự chủ động của ngân hàng cho sự chuẩn bị dài hơi về phát triển quy mô hoạt động với việc đầu tư vào mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, số lượng nhân viên front-ofice để tiếp cận và phục vụ nhiều khách hàng tốt hơn.
Cuối năm 2018 và đầu 2019, OCB mở mới gần 20 chi nhánh và phòng giao dịch, gia tăng đáng kể mạng lưới tiếp cận và phục vụ khách hàng trên thị trường.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tiếp tục mở rộng hệ thống giao dịch tự động ATM và hoàn thiện chỉnh trang mô hình giao dịch mới.
Khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của OCB cũng đã gia tăng cả số lượng lẫn lượt sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Đây cũng là cơ sở để OCB khai thác, ghi nhận thêm nguồn thu lãi, thu ngoài lãi, phí dịch vụ trong giai đoạn tới.
Song song, OCB là một trong những tổ chức đầu tư mạnh nhất vào công nghệ và hệ thống thông tin hiện nay, nổi bật là mô hình ngân hàng số OCB OMNI và các ứng dụng tự động hóa, hiện đại hóa hoạt động tác nghiệp và quản lý rủi ro.
Việc được chứng nhận là 1 trong 3 ngân hàng đầu tiên đạt chuẩn Basel II là minh chứng rõ ràng nhất cho tầm nhìn dài hạn và triển khai nhất quán các chiến lược kinh doanh hiện đại kết hợp quản trị rủi ro chặt chẽ của OCB.
Cũng theo báo cáo tài chính tài chính quý II, đến thời điểm hiện tại, các chiến lược kinh doanh và đầu tư của OCB đã bắt đầu ghi nhận quả ngọt. Lũy kế tại thời điểm 30/6/2019, tổng thu thuần hoạt động kinh doanh của OCB đạt 2.742 tỷ đồng, tăng 106% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 77% và từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng gần 50% so với cùng kỳ. Tỷ lệ thu ngoài lãi/tổng doanh thu thuần của OCB đạt tới 31%, cao hơn mức trung bình ngành là 29%.
Tổng tài sản của OCB đạt 108.114 tỷ đồng, cao hơn 8,1% so với năm 2018. Hoạt động tín dụng tăng trưởng tốt, dư nợ cho vay hơn 67.500 tỷ đồng, tăng 20% và tổng huy động thị trường 1 đạt hơn 79.000 tỷ đồng, vượt 12% so với cuối 2018. Nợ xấu cuối tháng 6/2019 của OCB vẫn ở trong tầm kiểm soát và dưới 3%.
Với hoạt động ổn định, thanh khoản tốt, đảm bảo tỷ lệ vốn an toàn và trên mức cao so với trung bình ngành, Moody’s đã có đánh giá nâng bậc xếp hạng CRA và CRR của OCB lên Ba3 – Top cao nhất trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính của ngân hàng này từ 2018, OCB đã tất toán trái phiếu VAMC vào tháng 10. Theo đó, hiệu quả hoạt động và chất lượng tài sản cũng được xem là ưu điểm để OCB duy trì các chỉ số ROE và ROA cao.
"Những thành quả trên là nền tảng vững chắc giúp ngân hàng tự tin thu đươc kết quả mạnh mẽ vượt bậc trong 6 tháng còn lại và hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận của năm", đại diện Ngân hàng chia sẻ.