Ngoài các ngân hàng được NHNN chỉ định triển khai Basel II, OCB đã chủ động thực hiện lộ trình này và áp dụng Basel II trong toàn hệ thống của mình.
Sau quá trình tái cơ cấu thành công, OCB cũng đã bắt tay ngay vào dự án quản lý rủi ro Basel II. Với sự tư vấn của đối tác hàng đầu trên thế giới Development Banking Singapor (DBS), ngân hàng từng bước tạo dựng được ba trụ cột của khung quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế Basel II và chính thức công bố hoàn tất triển khai dự án trên.
Theo đó, OCB đã phân bổ vốn xuống các khối kinh doanh và giao KPI về quản lý vốn và sử dụng vốn hiệu quả. Ngoài ra, ngân hàng cũng đã hoàn thành các văn bản khung về vốn và công bố thông tin; hoàn thành cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của Basel.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, triển khai Định hướng chiến lược từ HĐQT, năm 2013, OCB đã triển khai dự án và chương trình nâng cấp khung quản trị rủi ro ngân hàng theo chuẩn quốc tế với sự tham gia hợp tác của BNP Paribas và KPMG.
Triển khai Basel II giúp OCB có được một cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro phù hợp, với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng; các công cụ quản lý rủi ro được xây dựng phục vụ cho việc nhận diện, đo lường, đến theo dõi và báo cáo rủi ro; hệ thống công nghệ và dữ liệu phù hợp.
Thực tế cho thấy, lợi ích rõ rệt nhất mà Basel 2 mang lại cho hệ thống ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, tăng cường sức đề kháng của các ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường. Một khi khả năng quản trị rủi ro tốt hơn giúp nền kinh tế Việt Nam hoạt động bền vững hơn, giảm các nguy cơ vỡ nợ, khủng hoảng và giảm tác động xấu đến nền kinh tế khi khủng hoảng xảy ra.
Chính vì vậy, theo ông Tùng, ngay khi nhận được chỉ đạo của NHNN theo Công văn số 1601/NHNN-TTGSNH ngày 17/03/2014 về việc yêu cầu các NH lập kế hoạch triển khai dự án Basel II nhằm đạt được phương pháp tiêu chuẩn cuối năm 2018, OCB đã quyết tâm triển khai dự án triển khai tuân thủ basel II để trở thành một trong các Ngân hàng đầu tiên của Việt nam đạt tiêu chuẩn Basel II.
Trong giai đoạn này, nhờ sự hỗ trợ của Entrofine, OCB thực hiện đánh giá Gap dữ liệu và công nghệ thông tin, và sự hop của DBS Singapore đánh giá Gap trụ cột 2 và xây dựng lộ trình triển khai Basel II, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, với mục tiêu đáp ứng được Basel II phương pháp tiêu chuẩn ngay từ cuối năm 2017.
Kết thúc 9 tháng hoạt động đầu năm 2017, OCB có tổng tài sản 70,874 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch năm, tổng huy động thị trường một là 56,339 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch. Dư nợ là 46,843 tỷ đồng hoàn thành 99% kế hoạch, tỷ lệ nợ xấu luôn được kiểm soát dưới 2%.
Lợi nhuận trước thuế của nhà băng sau 9 tháng đạt 789 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch năm. OCB dự kiến đạt khoảng 1.000 tỷ đồng lợi nhuận năm nay.
Ngân hàng này sẽ chính thức niêm yết trong năm 2019 nếu thị trường thuận lợi.