OCB được tăng vốn điều lệ lên gần 11.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước vừa có Văn bản số 7241/NHNN-TTGSNH về việc tăng mức vốn điều lệ của OCB từ trên 8.767 tỷ đồng hiện nay lên hơn 10.959 tỷ đồng.
OCB được tăng vốn điều lệ lên gần 11.000 tỷ đồng

Kế hoạch tăng vốn trên đã được thông qua tại đại hội cổ đông thường niên của OCB cuối tháng 6/2020.

Văn bản nêu rõ, OCB có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành, bao gồm việc tuân thủ quy định về giới hạn sở hữu cổ phần của các cổ đông, cổ đông và người có liên quan của những cổ đông này theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (đã sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn của NHNN sau khi tăng vốn.

OCB chỉ được thực hiện phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo quy định khi tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.

Kế hoạch năm nay, OCB tăng vốn điều lệ năm 2020 lên hơn 11.275 tỷ đồng, trong đó bao gồm việc phát hành thành công cổ phiếu riêng lẻ cho Ngân hàng Aozora.

Trước đó, vào cuối tháng 6/2020 OCB cho biết, đã phát hành thành công 86,68 triệu cổ phần cho Ngân hàng Aozora Bank (Nhật Bản) theo thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hai ngân hàng.

Sau giao dịch trên, Aozora Bank trở thành cổ đông lớn của OCB. Trong khi đó, Tổng công ty Bến Thành không còn là cổ đông lớn khi tỷ lệ sở hữu giảm từ 5,51% xuống 4,96% mặc dù vẫn nắm giữ là 43,5 triệu cổ phiếu.

Sau khi phát hành riêng lẻ cho Aozora, OCB dự định tiếp tục phát hành riêng lẻ hơn 31,6 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong năm nay. Tổng giá trị cổ phiếu dự kiến chào bán theo mệnh giá hơn 316 tỷ đồng.

Giá chào bán dự kiến không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của Ngân hàng tại thời điểm cuối quý gần nhất tại thời điểm phát hành.

Được biệt, OCB đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE). Chủ trương của HĐQT OCB muốn niêm yết càng sớm càng tốt, nhằm nâng tính thanh khoản cho cổ phần, minh bạch hoạt động.

Tuy nhiên, theo HĐQT OCB, việc niêm yết còn phải phụ thuộc vào điều kiện thị trường. Nếu thị trường không thuận lợi, việc niêm yết sẽ khó đem lại lợi ích cho cổ đông nếu giá cổ phiếu thấp, vì vậy HĐQT OCB muốn chọn thời điểm thị trường thuận lợi niêm yết để đảm bảo lợi ích cho cổ đông.

Mặt khác, chủ trương của HĐQT OCB là muốn hoàn tất việc bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Vì thế, sau hoàn tất tăng vốn OCB sẽ triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.

Tính đến 30/6/2020, vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu Ngân hàng đạt lần lượt 8.767 tỷ đồng và 15.423 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt 2.582 tỷ đồng, đứng thứ 11 trong hệ thống. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROEA) đạt 25,4%. Tỷ lệ lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) đạt 2,4%, nằm trong Top 3 hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng cuối năm 2019 đạt 11,2% và tính đến 30/6/2020 tỷ lệ này của OCB đạt 14,5%. Tỷ lệ thu nhập lãi/chi phí phải trả (NIM) đạt 3,76%; Tỷ lệ chi phí /thu nhập (CIR) đạt 37%.

Nợ xấu của OCB tăng 100 tỷ đồng so với hồi đầu năm lên mức 1.491 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 7,3%. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn mức tăng của dự nợ cho vay.

Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của OCB từ mức 1,96%% hồi đầu năm đã giảm xuống 1,93%. Hiện ngân hàng cũng không còn nợ xấu tại VAMC.

Gần đây, một số trang tin điện tử liên tục đăng tải thông tin về vụ việc “Đầu tư tiền ảo vào Tập đoàn tài chính OCB” và đã có nhiều cá nhân, khách hàng “sập bẫy” mất hàng chục tỷ đồng; trong đó đề cập đến những cái tên: OCB life, OCB Lending, OCB Master, Tập đoàn tài chính đa quốc gia OCB life (IEO Of Blockmax)…

Việc các tổ chức nói trên gắn “nhãn OCB” để sử dụng đã gây nhầm lẫn với thương hiệu “OCB” của Ngân hàng TMCP Phương Đông.

Sự việc quảng bá này có dấu hiệu bất minh, vi phạm các quy định liên quan đến việc bảo hộ thương hiệu được đăng ký, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Ngân hàng.

Ngân hàng OCB khẳng định, không liên quan đến Tập đoàn tài chính OCB cùng các tên gọi khác được đề cập như: OCB life, OCB Lending, OCB Master, Tập đoàn tài chính đa quốc gia OCB life…Các hoạt động của OCB trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng được NHNN công nhận và chứng nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền.

Việc cá nhân, tổ chức khác sử dụng thương hiệu, nhãn hiệu được Ngân hàng OCB đăng ký bảo hộ mà chưa được Ngân hàng chấp thuận là trái các quy định pháp luật. OCB sẽ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền thanh tra làm rõ, thậm chí thực hiện các thủ tục tố tụng theo quy định, buộc các cá nhân, tổ chức vi phạm phải chấm dứt việc này.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục