Theo đó, OCB sẽ phát hành gần 274 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 25%. Thời gian chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức chưa được xác định.
Trước đó, vào tháng 6/2021, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chấp thuận cho OCB tăng vốn thêm tối đa gần 2.740 tỷ đồng, từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 10.959 tỷ đồng lên 13.698 tỷ đồng.
Ngoài chia cổ tức 25%, ĐHĐCĐ thường niên 2021 của OCB cũng đã thông qua việc chào bán 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 4 năm từ ngày phát hành, tỷ lệ giải tỏa 25% mỗi năm.
Sau khi thực hiện cả 3 đợt phát hành, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng lên 14.449 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện OCB chưa thông báo thời điểm phát hành cổ phiếu ESOP cũng như chào bán riêng lẻ.
Nguồn vốn tăng thêm sẽ được OCB bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay, phần còn lại mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất. Năm 2020, ngân hàng đã chào bán 15% vốn cho Aozora Bank và trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%.
Theo kế hoạch năm 2021, OCB đặt mục tiêu với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020; tăng vốn điều lệ lên gần 14.450 tỷ đồng từ mức 10.959 tỷ đồng hiện nay, tương đương tăng 32%; mục tiêu cổ tức đạt 20 - 25%.
Kết thúc quý I/2021, lợi nhuận trước thuế OCB đạt 1.276 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 23% kế hoạch năm.
Trên thị trường, trong phiên giao dịch sáng 19/7, cổ phiếu OCB tạm đứng ở mức 26.650 đồng/cổ phiếu, tăng gần 50% so với thời điểm chào sàn cuối tháng 1/2021, nhưng đã giảm so với mức đỉnh trên 31.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm đầu tháng 7/2021.