Ô tô, rau quả ồ ạt vào Việt Nam, nỗi lo lép vế trong cuộc chiến thương mại toàn cầu hiện hữu

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết được cho là sẽ mang lại nhiều cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu, nhưng ngược lại, cũng khiến hàng hóa trong nước bị cạnh tranh gay gắt. Nguy cơ rõ ràng là các ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng.     
Nhập khẩu rau quả vào Việt Nam 2 tháng đầu năm đạt trên 164 triệu USD, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm 2016 Nhập khẩu rau quả vào Việt Nam 2 tháng đầu năm đạt trên 164 triệu USD, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm 2016

Nhập khẩu từ ASEAN có chiều hướng tăng

Một thông tin rất đáng chú ý được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2017. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhập khẩu tăng mạnh trong quý I/2017, cán cân thương mại thâm hụt 1,9 tỷ USD, chính là vì sự gia tăng một cách nhanh chóng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng rau quả, xăng dầu, sắt thép và nhóm hàng cần cho sản xuất trong nước từ các thị trường có cam kết FTA với Việt Nam.

Thậm chí, một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi đề cập các giải pháp điều hành kinh tế những tháng cuối năm đã nhấn mạnh việc phải có giải pháp kiểm soát kịp thời, bảo vệ sản xuất trong nước, giảm mất cân đối thương mại với thị trường ASEAN, góp phần giảm nhập siêu.

Thực tế hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn ở trạng thái nhập siêu trong buôn bán với các nước thành viên ASEAN.

“Cần theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu một số mặt hàng từ khu vực ASEAN đang có chiều hướng tăng lên, như ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ từ Thái Lan, Indonesia; các mặt hàng rau quả từ Thái Lan…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Số liệu được Tổng cục Hải quan công bố mới đây cho biết, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia thành viên ASEAN trong 2 tháng đầu năm 2017 đã lên tới 8.800 chiếc, tăng 62,3% so với cùng thời gian năm 2016. Trong đó, hai thị trường lớn nhất trong ASEAN xuất khẩu ô tô nguyên chiếc sang Việt Nam là Thái Lan và Indonesia.

Cụ thể, trong hai tháng đầu năm, lượng xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống xuất xứ Thái Lan nhập khẩu về Việt Nam là 2.658 chiếc, trị giá 47 triệu USD, tăng 78,9% về lượng và tăng 2,2 lần về trị giá so với cùng thời gian năm 2016. Con số này đã lớn, nhưng “chưa thấm vào đâu” so với tốc độ tăng nhập khẩu ô tô từ thị trường Indonesia. Đó là tăng tới 342,1% về lượng và tăng 561,4% về trị giá so với cùng thời gian năm 2016, với 3.108 chiếc, trị giá 54 triệu USD.

Trong một diễn biến khác, theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc và Thái Lan vào Việt Nam cũng tăng rất mạnh trong những tháng đầu năm.

Theo số liệu cập nhật đến hết tháng 2/2017 của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu rau quả vào Việt Nam đạt trên 164 triệu USD, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về thị trường, chỉ riêng rau củ quả nhập từ Thái Lan 2 tháng đầu năm lên đến 82,6 triệu USD, chiếm hơn 50% giá trị nhập khẩu rau quả cả nước.

“Không chỉ ảnh hưởng tới nhập siêu, mà việc nhập khẩu quá lớn các mặt hàng này sẽ ảnh hưởng tới các ngành sản xuất trong nước”, bà Hiền nói.

Nỗi lo bị lép vế

Trong khi chưa có nhiều thông tin về việc các doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh rau quả sốt ruột vì hàng nhập khẩu từ nước ngoài, thì các doanh nghiệp ô tô trong nước lại đang “gồng mình” để chống chọi với ô tô nhập khẩu. Chính Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng đã thừa nhận, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn và biến động, trước mắt là đối với việc giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0% từ năm 2018. Đây trên thực tế là điều cũng đã được cảnh báo từ lâu.

Tuy vậy, nhìn vào các con số thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, đã bắt đầu có sự mất cân đối khá nghiêm trọng trong thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Ba tháng đầu năm nay, ước xuất khẩu sang thị trường ASEAN là 4,9 tỷ USD, thì nhập khẩu ước là 6,3 tỷ USD. Nghĩa là thị trường ASEAN “đóng góp” tới 1,4 tỷ USD trong tổng nhập siêu 1,9 tỷ USD của Việt Nam chỉ trong quý đầu năm.

Thực tế thì hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn ở trạng thái nhập siêu trong buôn bán với các nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, do tốc độ tăng xuất khẩu sang ASEAN cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu từ thị trường này, nên trong những năm gần đây, mức thâm hụt ngày càng thu hẹp lại và tỷ lệ nhập siêu từ ASEAN giảm dần. Song với tốc độ hiện nay, nhiều khả năng, nhập siêu từ ASEAN sẽ tiếp tục gia tăng.

Nhập siêu là một vấn đề, như nỗi lo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đó là sản xuất trong nước sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp - điểm tựa của kinh tế Việt Nam.

Câu chuyện hiện thời mới chỉ diễn ra đối với thị trường ASEAN, nhưng cũng không có gì đảm bảo rằng, một khi các FTA khác thực sự có hiệu lực, tình trạng sẽ không tương tự. Hiện tại, Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU, nhưng nhập siêu ngày càng nhiều từ thị trường Hàn Quốc. Quý đầu năm, Việt Nam đã nhập siêu tới 6,3 tỷ USD từ thị trường này, thậm chí còn cao hơn cả mức nhập siêu 5,9 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc.

Nếu không có biện pháp thích ứng và tận dụng được cơ hội từ các FTA mang lại, Việt Nam sẽ dễ bị lép vế trong cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục