Ô tô từ Indonesia, Thái Lan tăng mạnh
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 8, số lượng xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam đạt khoảng 10.000 xe, tăng so với 6.000 xe trong tháng 7.
Bên cạnh đó, nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động nhập khẩu ô tô dần ổn định trở lại sau nửa năm giảm sâu và biến động thất thường trước ảnh hưởng của Nghị định 116 /2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Việt Nam (có hiệu lực từ cuối năm 2017).
Riêng trong tuần từ 21/9 đến 27/9, có 3.915 xe ô tô được nhập khẩu về Việt Nam. Xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống chiếm 77% lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu với 3.020 xe, trị giá 53,2 triệu USD.
Đáng chú ý, gần một nửa xe nhập về đợt này có xuất xứ từ Indonesia (1.440 xe, chiếm tỷ trọng 47,7%), tiếp theo là Thái Lan (1.391 xe), Nhật Bản 112 xe, Mexico 70 xe.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (HAX) cho biết, từ tháng 10 năm nay, nhiều dòng xe nhập khẩu đáp ứng đủ các điều kiện tại Nghị định 116 sẽ được đưa về Việt Nam, giúp thị trường trong nước trở nên đa dạng hơn. Riêng đối với Mercedes, số lượng xe nhập về sẽ tăng mạnh hơn vào đầu năm 2019.
Tại HAX, trong 9 tháng qua, Công ty không có xe nhập khẩu, một số xe khách hàng đặt về phải nằm chờ ở cảng 6 tháng, thậm chí cả năm.
Xe Mecerdes nhập khẩu bị khan hàng, không có đủ để bán cho khách. Đây cũng là thực tế tại nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô khác trong thời gian qua.
Chờ đợi hãng xe giảm giá kích cầu
Bắt đầu từ tháng 10, thị trường ô tô được dự đoán sẽ khởi sắc hơn khi một số hãng xe đã chuẩn bị đầy đủ thủ tục đáp ứng yêu cầu của Nghị định 116 để đưa xe về. Theo đó, lượng xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Mới đây nhất, Toyota Việt Nam chính thức giới thiệu 3 mẫu xe nhập khẩu mới là Wigo, Rush và Avanza có giá bán từ 345 triệu đồng đến 668 triệu đồng. Đây là bước thăm dò mới của Toyota tại thị trường Việt Nam, đặc biệt ở phân khúc xe nhỏ và giá rẻ.
Theo ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam (TMV), những năm gần đây, Việt Nam đang dần bước vào thời kỳ xã hội hóa xe hơi, khi số lượng khách hàng trẻ và khách hàng gia đình có xu hướng tăng trưởng mạnh, khiến phân khúc xe cỡ nhỏ ngày càng sôi động và tiềm năng.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thụ, nhân viên phòng kinh doanh một công ty mua bán ô tô nhập khẩu cũ cho biết, sau thời gian dài trông ngóng ô tô nhập khẩu giá rẻ từ thị trường ASEAN, người tiêu dùng đã dần “vỡ mộng” và dần chấp nhận thực tế để xuống tiền mua xe.
Vậy nên, khoảng một tháng trở lại đây, thị trường mua bán ô tô cũ, “xe lướt” đã sôi động trở lại, không còn tình cảnh ế ẩm như trước. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn có tâm lý chờ đợi hãng xe giảm giá, kích cầu mùa kinh doanh cuối năm.
Thực tế, để chuẩn bị cao điểm bán hàng dịp cuối năm, các nhà phân phối, đại lý đều kỳ vọng thị trường sẽ có thêm nhiều xe nhập khẩu từ thị trường châu Âu và Đông Nam Á.
Hiện nay, Việt Nam là thị trường xuất khẩu ô tô quan trọng đối với các nước Thái Lan, Indonesia…, nên chính phủ các nước này đang rất tích cực và chủ động để cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) theo quy định tại Nghị định 116.
Dự kiến lượng xe nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan về Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh từ nay đến cuối năm.
Trong bối cảnh này, ông Dũng nhận định: “Lượng xe nhập khẩu giúp thị trường đa dạng, nhiều sự lựa chọn hơn. Nhưng mức độ sôi động phụ thuộc vào nền kinh tế và túi tiền của người tiêu dùng.
Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để thị trường ô tô phát triển, do đó, mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ rất mạnh mẽ”.
Theo đó, một trong những chiến lược cạnh tranh được nhiều doanh nghiệp sử dụng là chính sách giá bán hấp dẫn - đòn bẩy quan trọng để kích cầu.
Chẳng hạn, với các mẫu xe mới mà Toyota Việt Nam vừa tung ra thị trường, ông Toru Kinoshita nhấn mạnh, giá bán hợp lý cùng sự kết hợp của chất lượng xe, tính năng hiện đại sẽ là các chìa khóa để chinh phục người tiêu dùng.