Theo đó, ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo.
Tiếp đó, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán trong định hướng, nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong công cuộc giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 10/6/2021 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40.
Theo đó, NHCSXH đã thiết lập được mô hình quản trị và điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên.
NHCSXH cũng đã phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, quản lý 168.464 Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố. Hoạt động giao dịch tại 10.438 Điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước được tổ chức nề nếp, hiệu quả với phương thức “giao dịch tại nhà, thu nợ, giải ngân tại xã” là hoạt động đặc trưng, riêng có của NHCSXH.
Với việc triển khai đến 100% thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố trên toàn quốc, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ trong ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các vùng nông thôn, đẩy lùi nạn tín dụng đen.
“Đây là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước, thông qua NHCSXH, với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn cách làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng”, Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13 ngày 19/5/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ.
NHCSXH tập trung huy động nguồn vốn lớn, đa dạng để thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời và ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai có hiệu quả ở các vùng trong cả nước, đặc biệt ưu tiên tập trung cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo… đã góp phần thúc đầy nền kinh tế nhiều thành phần từng bước phát triển.
Đến 31/8/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 325.221 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 306.574 tỷ đồng, tăng 297.943 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao (gấp 35,5 lần), với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 20,9%. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.889 tỷ đồng, chiếm 0,62%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn 571 tỷ đồng, chiếm 0,19%/tổng dư nợ, đảm bảo mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn cho Nhà nước.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước qua các giai đoạn, đồng thời, góp phần thực hiện 09/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện Nghị quyết của Đảng về an sinh xã hội nói chung, thực hiện tốt Chỉ thị số 40 nói riêng, trong thời gian tới NHCSXH tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn qua NHCSXH.
Tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo tính chủ động và bền vững trong hoạt động NHCSXH.