Ồ ạt thay “máu” cổ đông lớn

(ĐTCK) Hoạt động chuyển nhượng cổ phần “khủng” tại các doanh nghiệp đang tăng lên, không chỉ do thoái vốn ngoài ngành.
PTSC sẽ chuyển nhượng 25 triệu phiếu PAP
PTSC sẽ chuyển nhượng 25 triệu phiếu PAP

Ồ ạt thay “máu” cổ đông lớn ảnh 1

PTSC sẽ chuyển nhượng 25 triệu phiếu PAP

Doanh nghiệp ngành điện

Không chỉ thoái vốn tại các đơn vị ngoài ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gần đây liên tiếp công bố về việc chuyển nhượng cổ phần tại các đơn vị thành viên.

Theo CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Tổng công ty Phát điện 2 (EVN Genco 2) đã nhận chuyển nhượng 166,39 triệu cổ phiếu PPC, tương đương 51% vốn điều lệ từ EVN.

Mục đích giao dịch là nhằm chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước từ EVN sang EVN Genco 2, là đơn vị do EVN nắm 100% vốn điều lệ. EVN Genco 2 hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh điện năng, cơ khí điện lực. Hiện EVN Genco 2 đang nắm trên 50% vốn tại Thủy điện Thác Mơ, Nhiệt điện Hải Phòng, Thủy điện Sông Ba Hạ và Thủy điện A Vương.

Trước đó, EVN chuyển nhượng toàn bộ 79,56% vốn tại CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) sang Công ty TNHH MTV Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco3), tương đương với cổ phiếu. Việc chuyển nhượng này nằm trong kế hoạch tái cấu trúc tổng thể các doanh nghiệp trực thuộc EVN. Ngoài ra, EVN cũng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh cho Công ty TNHH MTV Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGenco 1).

 

… và nhiều doanh nghiệp ngành khác

HĐQT Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã PVS) vừa phê duyệt việc chuyển nhượng 25 triệu cổ phiếu tại CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP) cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đức Thủy, phụ trách công bố thông tin PTSC cho biết, việc chuyển nhượng cổ phần tại PAP cho PVN là thực hiện theo chỉ đạo của Tập đoàn trong việc tái cấu trúc các đơn vị thành viên, theo hướng các doanh nghiệp sẽ tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi. PTSC sẽ tập trung vào các lĩnh vực lõi như đầu tư tàu dịch vụ, đầu tư mở rộng căn cứ cảng, các phương tiện thiết bị chuyên dụng phục vụ các hoạt động cơ khí dầu khí, vận chuyển lắp đặt, khảo sát và sửa chữa công trình ngầm.

Ở một khía cạnh khác, trong bối cảnh hoạt động khó khăn, việc tái cơ cấu doanh nghiệp để bước sang một giai đoạn mới đòi hỏi phải thay đổi cơ cấu cổ đông, đặc biệt là có những đối tác cùng ngành nghề kinh doanh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp về chiến lược và thực tế hoạt động.

Đơn cử, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) vừa chuyển nhượng 7,03 triệu cổ phiếu của CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (SII) cho một quỹ đầu tư nước ngoài vì cho rằng, quỹ đầu tư đó có thể hỗ trợ SII về nhiều mặt. Hiện CII còn sở hữu gần 21 triệu cổ phiếu SII, chiếm 51,92% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, đối với CTCP Sông Đà 11 (SJE), kế hoạch chuyển nhượng cổ phiếu tại CTCP Kỹ thuật Điện Sông Đà (SDE) khiến nhiều nhà đầu tư đặt dấu chấm hỏi, bởi giá chuyển nhượng cao hơn thị giá trên 40%. Cụ thể, SJE công bố về việc sẽ chuyển nhượng phần vốn sở hữu tại SDE cho 8 cá nhân, với tổng số cổ phiếu chuyển nhượng là 632.500 đơn vị. Mức giá chuyển nhượng được xác định là 10.300 đồng/CP, trong khi cổ phiếu SDE đang được giao dịch trên sàn chứng khoán xung quanh mức 7.000 đồng/CP.

Phương thức chuyển nhượng cổ phiếu SDE là giao dịch chuyển khoản thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận cho phép thực hiện giao dịch vượt biên độ giá niêm yết.

Về hoạt động thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty, Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa công bố bán thành công 692.100 cổ phiếu SZL của CTCP Sonadezi Long Thành. Mới đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đăng ký bán đấu giá toàn bộ 1,3 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư An Phát, tương đương 20% vốn điều lệ.            

>>EVN lỗ gần 2.200 tỷ đồng từ khoản đầu tư ra ngoài

>>Mất oan hàng trăm tỷ cho EVN

>>SDT, SEL, SDE và SD4 báo lãi quý I/2013

>>SZL: VNPT bắt đầu thoái vốn

>>VNPT lỗ hơn 300 tỷ đồng ở dự án vệ tinh Vinasat

Hoàng Anh
Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục