Nút thắt với các dự án bất động sản tại Quảng Nam

0:00 / 0:00
0:00
Điểm nghẽn mặt bằng trở thành rào cản lớn nhất đối với nhiều chủ đầu tư bất động sản tại Quảng Nam, khiến không ít dự án bị mắc kẹt.
Nút thắt với các dự án bất động sản tại Quảng Nam

Khu đô thị QNK I tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), do Công ty cổ phần Đầu tư QNK Quảng Nam làm chủ đầu tư, diện tích 19,75 ha, chưa thể triển khai do vướng mặt bằng.

Theo báo cáo của doanh nghiệp này, Dự án đã hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng tổng diện tích 18,95/19,65 ha (đạt tỷ lệ 96,44%), chỉ còn 2 hộ dân chưa nhận tiền.

Doanh nghiệp đã phối hợp với chính quyền địa phương để vận động, thỏa thuận nhiều lần, nhưng 2 hộ dân này vẫn không nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng, đòi hỏi đơn giá bồi thường gấp 10 - 20 lần so với phương án bồi thường được phê duyệt.

Ngoài ra, Khu đô thị QNK I cũng gặp khó khi chậm được gia hạn chủ trương đầu tư, dẫn đến toàn bộ thủ tục pháp lý của dự án phải tạm dừng, không thể bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Một chủ đầu tư chia sẻ, nhiều dự án có diện tích phải giải phóng mặt bằng còn lại rất nhỏ, nhưng không thể giải tỏa được. Việc triển khai thủ tục cưỡng chế thu hồi đất của chính quyền kéo dài, điều này khiến các dự án mắc kẹt, không thể triển khai.

UBND thị xã Điện Bàn cho hay, trên địa bàn thị xã hiện có 82 dự án nhà ở tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, 8 dự án nằm trong khu vực ranh giới của Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đến bờ Đông sông Cổ Cò. Ngoài ra, có 6 dự án tại khu vực Khu đô thị Điện Thắng; 13 dự án tại khu vực Khu đô thị Phương An; 2 dự án tại khu vực Khu đô thị Nam Phương và 5 dự án tại khu vực Khu đô thị Tây 607.

Trong số này vẫn còn những dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, dẫn đến công tác triển khai thực hiện dự án kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của cả người dân và doanh nghiệp.

“Giải phóng mặt bằng gặp khó là do nhiều nguyên nhân khác nhau như chính sách hỗ trợ, tái định cư còn nhiều bất cập, dẫn đến việc người dân không đồng thuận. Ngoài ra, từ năm 2023 đến nay, rất nhiều dự án đã bị gián đoạn kế hoạch sử dụng đất vì hết tiến độ và chưa được gia hạn. Do đó, đối với các dự án không có kế hoạch sử dụng đất hàng năm thì phải ngừng triển khai công tác giải phóng mặt bằng”, UBND thị xã Điện Bàn cho biết.

Trước khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, các doanh nghiệp bất động sản đã đề nghị tỉnh Quảng Nam tăng đơn giá bồi thường về nhà cửa, vật kiến trúc, mồ mả, cây cối, hoa màu, để nhận được sự đồng thuận của các hộ dân bị ảnh hưởng tại các dự án. Ngoài ra, triển khai thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất một cách quyết liệt đối với những trường hợp không đồng ý nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng…

Hiện trên địa tỉnh Quảng Nam có 180 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu dân cư, khu đô thị đang triển khai. Trong đó, có 173 dự án đã lựa chọn nhà đầu tư và 7 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đã được UBND tỉnh công nhận nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm đăng ký thực hiện dự án, nhưng chưa chấp thuận nhà đầu tư. Rất nhiều dự án trong số này chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Bên cạnh đó, trong quá trình xác định phạm vi, ranh giới triển khai dự án, một số nhà đầu tư chưa nghiên cứu kỹ mức độ tác động đến các khu dân cư hiện hữu, đánh giá hiện trạng các yếu tố hạ tầng, kỹ thuật chưa đầy đủ, nên chưa tính toán phương án giải quyết ngay từ đầu, đến khi triển khai thực hiện dự án thì gặp vướng mắc, dẫn đến bị động trong xử lý, làm chậm tiến độ thực hiện dự án.

Ngoài ra, có trường hợp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và hoàn thiện thủ tục pháp lý thì nhà đầu tư vẫn đảm bảo năng lực, nhưng trong quá trình thực hiện dự án, do tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến không đảm bảo nguồn vốn để tiếp tục thực hiện dự án. Hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư… vẫn còn một số nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam nỗ lực tháo gỡ nút thắt cho các dự án bất động sản, nhiều dự án được gia hạn tiến độ để tiếp tục triển khai xây dựng. Trong chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mới đây, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại các dự án. Đồng thời, đề xuất giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối các dự án nhà ở đã được giao đất toàn bộ diện tích và dự án nhà ở đã được giao đất từng phần.

Hoàng Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục