Nút thắt mặt bằng “ghìm chân” hai dự án ven biển ở Quảng Trị

Hai dự án đường ven biển quan trọng của tỉnh Quảng Trị đang gặp nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả 2 dự án trong bối cảnh mùa mưa sắp đến.
Dự án thành phần 1 - đường ven biển không được bàn giao mặt bằng liên tục, gây khó khăn cho nhà thầu thi công

Bàn giao ngắt quãng

Dự án thành phần 1 - Đường ven biển (thuộc Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3) có tổng mức đầu tư gần 2.200 tỷ đồng. Dự án được giao cho Sở Giao thông - Vận tải (nay là Sở Xây dựng Quảng Trị) làm chủ đầu tư, với tổng chiều dài gần 80 km.

Được khởi công từ cuối tháng 1/2022, dự kiến Dự án sẽ hoàn thành vào đầu năm 2026, với kỳ vọng tạo liên kết giao thông xuyên suốt giữa các vùng trong tỉnh, kết nối với các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đồng thời, phát huy hiệu quả khai thác tài nguyên biển và vùng ven biển; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia, cũng như hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn.

Ban Quản lý dự án cho biết, đến nay, Dự án đã triển khai thi công đồng loạt các gói thầu trên phạm vi đã bàn giao mặt bằng. Hiện tại, dự án đã cơ bản hoàn thành những hạng mục cầu, cống, công trình thoát nước trên tuyến thuộc phạm vi đã thi công, với giá trị thực hiện theo hợp đồng xây lắp đạt 777/1.572 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay của dự án lại nằm ở công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án (Sở Xây dựng Quảng Trị), cho biết, để thực hiện dự án này, tổng diện tích đất cần thu hồi gần 200 ha, ảnh hưởng đến 1.046 hộ dân và 37 tổ chức. Trong đó, có 43 hộ phải tái định cư tại 4 khu tái định cư hoặc bố trí xen ghép.

Về quá trình triển khai GPMB, đến nay, Dự án thành phần 1 đã phê duyệt phương án bồi thường GPMB cho 76/80 km (đạt hơn 94%), trong đó phạm vi mặt bằng đã bàn giao đạt 72,78/80 km (đạt 91%). Tuy nhiên, quá trình thi công bị ảnh hưởng do mặt bằng bàn giao ngắt quãng, không liên tục, gây khó khăn trong việc triển khai máy móc và thi công thực địa.

Ông Trần Thanh Phong, đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - đơn vị thi công gói thầu XL05 tại dự án cho biết, việc bàn giao mặt bằng ngắt quãng, không liên tục, dẫn đến thi công không hiệu quả, tốn kém chi phí di chuyển, tập kết thiết bị, máy móc, nhân công. Trong khi đó, nếu được bàn giao mặt bằng đầy đủ và thời tiết thuận lợi, đơn vị sẽ kịp hoàn thành gói thầu vào cuối năm nay.

Tuyến ven biển Đông - Tây cũng đang chờ mặt bằng

Tại Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, tỉnh Quảng Trị - Giai đoạn I, được UBND tỉnh Quảng Trị (trước khi sáp nhập) giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Quảng Trị làm chủ đầu tư, với tổng vốn 2.060 tỷ đồng. Dự án có chiều dài khoảng 48 km, chia thành hai đoạn với 4 gói thầu xây lắp.

Mục tiêu đầu tư của dự án là tạo trục giao thông kết nối liên vùng, cùng với hệ thống Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam và đường ven biển, tạo liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển. Đồng thời, tăng cường quốc phòng, an ninh; phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng cao; góp phần hình thành và phát triển các khu đô thị vệ tinh dọc hai bên tuyến.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay cả 4 gói thầu xây lắp đang đồng loạt triển khai, với tổng giá trị thực hiện khoảng 594/1.616 tỷ đồng (đạt 37% giá trị hợp đồng các gói thầu).

Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn về mặt bằng thi công. Đến nay, dự án mới được bàn giao 27,2/48 km mặt bằng (đạt 57%). Trong đó, việc thanh lý rừng thuộc sở hữu toàn dân gặp khó khăn do thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt phương án khai thác, tận thu rừng còn kéo dài, trong khi diện tích rừng lại nhỏ lẻ, phân tán. Bên cạnh đó, công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật và xây dựng một số khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành, các địa phương chưa xác định xong nguồn gốc sử dụng đất…

Ông Phạm Hồng Văn, Chỉ huy trưởng công trường xây dựng cầu Thạch Hãn 1, thuộc gói thầu VB-XL04 (do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thi công) cho biết, theo tiến độ hợp đồng, gói thầu hoàn thành vào tháng 2/2026. Song theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh, gói thầu này phấn đấu thông xe kỹ thuật trước tháng 9/2025. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vướng mặt bằng một số hộ dân ở khu vực xã Triệu Độ (nay là xã Triệu Bình, tỉnh Quảng Trị).

Cũng theo ông Văn, nhà thầu luôn đảm bảo máy móc, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ; những lúc thời tiết thuận lợi, có từ 70 đến 80 công nhân làm việc liên tục trên công trường cầu Thạch Hãn 1. Khi thời tiết nắng ráo, đơn vị tăng ca, làm thêm cả ban đêm để đảm bảo tiến độ.

Trước những vướng mắc hiện nay, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Ban đã đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung nhân lực, bố trí cán bộ phối hợp với Ban để đẩy nhanh công tác GPMB, thanh lý rừng, xây dựng các khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, sớm bàn giao mặt bằng thi công cho nhà thầu”.

Điều chỉnh, tăng vốn đầu tư

Những vướng mắc liên quan đến công tác GPMB tại Dự án thành phần 1 - Đường ven biển Quảng Trị đã khiến chi phí GPMB vượt dự toán ban đầu.

Trước thời điểm sáp nhập tỉnh, ngày 26/6 vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Bình (cũ) đã có nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, nâng tổng mức đầu tư Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3. Cụ thể, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên 3.790 tỷ đồng; trong đó, Dự án thành phần 1 - Đường ven biển tăng tổng mức đầu tư từ 2.200 tỷ đồng lên 2.490 tỷ đồng, tăng thêm 290 tỷ đồng cho công tác bồi thường, GPMB. Đồng thời, điều chỉnh nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác từ 800 tỷ đồng lên 1.090 tỷ đồng.

Tương tự, đối với Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây - Giai đoạn I, các vướng mắc trong GPMB cũng khiến dự án bị đội vốn do phát sinh chi phí liên quan. Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị (cũ) đã đề nghị HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư, nâng tổng mức đầu tư dự án từ 2.060 tỷ đồng lên 2.731,779 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh này do nhiều yếu tố phát sinh trong quá trình rà soát, cập nhật thực tế, như chi phí GPMB tăng cao (hơn 540 tỷ đồng) do thay đổi đơn giá đền bù đất đai, tài sản trên đất (nhà cửa, kiến trúc, cây cối, hoa màu…). Chi phí xây dựng cũng tăng do điều chỉnh hướng tuyến và bổ sung các yếu tố kỹ thuật như phòng chống trượt, lũ quét. UBND tỉnh Quảng Trị (cũ) cũng đề nghị HĐND tỉnh điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2021 - 2026 thành 2021 - 2027.

Ngọc Tân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục