Nút thắt của nền kinh tế là năng suất chất lượng kém

Nêu vấn đề tại Tọa đàm Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và Kế hoạch năm 2020, PGS.TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi, 2 năm liền tăng trưởng quý này hơn quý trước, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu, mọi chỉ số đều đẹp nhưng tại sao đất nước vẫn tụt hậu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì Tọa đàm (Ảnh: K.T) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì Tọa đàm (Ảnh: K.T)

Sáng 4/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức tọa đàm Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và Kế hoạch năm 2020.

Chủ trì tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh gợi mở 9 nhóm nội dung đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận. Nhấn mạnh năm 2020 là năm cuối cùng để về đích hoàn thành các mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị các đại biểu bổ sung đánh giá về khó khăn, thuận lợi, khả năng hoàn thành các mục tiêu, đặc biệt là chỉ tiêu thu ngân sách (tăng 3,8% so với gốc thực hiện năm 2019).

Đồng thời, làm rõ chất lượng tăng trưởng và xử lý nội tại các vấn đề của nền kinh tế mà nhiều năm nay chưa xử lý được, gồm cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA, chất lượng nhân lực…

Trình bày báo cáo tham luận đề dẫn tại Tọa đàm, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP tăng 6,98%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 là 6,8%; Môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; Lạm phát ở mức thấp.

Bình quân 9 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong cùng kỳ 3 năm qua. Khả năng đạt mục tiêu dưới 4% của Chính phủ tương đối chắc chắn đạt được. Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định. Tín dụng tăng trưởng tương đối chậm, tăng 8,64% so với cuối năm 2018 là mức thấp hơn cùng kỳ các năm trước…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có diễn biến phức tạp, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn có tăng trưởng, cho thấy nền kinh tế đã ứng phó hiệu quả với những bất định từ bên ngoài.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước tăng 10% trong quý III và tăng 8,2% trong 9 tháng qua. Về nhập khẩu, mức tăng kim ngạch ổn định, ở mức 8,9% trong quý III và 9 tháng đầu năm. Tính chung trong 9 tháng, Việt Nam ước xuất siêu 5,9 tỷ USD, tương đương 3% kim ngạch xuất khẩu…

Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đi kèm với cải thiện tương xứng về chất lượng tăng trưởng. Chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động còn ở mức thấp. Hiệu quả sử dụng nguồn lực khu vực công còn bất cập, giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng còn chậm, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Việc tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại vẫn là thách thức lớn. Đơn cử với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mặc dù thời gian đàm phán và phê chuẩn không ngắn, song những rà soát, chuẩn bị về một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm…

Từ những phân tích trên, đại diện CIEM cho rằng, có nhiều khả năng đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra trong năm nay. Trong đó, tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7,02%; lạm phát bình quân khoảng 2,78%; tăng trưởng xuất khẩu 8,13%.

Năm 2020, mặc dù được dự báo có nhiều khó khăn hơn song tăng trưởng có thể đạt mức 6,7%; lạm phát khoảng 3,17%; tăng trưởng xuất khẩu khoảng 7,6%.

Đóng ý ý kiến tại Tọa đàm, hầu hết các chuyên gia đều đồng tình với đánh giá, nhận định của CIEM.

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, có một số điểm cần bổ sung, làm rõ. Thứ nhất là động lực tăng trưởng. Thứ hai là nếu xét về phía cầu, xuất khẩu năm nay thấp hơn năm ngoái. Bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng tốt.

Nếu loại yếu tố giá, năm nay tăng cao hơn năm ngoái. Về vốn FDI, năm nay thấp hơn năm ngoái nhưng vốn nước ngoài tham gia mua cổ phần, góp vốn tăng rất mạnh, trên 80%.

“Xu hướng đầu tư nước ngoài đã thay đổi, trước đây đầu tư trực tiếp nhưng nay mua cổ phần góp vốn”, ông Lực lưu ý.

Liên quan đến lạm phát, ông Lực cho rằng cần mổ xẻ rất kỹ, trong bối cảnh giá điện điều chỉnh tăng thời gian qua. “Nguyên nhân ở đâu khiến lạm phát tích cực, thấp như vậy”, ông Lực nêu vấn đề.

Góp ý thêm về vấn đề đầu tư công và kết cấu hạ tầng, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cách phân bổ vốn chia đều như hiện nay, địa phương đưa danh sách dài lên rồi cắt bao nhiêu thì cắt.

Xu hướng đầu tư nước ngoài đã thay đổi, trước đây đầu tư trực tiếp nhưng nay mua cổ phần góp vốn  

Tuy nhiên, cần lựa chọn những gì cốt yếu trong 5-10 năm tới. “Theo tôi quan trọng là kết cấu hạ tầng, đường to có trước, đường nhỏ có sau”, ông Đông nói và lý giải, điều này sẽ tạo sự công bằng và giúp cho cả thế hệ mai sau.

Về kinh tế số, ông Đông cho rằng, CMCN 4.0 mới hình thành giống như mọi vấn đề của thời đại, cái cũ luôn cố cưỡng lại nhưng không thể cưỡng được. Tuy nhiên, cần thận trọng việc các doanh nghiệp lợi dụng các vấn đề về đô thị thông minh, kinh tế số để nhân danh cái mới để xin dự án mà bỏ qua việc cạnh tranh.

Băn khoăn về vấn đề tăng trưởng, PGS.TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế đặt vấn đề, tại sao 2 năm liền tăng trưởng quý này hơn quý trước, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu, mọi chỉ số đều đẹp nhưng tại sao đất nước vẫn tụt hậu. "Vấn đề là chúng ta đã đi vào thực chất chưa hay vẫn hình thức?", ông Long nói.

Theo ông Long, nút thắt của nền kinh tế hiện nay, chủ yếu là do năng suất chất lượng kém, nặng về mặt số lượng mà chưa đi sâu vào chất lượng. "Tôi mong mỏi cơ chế chính sách đi vào thực chất và phải theo nguyên tắc thị trường", ông Long nói.

Phát biểu bế mạc tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh ghi nhận ý kiến trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu; khẳng định sẽ chắt lọc để đưa vào Báo cáo thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục