Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, dù gói hỗ trợ này chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, nhưng vẫn cần tiếp tục thực hiện và tìm các biện pháp để giải ngân hiệu quả hơn.
Tính đến ngày 15/9/2015, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mới chỉ đạt tỷ lệ giải ngân hơn 26%. Nhiều ý kiến cho rằng, nên kết thúc gói hỗ trợ này để có gói tín dụng mới phù hợp hơn. Quan điểm của ông như thế nào?
Đúng là tỷ lệ giải ngân đến thời điểm này mới đạt 26% là rất thấp và chưa đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, thực tế đến nay, mới chỉ có gói 30.000 tỷ đồng là có cơ chế tín dụng đầy đủ để hỗ trợ người mua nhà có thu nhập thấp với sự tham gia của 15 ngân hàng. Như bạn biết, tỷ lệ giải ngân của gói tín dụng này mới đạt trên 26%, nên chúng ta vẫn còn một nguồn vốn lớn và cần có biện pháp để tiếp tục giải ngân hiệu quả.
ông Lê Hoàng Châu
Vậy Hiệp hội có đề xuất gì để việc giải ngân diễn khả quan hơn, thưa ông?
Nút thắt lớn nhất khiến gói 30.000 tỷ đồng trì trệ là quy định người mua nhà phải chứng minh thu nhập còn bất hợp lý. Theo quy định tại khoản (3.d) Điều 14 Nghị định 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, thì đối tượng người thu nhập thấp phải “là người không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập thường xuyên”, nghĩa là có mức thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, phía ngân hàng thì cho rằng, những người có mức thu nhập như trên sau khi trừ chi phí sinh hoạt thì không đủ khả năng trả nợ. Ngoài ra, còn phải kể đến những người làm công việc tự do, có khả năng mua nhà, nhưng không thể chứng minh thu nhập.
Do vậy, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cho phép đối tượng mua nhà ở xã hội không cần thiết phải chứng minh thu nhập, vì trên thực tế, khi mua, thuê mua thì người mua đã dùng chính căn hộ này để thế chấp cho hợp đồng mua căn nhà.
Hiệp hội có kiến nghị giảm lãi suất cho vay của gói tín dụng này xuống 3- 3,5%/năm. Căn cứ nào để Hiệp hội đưa ra kiến nghị này, thưa ông?
Hiện lãi suất của gói 30.000 tỷ đồng đang là 5%/năm, tuy nhiên, theo Horea, mức lãi suất nên đưa về 4 - 4,5%/năm áp dụng cho năm 2016 đối với nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng/căn và về 3 - 3,5%/năm với nhà ở xã hội để phù hợp với thu nhập phổ biến của người dân và thực tế lạm phát (đây cũng là mức lãi suất phổ biến ở nhiều nước).
Vừa qua xuất hiện thông tin một số chủ đầu tư câu kết với người mua để trục lợi gói 30.000 tỷ đồng, theo ông, cần có giải pháp gì để hạn chế tình trạng trên?
Gói 30.000 tỷ đồng là nhằm hỗ trợ người mua nhà có thu nhập thấp. Xét về mặt đạo đức, một số chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại làm “chiêu trò” để người mua thụ hưởng gói vay này là tước đi cơ hội của người mua nhà thu nhập thấp. Về mặt luật pháp, hiện chúng ta chưa có chế tài xử lý tình trạng trên ngoài quy định sẽ vô hiệu hợp đồng mua bán ở những trường hợp sai phạm bị phát hiện.
Hiện quá trình chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và chia nhỏ căn hộ diễn ra khá chậm chạm, Hiệp hội có đề xuất gì để việc chuyển đổi hiệu quả hơn, thưa ông?
Hiện doanh nghiệp muốn chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội phải đi qua các bước: Được cấp tỉnh thông qua, sau đó trình Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng có văn bản chuyển Ngân hàng Nhà nước, sau đó Ngân hàng Nhà nước có văn bản chuyển đến ngân hàng thương mại thì mới xong thủ tục giải quyết cho doanh nghiệp.
Thủ tục như vậy là khá rườm rà, Hiệp hội đã đề nghị Chính phủ giao toàn quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt các dự án nhà ở xã hội của địa phương, không phải trình Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước để xét duyệt như hiện nay.
Riêng giải pháp chia nhỏ căn hộ, hiện UBND TP.HCM có chủ trương “siết” lại vì lo ngại áp lực dân số và hạ tầng. Tuy nhiên, Horea đang xem xét để đề nghị UBND Thành phố giải quyết nhanh cho những dự án có đủ điều kiện chuyển đổi.