Sau 15 năm, Tôn Văn đã trở thành địa chỉ cung cấp sản phẩm nút áo xà cừ quen thuộc của nhiều thương hiệu lớn trong làng thời trang trên thế giới. Doanh số mỗi năm của Tôn Văn là 1,5 triệu USD, giá trung bình của một chiếc nút áo là 1.000 đồng. Làm một phép tính đơn giản đã có thể hình dung được số lượng nút áo xà cừ mà Tôn Văn đưa ra thị trường thế giới. Ít ai ngờ, người đứng đầu doanh nghiệp và say sưa với những chiếc nút áo ấy xuất thân lại là một kỹ sư thủy lợi, điều này cũng bất ngờ luôn với chính bản thân ông.
"Đúng là không tưởng tượng ra thật. Tốt nghiệp đại học rồi đi làm nhà nước, lương bổng ít ỏi nên tôi chỉ có một ước mơ lớn nhất là đi làm cho nước ngoài để kiếm được đồng lương kha khá thôi, chẳng bao giờ nghĩ mình có thể đứng trong lĩnh vực sản xuất và đến nay được đánh giá là nhất nhì trong lĩnh vực nút áo xà cừ".
Tính theo kiểu nhà nghèo
Câu đầu tiên tôi rất muốn hỏi, điều gì đã thôi thúc ông gây dựng sự nghiệp riêng?
Ngay sau khi tốt nghiệp, điều tôi nghĩ nhiều nhất là phải làm gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời và cũng là để trả nợ những gì mà cuộc đời đem đến cho tôi. Và muốn trả được nhiều thì phải làm chủ. Một điều quan trọng khác là sự tự ái dân tộc. Khi làm ở doanh nghiệp nước ngoài, tôi luôn nghĩ, vì sao họ làm được mà mình lại không làm được. Mình lại là người ham kỹ thuật nên thấy người ta làm thành công cũng cố gắng làm cho bằng được mới thôi.
Nhưng tại sao lại là nút áo, thứ có lẽ hoàn toàn xa lạ với chuyên môn và sự quan tâm của chính ông?
Chính cái duyên đã đưa đẩy tôi đến với hạt nút, rồi sau đó say sưa với nó. Giai đoạn đầu mới bắt tay vào làm cũng hỏng liên tục, nhưng bởi say sưa nên mình vẫn ráng nghe người ta chê, sẵn sàng bỏ đi làm lại. Tôi rất khoái khi người ta chê, chê đến đâu mình sửa đến đó, cho đến khi không còn chỗ để họ chê nữa, đó là lúc Tôn Văn có những sản phẩm hoàn thiện và được thị trường đón nhận.
Và ông mất bao lâu để có được những sản phẩm hoàn thiện?
Lúc khởi nghiệp, tôi nghĩ khoảng 5 năm là tôi sẽ làm chủ được tất cả công nghệ này, nhưng ra làm thực tế thì 10 năm vẫn không thấy đủ, đến nay là 15 năm rồi vẫn còn đó những thách thức, nhưng được cái là mình đã tự tin lên nhiều.
Đâu là những thách thức lớn nhất đối với một doanh nghiệp làm nút áo xuất khẩu như Tôn Văn, thưa ông?
Thách thức lớn nhất vẫn là về kỹ thuật. Mẫu mã ngành thời trang thì liên tục thay đổi theo mùa nên mình cũng phải thường xuyên thay đổi để đáp ứng. Mình phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi họ có phương tiện kỹ thuật hiện đại, có mẫu nào mới chỉ cần đưa vào máy là xong. Còn mình thì không có máy lazer nên phải sáng tạo ra kỹ thuật để bằng một nguyên lý khác vẫn có thể cho ra một sản phẩm với chất lượng không thua kém.
Vậy tại sao ông không đầu tư máy lazer, năng suất và độ chính xác chắc chắn sẽ cao hơn?
Máy lazer nguyên chiếc như thế đắt quá, mình nghèo thì phải tính theo kiểu nhà nghèo. Một cái máy lazer đắt bằng cả chiếc xe hơi và cả năm lương công nhân chứ chẳng chơi. Làm kỹ thuật thì phải tính toán sao để ít tốn kém hơn mà hiệu quả vẫn tương đương.
Thế có bao giờ ông nghĩ đến việc phải cập nhật công nghệ mới nhất để có thể nhàn được như người ta?
Thực ra bây giờ cũng là cập nhật rồi, nhưng theo kiểu Việt Nam , cụ thể hơn là kiểu của tôi. Như nói về máy lazer, mua nguyên cả một bộ thì đắt nhưng nếu mua lẻ, xem nguyên lý hoạt động rồi tự lắp lại với nhau thì kết quả hoạt động cũng y như vậy. Hiện tại, đa phần tôi vẫn trực tiếp làm hoặc đưa ý tưởng cho anh em triển khai, công việc đó cũng hấp dẫn tôi lắm. Tiết kiệm được đến 75% chi phí đấy.
Vậy có mẫu nào người ta đưa ra mà ông không làm được không?
Rất ít. Cũng có một số mẫu ban đầu tôi từ chối, nhưng người ta bảo Tôn Văn là vua nút thì đừng có từ chối, thế là lại về và mày mò làm cho bằng được (cười).
Hiện tại tỷ lệ nút xà cừ trong tổng số nút áo như thế nào và xu hướng ra sao, thưa ông?
Tỷ lệ nút áo xà cừ hiện nay không tới 1% so với các sản phẩm nút bằng chất liệu khác. Nút xà cừ nằm trong phân khúc hạng sang và phổ biến tại một số quốc gia coi trọng việc bảo vệ môi trường và bắt buộc dùng những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Thị trường sản phẩm này vẫn luôn giữ mức ổn định như vậy.
Những ngả rẻ bật thành
Mỗi doanh nghiệp khi phát triển đều có nhu cầu mở rộng quy mô, với thị phần ổn định như thế không lẽ Tôn Văn chỉ đi ngang?
Tất nhiên là làm ăn thì ai cũng muốn đi lên, nhưng quan trọng hơn là phải chọn tốc độ phù hợp, nếu không rất dễ bị sa đà. Những người bạn có kinh nghiệm ở nước ngoài cũng khuyên tôi đừng đi quá nhanh, nếu không khi thị trường đi xuống mình sẽ là người chết nhanh nhất. Khi doanh nghiệp phá sản thì đó không chỉ là câu chuyện của mỗi chủ doanh nghiệp mà lớn hơn là số phận của bao nhiêu người công nhân, họ sẽ như thế nào nếu mất việc làm? Nghĩ như thế nên tôi luôn cân nhắc rất kỹ. Như bạn thấy đấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cứ có tiền là đi đầu tư tùm lum, với lập luận là không bỏ trứng vào một giỏ. Chính tôi mấy năm trước thấy người ta làm bất động sản ào ào cũng hơi bất mãn, nghĩ bụng, mình là doanh nghiệp sản xuất, làm ăn đàng hoàng thế này mà lợi nhuận một năm không bằng một tay cò buôn đi bán lại bất động sản kiếm lời, như thế thật bất công. Có lẽ cũng nhiều người có cùng suy nghĩ với tôi, rồi họ quyết định nhảy vào bất động sản và đến giờ mới lĩnh hậu quả, còn tôi thì vẫn vững vàng và ổn định.
Cùng tâm lý như vậy, tại sao mọi người nhảy vào còn ông thì không? Điều gì ghìm ông lại vậy?
Thực ra lúc nào cũng phải biết cách kìm mình lại đấy. Hồi nào làm ăn kiếm không ra việc để làm, đến lúc có ít tiền rồi thì sẽ có đủ thứ cám dỗ anh, thấy đầu tư cái nào cũng lợi, nhưng làm đến một lúc nào đó quá tầm kiểm soát thì anh chết.
Vậy tức là ông vẫn khá tỉnh táo trước những cám dỗ đó?
Có lẽ thế. Và đúng hơn là tôi cũng không tham tiền lắm, tôi ham kỹ thuật hơn.
Tôi lại nhớ đến câu chuyện tham gia vào VietMac, đó có phải là một lần ông không vượt qua được sự cám dỗ?
VietMac là tôi nghĩ cho con cái. Mặt khác, cũng bởi đó là điều gì đó rất mới mẻ. Lúc đó tôi nghĩ, đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và với sự tự ái dân tộc lại nghĩ, cái gì của Việt Nam thì cũng ráng tham gia vào để đẩy nó lên. Vì tinh thần đó nhiều hơn là vì vấn đề lợi nhuận.
Rồi ông tham gia được bao lâu?
Nửa năm.
Nửa năm thì ngắn quá ạ. Vì sao vậy thưa ông?
Lúc đầu tôi nghĩ đây là một sản phẩm có tiềm năng, nhưng vào thực tế mới biết là cơm kẹp không thực sự mới mẻ, thế giới đã có rồi. Rồi ban đầu mình nghĩ là có thể cạnh tranh với các thương hiệu lớn về đồ ăn nhanh đã hiện diện tại Việt Nam , nhưng thực tế là rất khó để thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Nhưng như ông nói, ông rất tỉnh táo và thận trọng, chắc chắn khi bước vào một lĩnh vực hoàn toàn khác như vậy, ông cũng phải tính toán và tìm hiểu rất kỹ rồi chứ, tại sao ông bỏ cuộc sớm thế?
Bởi vì nhìn lại, tôi thấy mình không nỗ lực tiếp được vì những yếu tố như tôi vừa nói.
Thực tế là ông đã mất bao nhiêu thời gian để suy nghĩ trước khi quyết định đầu tư vào VietMac?
Một tháng. Thực ra, tôi cũng thuộc loại hấp tấp, cái gì thích cũng hay quyết định theo cảm tính và cũng hơi liều nữa. Nhưng làm ăn là thế, nếu chọn sai 10 lần mà được một lần thì cũng là thành công rồi. Đừng lấy số lần thất bại để luận anh hùng.
Nếu người ta nói anh là một người bỏ cuộc thì anh nghĩ sao?
Thực ra đó cũng là điều bình thường, muốn nghĩ sao cũng được cả, mình làm doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ có lời khen, tiếng chê. Sống sao mà có nhiều tiếng khen hơn là được rồi.
Vậy còn lần nào khác nữa ông để cảm tính dẫn dắt mình?
Có, mấy năm trước tôi đầu tư trồng hành. Một khách hàng Hàn Quốc muốn trồng hành ở Việt Nam , họ đưa giống sang và lo phần bao tiêu sản phẩm. Tôi thì có đất. Thấy có triển vọng thế là tôi đứng ra trồng hành xuất khẩu. Tôi nhận mấy chục tấn hành giống rồi đưa cho nông dân trồng, nhưng cuối cùng có lẽ vì không hợp đất và khí hậu nên hành chết hết.
Tính ra thì đến thời điểm này có lẽ mỗi nút áo là ông thành công?
Đúng vậy (cười).
Sản xuất vì danh dự Quốc gia
Nếu so với mục tiêu ban đầu thì đến thời điểm này ông thấy mình đã trả nợ được cho đời chưa?
Tôi nghĩ là tôi đã may mắn và mãn nguyện. Ít nhất là xét về mặt vật chất thì tôi đã trả nợ được cho cuộc đời. Hơn nữa, với doanh nghiệp mình tạo ra công ăn việc làm cho bao nhiêu người, đó mới là điều vui nhất. Công việc tại Tôn Văn không quá kén người nên những người khó tìm việc họ có thể làm cho mình, cuộc sống của họ tốt hơn, gia đình họ tốt hơn, họ sẽ lao động thay vì làm những việc có hại cho xã hội. Con người đẹp nhờ lao động mà. Như vậy là mình có ích rồi.
Với thị trường nút áo khá ổn định, Tôn Văn có chịu những khó khăn gì trong giai đoạn khủng hoảng này không?
Chúng tôi cũng đỡ hơn vì không đầu tư tràn lan và không vay nợ ngân hàng. Tuy nhiên, khi thị trường xuống thì doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong ngành nút áo thế giới cũng chết, rồi nhiều nhà máy cỡ bự ở Việt Nam cũng đang hấp hối. Nguyên nhân là thị trường nhỏ lại, khách hàng khắt khe hơn, họ đòi hỏi chất lượng vẫn tốt mà giá thành phải rẻ hơn. Mình phải đáp ứng được yêu cầu đó mới có thể tồn tại được. Tôn Văn cũng phải thay đổi rất nhiều để thích nghi, tìm ra các giải pháp công nghệ và quản lý để giảm phi phí, từ đó giảm giá thành sản phẩm.
Từ câu chuyện của Tôn Văn, ông có rút ra cho mình triết lý kinh doanh nào không?
Làm ăn phải nghĩ đến những nhu cầu rất đời thường. Và hãy cố gắng làm sản xuất để tạo ra của cải cho xã hội. Báo chí bây giờ cũng hay thổi phồng những trường hợp "siêu quá", cái đó cũng tốt nhưng không phải là phổ biến.
Tôn Văn có những khách hàng lâu năm, vậy đâu là bí quyết gây dựng niềm tin, thưa ông?
Chữ tín là điều quan trọng nhất trong làm ăn. Từ những việc rất đơn giản như hẹn gặp, phải tuyệt đối đúng giờ, rồi thời gian giao hàng, chất lượng cũng vậy. Các doanh nghiệp nước ngoài họ biết những nước nghèo thì trình độ không ổn định, sản phẩm mẫu rất đẹp nhưng đến lúc làm thật thì ẩu. Vì vậy, mình phải lường trước hết những điều đó, không được hứa lèo. Nhưng thực tình mà nói, tôi cũng không hiểu sao các doanh nghiệp mình lại hay thất hứa thế!
Ông có nói về lòng tự ái dân tộc, vậy ông có bao giờ nghĩ về sứ mệnh của một doanh nhân không?
Trước hết đã là người thì khi sống phải có ích cho cuộc đời. Khi làm doanh nhân còn thêm một yếu tố khác nữa là khi đi ra nước ngoài phải nghĩ đến hình ảnh của cả dân tộc. Nội hàm sản phẩm mà doanh nghiệp đưa ra thế giới là hình ảnh, danh dự của đất nước, thế nên đừng để cho người ta coi thường.
Đến giờ thì có lẽ nói về sản phẩm nút áo xà cừ chắc thế giới không thể coi thường Việt Nam được?
Tôi đảm bảo không ai dám coi thường.
Từ câu chuyện nút áo, lại nói đến ngành công nghiệp phụ trợ trong ngành dệt may của Việt Nam , vì sao vẫn yếu kém, vì sao doanh nghiệp Việt vẫn phải đi nhập khẩu những sản phẩm rất nhỏ như nút áo, thưa ông?
Phụ trợ của mình kém bắt nguồn cũng là do tư duy mà tôi đã nói, đa số mọi người nghĩ đến chuyện lớn mà không bao giờ nghĩ đến chuyện đời thường để khởi nghiệp. Đến bây giờ thì hàng Trung Quốc tràn sang. Mặt khác cũng do những yếu tố vĩ mô, lạm phát, lãi suất, nên doanh nghiệp ngại đầu tư vào sản xuất vì rủi ro quá lớn.
Ông có nghĩ rằng, sau cuộc khủng hoảng này, khi cuộc chơi mới bắt đầu, liệu các doanh nghiệp sẽ đổi mới tư duy và bắt tay vào làm những cái nhỏ mà mình có khả năng?
Cái tích cực là ở chỗ đó. Những cái khó sẽ khiến người ta nhớ lâu hơn, ai cũng đã có bài học nhớ đời, như vay nhiều quá, làm lớn quá, kiến thức chưa đủ… Rồi kinh doanh trong điều kiện thuận lợi quá đến bây giờ mới vỡ lẽ, hóa ra cuộc đời cũng có những lúc khó như thế này và chắc chắn họ sẽ phải làm khác đi.
Vậy có vẻ như cách tư duy và lựa chọn của ông khá chính xác, ít nhất là cho đến thời điểm này?
"Đường xa mới biết ngựa hay" là vậy đó.
Chắc là ông đã hết cảm thấy bất mãn rồi chứ?
Giờ mới thấy cuộc đời công bằng. Tất nhiên, có những nguyên nhân khách quan, nhưng cứ tự trách mình trước rồi mai mốt đó sẽ là bài học bổ ích nhất.
Về Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn
Tôn Văn được thành lập từ cách đây hơn 15 năm Sau khi ông Tôn Thạnh Nghĩa rời bỏ vị trí phó giám đốc tại một công ty sản xuất nút xà cừ của Nhật Bản. Người chủ doanh nghiệp Nhật Bản này đến nay lại chính là một khách hàng trung thành của Tôn Văn tại Hồng Kông, sau khi ông nhượng lại doanh nghiệp tại Việt Nam cho một người Hàn Quốc. Nút xà cừ Tôn Văn đã có mặt tại hầu hết các thị trường có nền công nghiệp thời trang phát triển như: Anh, Pháp, Mỹ, Ý, Nhật, Đức, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc... và đem về doanh thu hàng triệu đô la Mỹ mỗi năm. |