NS3 được cổ phần hóa năm 2015, có vốn điều lệ 55 tỷ đồng, hoạt động chính là sản xuất và kinh doanh nước sạch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Năm 2018, cổ đông Nhà nước do Công ty TNHH MTV Cấp nước Hà Nội đại diện đã thoái hết hơn 65% vốn, bên nhận chuyển nhượng là Công ty cổ phần Ðầu tư ngành nước DNP.
Trong năm 2018, NS3 đạt doanh thu 171 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 17 tỷ đồng, chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu.
Báo cáo tài chính năm 2018 xuất hiện nhiều khoản đầu tư tài chính, bao gồm 177 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, trong đó có 98 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, 21 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn có 36 tỷ đồng. Nợ dài hạn là 174 tỷ đồng.
Tài liệu gửi cổ đông tại cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông năm 2019 không bao gồm thuyết minh báo cáo tài chính, nên cổ đông không nắm được các khoản này vào các công ty nào, hiệu quả ra sao? Do đó, cổ đông đề nghị NS3 cho biết, Công ty vay nợ 174 tỷ đồng để làm gì khi doanh thu năm 2018 gần như không tăng so với năm 2017 và bày tỏ lo ngại liệu Công ty có cho đơn vị khác vay lại? Ðược biết, chi phí lãi vay năm 2017 chỉ có 189 triệu đồng, trong khi năm 2018, Công ty phải trả lãi hơn 9 tỷ đồng.
Giải trình với cổ đông, ông Lê Tuấn, thành viên Hội đồng quản trị NS3, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư ngành nước DNP cho hay, khoản vay vốn dài hạn là từ phát hành trái phiếu (150 tỷ đồng) và vay vốn ngân hàng. Nguồn vốn này được sử dụng để đầu tư mua cổ phần một số công ty trong ngành nước, không có việc cho vay lại. Việc đầu tư mới thực hiện trong nửa cuối năm 2018 nên chưa mang lại doanh thu và lợi nhuận.
“NS3 sản xuất và kinh doanh nước sạch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, muốn có tăng trưởng đột biến là rất khó, do hạn chế quy mô địa bàn. Chúng tôi hướng tới việc đầu tư và thâu tóm một số công ty ngành nước. Hiện tỷ lệ đầu tư chưa đạt mức chi phối, nhưng theo lộ trình thoái vốn của Nhà nước, NS3 có thể gia tăng đầu tư và qua đó nâng tầm doanh nghiệp khi hợp nhất doanh thu, lợi nhuận”, ông Lê Tuấn nói.
Bà Vũ Thúy Hà, Kế toán trưởng NS3 cho biết thêm, NS3 đã đầu tư 98 tỷ đồng mua cổ phần Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ 2, chi 21 tỷ đồng mua cổ phần Công ty cổ phần Cấp nước Khánh Hòa (KHW) và 57 tỷ đồng đầu tư hợp tác trong các công ty ngành nước khác.
Theo ông Lê Tuấn, KHW và Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ là 2 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong ngành nước. KHW có quy mô gấp 3 lần NS3, tăng trưởng lợi nhuận đều đặn hơn 10%/năm trong 3 năm qua. Còn Cấp thoát nước Cần Thơ có địa bàn kinh doanh ổn định, quy mô vừa phải, NS3 có khả năng mua chi phối khi Nhà nước thoái vốn.
Trước việc NS3 dự kiến chia cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu, một số cổ đông không hài lòng. Tuy nhiên, theo Ban lãnh đạo NS3, kế hoạch năm nay vẫn chia cổ tức bằng cổ phiếu để ưu tiên sử dụng nguồn lực tài chính nhằm tăng quy mô Công ty.
Chia sẻ về hoạt động sản xuất - kinh doanh, ông Lê Tuấn cho biết, sau khi chuyển giao 65% cổ phần từ cổ đông Nhà nước sang cổ đông tư nhân, ưu tiên trước nhất của NS3 là cải thiện hiệu quả kinh doanh, đặc biệt là dự án giảm thất thoát, thất thu nước. Tỷ lệ thất thoát trước đây là 23%, nay chỉ còn 16% và sắp tới phấn đấu giảm xuống 12%.
Năm 2019, Công ty tiếp tục đầu tư đảm bảo ổn định chất lượng nước trong tình trạng cơ quan nhà nước giám sát ngày càng chặt chẽ hơn. Hiện NS3 phải mời đơn vị tư vấn nước ngoài nhằm đảm bảo chất lượng nước đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, Công ty đang triển khai dự án số hóa, quản lý khách hàng qua phần mềm tự động hóa trong việc thu tiền khách hàng.
Ngoài các nội dung về hoạt động kinh doanh thường lệ, NS3 còn xin ý kiến cổ đông về chuyển đổi mô hình quản trị. Theo đó, Công ty sẽ áp dụng mô hình quy định tại Ðiều 143, Luật Doanh nghiệp, bao gồm Ðại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, thay cho mô hình Ðại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban tổng giám đốc hiện tại.