Tiền tệ
Thặng dư thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2017 (hơn 375 tỷ USD) và nhiều khả năng sẽ tiếp tục lặp lại trong năm nay. Không ít giả thuyết kinh tế cho rằng, nguồn gốc thặng dư thương mại này xuất phát từ việc Trung Quốc đã hạ giá đồng tiền nhằm giành lợi thế không lành mạnh và Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những người tin vào điều này.
Ngay từ khi còn tranh cử, ông Trump đã thực hiện nhiều chiến dịch chống lại chính sách tiền tệ của Trung Quốc, thậm chí “dán nhãn” quốc gia này là thao túng tiền tệ ngay ngày đầu tiên nhậm chức. Kể từ đó tới nay, đáng lẽ ông Trump đã có không ít cơ hội để tiếp tục có động thái mạnh tay hơn nữa đối với vấn đề tiền tệ giữa 2 quốc gia, nhưng ông không làm. Lý do là bởi, thực tế, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá 8,6% so với USD kể từ ngày ông Trump nhậm chức.
Việc đồng Nhân dân tệ tăng giá (USD giảm giá) theo lý thuyết phải thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc. Và thực tế, năm 2017, giá trị xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Đại lục cũng đạt mức cao nhất trong lịch sử, ở mức 130 tỷ USD, tăng 15 tỷ USD so với năm 2016.
Trước đó, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã liên tục theo xu hướng giảm kể từ năm 2014. Như vậy, các cáo buộc của Mỹ lẽ ra phải ở chiều ngược lại, khi chính Hoa Kỳ đang được tận hưởng lợi thế từ việc giá trị đồng tiền giảm.
Thâm hụt
Vấn đề đối với Tổng thống Trump là việc Mỹ ngày càng nhập khẩu nhiều hơn từ Trung Quốc, tăng từ 463 tỷ USD năm 2016 lên 506 tỷ USD năm 2017. Kết quả là thâm hụt thương mại tiếp tục được nới rộng, từ 347 tỷ USD năm 2016 lên mức cao nhất lịch sử 375 tỷ USD năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc, Trung Quốc chiếm gần một nửa (43,6%) toàn bộ thâm hụt thương mại của Mỹ đối với phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang chiếm thị phần 20% trong các hoạt động thương mại toàn cầu bên ngoài nước Mỹ, vậy nên việc đạt được những con số kể trên với Hoa Kỳ không có gì đáng ngạc nhiên. Bên cạnh đó, con số thâm hụt thương mại thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc có thể chỉ vào khoảng 200 tỷ USD, bởi đa phần hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ có chứa các thành phần được sản xuất tại các quốc gia khác.
Chưa kể, Mỹ đang có thặng dư thương mại lớn (32 tỷ USD) đối với Hồng Kông, một phần của Trung Quốc. Và cuối cùng, Mỹ đang thặng dư thương mại dịch vụ trị giá 38 tỷ USD với Đại lục. Theo đó, với các nhà kinh tế, con số thâm hụt mà Mỹ luôn đưa ra để dẵn dắt các quan điểm bảo vệ chính sách trừng phạt Trung Quốc, có lẽ mang tính chính trị nhiều hơn.
Phiếu bầu
Tít lớn của các báo Mỹ đa phần đề cập tới sự thống trị của hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng ít nhắc tới việc các nhà xuất khẩu của Mỹ luôn đóng vai trò quan trọng tại đấu trường chính trị nơi đây.
Việc đồng Nhân dân tệ tăng giá hơn 8% đối với USD đã tương ứng với việc hàng hóa nhập khẩu từ Đại lục vào Mỹ phải chịu thuế quan tương đương 8%. Do đó, câu chuyện thực tế giữa “chiến tranh thương mại Mỹ - Trung” không phải hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu, mà là sản phẩm Đại lục sẽ nhập khẩu từ Mỹ.
Trong phái đoàn kinh tế mà Mỹ cử tới đàm phán tại Bắc Kinh trong những ngày đầu tháng 5/2018, bao gồm Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện thương mại Robert Lighthizer…, mỗi người đều có sẵn danh sách một số loại hàng hóa muốn được "rộng cửa" hơn nữa vào Trung Quốc. Không ít chuyên gia kinh tế nhận định, bản chất của các cuộc đàm phàn này là việc Mỹ sẽ ngừng đánh thuế để đổi lấy “cánh cửa” bước vào thị trường Trung Quốc.
Sau cùng, bắt đầu từ tuần tới, các thông báo về hàng hóa xuất khẩu mới của Mỹ sẽ được công bố cho tới ngày 6/11. Và nước Mỹ đang gấp rút để giành chiến thắng đối với các cử tri quan trọng, chính là nhà xuất khẩu tại Mỹ.