Nước Mỹ giữa thời khắc… đau thương nhất

Giới chức Mỹ đang gồng mình chống chọi với đại dịch trong tuần này - tuần chết chóc nhất do dịch bệnh.
Tàu bệnh viện USNS Comfort của hải quân Mỹ với khả năng tiếp nhận tới 1.000 gường bệnh cập bến tại thành phố New York hôm 30/3 để hỗ trợ chống dịch Covid-19. Ảnh: AFP Tàu bệnh viện USNS Comfort của hải quân Mỹ với khả năng tiếp nhận tới 1.000 gường bệnh cập bến tại thành phố New York hôm 30/3 để hỗ trợ chống dịch Covid-19. Ảnh: AFP

Vô số những thiệt hại vì Covid-19, nhưng có lẽ mất mát về người là thứ đáng nói nhất khi chỉ trong 1 tuần số người Mỹ mất mạng vì Covid-19 tăng hơn gấp đôi lên hơn 9.000, còn số ca nhiễm bệnh vẫn đang tăng nhanh. Tử thi chất đống tại các bệnh viện ở thành phố New York, trong khi Covid-19 liên tục càn quét tại hầu hết nước Mỹ.

Tờ Washington Post dẫn lời ông Jerome Adams, Tổng y sĩ, cố vấn của Bộ trưởng Y tế Mỹ cho rằng, tuần này sẽ là tuần gian nan và đau thương nhất đối với cuộc sống dân Mỹ. “Đây sẽ giống như thời khắc trận Trân Châu Cảng, hay sự kiện 11/9, chỉ có điều nó không mang tính địa phương mà diễn ra khắp cả nước”, Adams nói.

Chỉ một tháng trước, cảm giác khủng hoảng và đau thương rõ ràng không hề xuất hiện trong Adams và nhiều quan chức của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nhưng giờ đây, ông Trump và cấp dưới, cũng như các đối thủ chính trị, đã phải chấp nhận một thực tế về một nhiệm kỳ tổng thống của thời chiến.

Họ ngợi ca các nhân viên y tế tuyến đầu như những chiến binh, đồng thời coi Covid-19 là kẻ thù xâm lược. Đối phó với nó, nước Mỹ kêu gọi cộng đồng và các tập đoàn kinh tế tư nhân nêu cao tinh thần hy sinh tập thể trong những giờ khắc đen tối nhất của nước Mỹ.

Đó là một biện pháp tốt, Ishaan Tharoor - cây bút chính trị ngoại giao của Washington Post nhận định. Tharoor và các cộng sự của mình cũng có chung nhận định rằng, số người Mỹ tử vong vì dịch Covid-19 có khả năng làm lu mờ số người Mỹ chết trong các cuộc chiến ở Hàn Quốc, Việt Nam, Afghanistan và Iraq cộng lại.

Từ Ấn Độ đến Trung Quốc, Pháp đến Brazil, các chính trị gia đều lao mình vào cuộc chiến đấu với Covid-19, với những khoản ngân sách khủng cho cuộc chiến này và hứa hẹn một chiến thắng vang dội. Châu Âu cũng vậy, các nhà lãnh đạo còn viện dẫn đến Thế chiến thứ hai để cảnh báo người dân rằng các quốc gia của họ chưa đối mặt với cuộc khủng hoảng nào lớn hơn Thế chiến thứ hai.

Tuy nhiên, những sự ví von trên đang vấp phải những tranh cãi từ giới y khoa bởi họ cho rằng, khi đối mặt với mối đe dọa không lường được như Covid-19, các nhà lãnh đạo phải có trách nhiệm thông tin mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh tới cộng đồng, kể cả những người chưa thấy được sự nguy hiểm của dịch bệnh.

Ý niệm chiến đấu chống lại sự xâm nhập của kẻ thù thường dẫn đến những suy nghĩ mù quáng về dân tộc thiểu số và người nhập cư - điều mà Tharoor và các đồng nghiệp nhận thấy trong đại dịch này. Hệ quả tất yếu trong lịch sử các dịch bệnh là những câu chuyện về những kẻ phá hoại và tàn sát cộng đồng những người dễ bị tổn thương - những người dơ dầu chịu báng vì mang tội lan truyền dịch bệnh.

“Đây là một vấn đề dai dẳng trong suốt lịch sử nước Mỹ. Nếu một nhóm người vào diện “tình nghi”, ắt sẽ có sự phân biệt đối xử y tế đối với họ”, ông Alan Kraut, giáo sư sử học tại Đại học Mỹ cho biết.

Điểm khác biệt ở đây là các cuộc chiến chống lại kẻ thù hữu hình có thể là một chính phủ, quốc gia hay nhóm nổi loạn, theo một nghĩa nào đó thường sạch sẽ và dễ hiểu hơn so với cuộc chiến chống lại một loại virus chết người mới.

“Nếu coi những gì đang đương đầu với dịch Covid-19 là một “cuộc chiến tranh” thì hơi quá và khiến nó nghe có vẻ như cuộc chiến vừa xảy ra và chúng ta có thể khắc phục và ổn định trở lại nhanh chóng, nhưng thực tế lại trái ngược, bởi những vấn đề (nước Mỹ) đang phải đối mặt là vấn đề mang tính hệ thống cần được cải tổ để không tái diễn”, Cheryl Healton, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Toàn cầu thuộc Đại học New York. Trong các vấn đề mang tính hệ thống được chỉ ra, Healton nhấn mạnh đến thất bại của trong phản ứng của Mỹ trước dịch Covid-19, bao gồm cả việc dự trữ thiết bị (y tế) quan trọng cho đất nước và sự phối hợp kém hiệu quả trong công tác cứu trợ.

Không riêng gì Mỹ, tình hình hiện nay cho thấy chính phủ của nhiều nước đang trong một cuộc đấu tuyệt vọng để bảo đảm nguồn vật tư và thiết bị y tế trước tình trạng các hệ thống y tế đều quá tải. Cả chuyên gia và lẫn các chính trị gia đều lo ngại, sự ganh đua và lợi ích cá nhân sẽ làm suy giảm nỗ lực và hành động tập thể trong cuộc chống chọi với dịch bệnh.

“Dường như người ta thích sử dụng các thuật ngữ chiến tranh”, ông Santiago Cabanas, Đại sứ Tây Ban Nha tại Washington cho biết trong cuộc phỏng vấn trên tờ Today’s WorldView tuần trước. Theo đại sứ này, nỗi sợ hãi và sự bất ổn luôn kìm hãm cộng đồng mỗi khi xảy ra hiểm họa quốc gia, nhưng với khủng hoảng do dịch bệnh hiện nay, không cần phải kêu gọi cuộc chạy đua vũ trang hay cạnh tranh quốc gia.

“Chúng ta không cần vũ khí, chúng ta không cần bom. Chúng ta cần sự đoàn kết và cảm thông”, đại sứ Cabanas nói.

Với mối đe dọa từ đại dịch có thể lớn hơn, không thể có việc “ngừng bắn” với dịch bệnh. “Tôi đã từng ở một thành phố có chiến tranh, bị phá hủy và đường phố vắng người, nhưng tôi luôn cảm thấy có lối thoát”, Rony Brauman, cựu Chủ tịch Tổ chức phi lợi nhuận Bác sĩ Không Biên giới (MSF).

“Điều đáng sợ hiện nay là phạm vi dịch bệnh trên toàn cầu khiến ngay cả những người vốn đã quen với khủng hoảng thấy rằng đây là thứ trải nghiệm chưa từng có”, Brauman nhấn mạnh.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục