“Nước cờ” mới của Masan Consumer

Nếu thành công với “nước cờ” mới này, Masan Consumer sẽ là “kẻ phá bĩnh” trên thị trường thức ăn gia súc vốn đang bị các công ty ngoại nắm giữ 70% thị phần.
Việc sản xuất thức ăn gia súc đặt nền tảng cho Masan gia nhập thị trường thực phẩm dinh dưỡng Việc sản xuất thức ăn gia súc đặt nền tảng cho Masan gia nhập thị trường thực phẩm dinh dưỡng

Chiến lược khôn ngoan

 

Thông qua sự tư vấn của Morgan Stanley, Tập đoàn Masan đã chi  96 triệu USD mua lại 40% cổ phần Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc Proconco (thương hiệu Cám Con Cò) từ Quỹ đầu tư Prudential. Sau khi hoàn tất thương vụ, Masan giao Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) chịu trách nhiệm phát triển lĩnh vực mới này.

 

Trong thông cáo báo chí của mình, Masan Consumer khẳng định, việc mua lại Proconco đặt nền tảng cho công ty này gia nhập thị trường thực phẩm dinh dưỡng - lĩnh vực đang có sự tăng trưởng đáng kể. Đây là bước đi quan trọng nhằm cung cấp cho người tiêu dùng Việt các sản phẩm dinh dưỡng đảm bảo vệ sinh môi trường theo tiêu chuẩn châu Âu.

 

Để thực thi chiến lược trên, Masan Consumer có kế hoạch hoàn thành một chuỗi giá trị “giống sạch - thức ăn sạch - chế biến sạch -  kho bãi và phân phối” vào năm 2013, trước khi tung ra thị trường một nhãn hiệu mới vào  năm 2014.

 

Tin vào động thái chiến lược mới của Masan Consumer, ông Tú Vũ, quyền Trưởng phòng Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Bản Việt cho hay, Masan Consumer đang theo mô hình mà Charoen Pokphand Group (C.P Group của Thái Lan) đã rất thành công trong nhiều năm qua. Đó là đi từ nền tảng phát triển thức ăn chăn nuôi, đến chăn nuôi gia súc, gia cầm, chế biến thực phẩm từ nguyên liệu đó và cuối cùng mở ra một nhãn hiệu thực phẩm sạch dựa trên quy trình khép kín.

 

Tương tự, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng “có lời khen”, Masan Consumer mua Prococo thời điểm này là rất khôn ngoan, vì thị trường thức ăn chăn nuôi còn dư địa rất lớn. “Động thái này không  hẳn vì Masan Consumer muốn xây dựng chuỗi khép kín liên quan đến sản xuất sản phẩm sạch như đã công bố”, ông Lịch nói.

 

Nhưng có dễ hái quả?

 

Động thái của Masan Consumer không gây bất ngờ với những ai biết về chiến lược chung của Masan Group. Trong đó, Masan Consumer chỉ cạnh tranh trong các lĩnh vực có thể mang lại quy mô lớn với các cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ. Đồng thời, phải thấy được sự thành công của mô hình kinh doanh tương tự trong khối kinh tế tư nhân tại các nước trong khu vực. Để dễ dàng đạt được vị thế dẫn đầu thị trường, Masan Consumer luôn nhắm đến “những quả dễ hái”,  là những ngành hàng hoặc sản phẩm manh mún, có thị trường lớn và có lộ trình rõ ràng.

 

Hiện Masan Consumer đã tham gia 6  nhóm hàng tiêu dùng đang nổi tại Việt Nam là nước tương, nước nắm, mì ăn liền, hạt nêm, cà phê, bột ngũ cốc dinh dưỡng và đều tạo ra lớp người tiêu dùng mới với phân khúc chiếm lĩnh.

 

Khi mới bước chân vào những lĩnh vực nói trên, Masan Consumer đều phải đối diện với nhiều khó khăn. Riêng trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thực phẩm sạch, Masan Consumer sẽ phải đối mặt với hình thức rất phổ biến là sáp nhập theo chiều dọc giữa các công ty để sở hữu những hợp đồng nông sản các nguyên liệu thô như ngô, sắn cho tới sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm.

 

Ngoài ra, Masan Consumer sẽ phải cạnh tranh với nhiều đối thủ đến từ các tập đoàn nước ngoài như: C.P Group, Cargill (Mỹ), Tomboy (Tập đoàn Skretting của Australia )… Tuy nhiên, đối thủ sừng sỏ nhất trong cuộc chiến này lại là C.P Group. Hãy xem tập đoàn này đang làm gì tại Việt Nam ?

 

Việc thâu tóm thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ là bước đệm để C.P Group tham gia lĩnh vực chế biến thực phẩm sạch tại Việt Nam, giống như đã làm tại Trung Quốc. Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, Giám đốc điều hành C.P Việt Nam, cho biết: “Trong tương lai gần, chiến lược kinh doanh của C.P Group tại Việt Nam sẽ tập trung nhiều hơn vào chế biến thực phẩm và thực phẩm ăn liền, vốn chỉ chiếm 10% tổng công việc kinh doanh của C.P Việt Nam”.

 

Tuy nhiên, khi tham gia lĩnh vực này, C.P Việt Nam cũng phải đối phó với khó khăn trong quy hoạch nguồn nguyên liệu do rất nhiều hộ nông dân bị tách biệt, khó tiếp cận các phương tiện giao thông, hệ thống cảng biển.

 

Với Masan Consumer, những khó khăn khi thâm nhập lĩnh vực này tại Việt Nam có thể sẽ nối dài thêm. Tuy nhiên, đây rõ ràng là một tín hiệu vui với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm sạch  Việt Nam . “Biết đâu Masan Consumer sẽ là “kẻ phá bĩnh”, phân chia lại miếng bánh thị phần vốn đang bị các công ty ngoại chiếm hơn 70%”, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam kỳ vọng chiến lược của Masan Consumer sẽ có hiệu quả thực sự không chỉ đối với riêng họ, mà còn lấy lại vị thế cho cả ngành chăn nuôi Việt Nam.

Anh Hoa (baodautu.vn)
Anh Hoa (baodautu.vn)

Tin cùng chuyên mục