''Nức nở'' vì chứng khoán

Cơn sốt chứng khoán đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, cả thành thị lẫn nông thôn. Người ta nghe nhiều về những nhà đầu tư giàu lên nhờ trúng chứng khoán, những người tậu nhà, xe hơi, đồ cổ… Nhưng có một thực tế ít ai nhắc là nhiều gia đình đang điêu đứng, khóc thầm, thậm chí đang đối mặt với nợ nần, phá sản.

Người giàu cũng khóc

TP. HCM những ngày qua liên tục từ 36 độ C trở lên, càng làm cho căn nhà của ông Nguyễn Hòa V. tại An Phú, quận 2 thêm ngột ngạt. Chứng khoán sốt, làm cho ông và vợ, thậm chí hai đứa con trai cưng của ông đều “thống nhất cao” dồn vốn để giàu hơn. Thế là, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của quán cà phê vào loại sang trọng nhất Sài Gòn của ông trên đường 3 Tháng 2 được đem thế chấp lấy tiền đầu tư vào cổ phiếu của một ngân hàng thương mại cổ phần. Tổng số vốn mà ông và vợ quyết dồn vào gần 16 tỉ đồng. Trong đó, 10 tỉ đồng có từ việc cầm giấy tờ của quán cà phê đồ sộ trên, 6 tỉ còn lại là tiền của gia đình và nhà cửa được vét sạch.

Thời điểm ông mua, cổ phiếu của ngân hàng trên chưa niêm yết (OTC), thì giá của cổ phiếu này đang cao ngất nghễu, sát mức 150.000 đồng /cổ phiếu. Sau khi sở hữu toàn bộ số cổ phiếu của ngân hàng này với giá trị gần 16 tỉ đồng vào đầu tháng 2/2007 thì chỉ có đúng ba buổi tối đầu tiên là ông và vợ ông “ngủ trọn giấc” vì cổ phiếu may mắn... đứng giá. Bước qua những ngày đầu tuần thứ hai của tháng 2 thì cổ phiếu này bắt đầu xuống giá liên tục.

Cứ mỗi ngày, khi các trang tin điện tử đưa tin về việc cổ phiếu ngân hàng trên giảm xuống một vài giá thì tài sản của ông H. lại “teo” mất vài trăm triệu đồng, hoặc chí ít cũng vài chục triệu đồng. Đến giữa tháng 4/2007, thì sự lo lắng không chỉ ở mức độ “liều” của ông bà H. nữa rồi mà đang trở thành đề tài của nhiều người và đặc biệt là của ngân hàng đã cho ông H. vay tiền. Bởi tổng số tiền 16 tỉ đồng của ông nay chỉ còn một nửa giá trị. Vì giá cổ phiếu này chỉ còn giao động từ 70.00 - 80.000 đồng/cổ phiếu, và từ đó đến nay không nhích lên được tí nào.

Dù có vô số thông tin liên quan đến ngân hàng này như tăng vốn điều lệ, lợi nhuận quý I/2007 cao, chia cổ tức năm 2006 cao... cũng không ăn thua, bởi tình hình chung là hầu hết cổ phiếu ngân hàng đều đã rớt giá thê thảm, duy chỉ có một cổ phiếu còn tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư. Mà cổ phiếu ngân hàng ông H. chọn lại rớt giá mạnh nhất.

Bây giờ ông H. muốn sống bình yên với một ngày thu lời vài triệu đồng từ quán cà phê cũng rất khó. Vì số tiền trên chưa đủ đóng lãi ngân hàng. Nguy hiểm hơn là nguy cơ bị phát mãi tài sản để thu hồi nợ đang đến rất gần với ông. Tính đến thời điểm hiện tại, cả lỗ và đóng lãi ngân hàng, ông đã chính thức mất trắng 8 tỉ đồng. Và không biết con số này đã dừng lại chưa. Mất tiền, đứa con trai đầu đang chuẩn bị lên đường đi du học ở Úc cũng đã tạm thời... ở nhà chờ. Vì ông còn đâu tiền đóng vào tài khoản theo yêu cầu phía nước bạn.

Một đại gia khác cũng vừa tìm lại nụ cười sau một thời gian “khóc thầm” vì chứng khoán. Những ngày tháng 5/2007, tin ông Hoàng Văn B., đại lý phân phối cấp một của một sản phẩm gạch men cao cấp (công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam) ở đường Tô Hiến Thành, quận 10, trúng đậm gần 15 tỉ đồng sau khi đầu tư vào cổ phiếu Sacombank (mã chứng khoán STB) đã nhanh chóng lan truyền khắp TPHCM.

Thế nhưng, những người bạn thân ông B. không hề thấy ông tỏ vẻ phấn khởi, vui mừng trước món lời trên. Thậm chí ông không đãi bạn bè đến bữa nhậu, không mua đất đai, nhà cửa gì mà vẫn rất... bình thản. Bởi ít người biết, trước đó chưa đầy một tháng, khi thị trường bị “nhuộm màu đỏ” liên tục thì bảy loại cổ phiếu trên sàn mà ông sở hữu đã “ngốn” mất của ông gần đúng 15 tỉ đồng. Ông đã bán tháo tất cả đúng vào thời điểm giá rẻ nhất và chấp nhận thương đau. 

Rất may, vốn nổi tiếng có máu mặt trong làm ăn nên ông B. không vì thế mà bỏ chạy. Ông đã được các trợ lý tư vấn đầu tư vào cổ phiếu Sacombank. Thời điểm ông mua vào, STB có giá 70.000 đồng/cổ phiếu, đến khi bán giá gần 150.000 đồng/cổ phiếu, ông lãi hơn 100% số vốn bỏ ra để đầu tư cổ phiếu này. Khoản lời này may mắn bù đắp được những ngày lỗ khiến ông đứng ngồi không yên trước đó. Nên dù có trúng đậm như thế nhưng thực chất ông là một trong số ít người vào cái “nghề tay trái” này mà vẫn giữ được vốn sau một thời gian “tham chiến” với thị trường.

Quy luật chuyển hóa... tiền!

Chị Nguyễn Thị Thủy có căn nhà bề thế ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, Phú Nhuận. Chị công tác trong một công ty của ngành dầu khí. Vốn nhanh nhạy và sống trong tập thể công ty có đội ngũ biết chớp thời cơ nên khi thị tường nóng lên vào cuối năm 2006, đầu 2007 chị đã cùng với một số người trong công ty kiếm được kha khá từ một số cổ phiếu OTC. Sau vài tháng, một số cổ phiếu như cao su Tây Ninh, cao su Đồng Phú, Hoàng Anh Gai Lai... đã mang về cho chị hơn một tỉ đồng - số tiền mà vợ chồng anh chị làm công suốt đời mơ không thấy. Chị đã chiều lòng đức lang quân, cho anh đổi chiếc Ford Laser mua gần 5 năm nay sang Mitsubishi Grandis với giá 34.000USD. Hàng ngày, vợ chồng chạy tới chạy lui giao dịch, mua bán cổ phiếu trên xế hộp hiện đại và tiện nghi, nở mặt nở mày với bè bạn. 

Thế nhưng, sau hai tháng gặp lại chị, tôi toàn nghe được những lời than vãn, chau mày, thay vì những nụ cười như trước. Số là sau khi trúng cổ phiếu OTC, chị mở tài khoản và lên sàn cho... chuyên nghiệp. Đưa cuốn sổ cho tôi xem, chị liệt kê: mua vào FPT ngày 27/2/2007, giá 672.000 đồng/cổ phiếu; 27/3 giảm xuống 513.000 đồng; 23/4 còn 456.000 đồng. Sốt ruột, chị cứ ngồi chờ nó lên lại để bán, nhưng chờ mãi thêm 10 ngày nữa, đến 2/5/2007 thì giá còn 425.000 đồng. Chị đành cắn răng bán ra, lỗ hơn 400 triệu đồng. Ngày 2/2/2007, mua GMD (cổ phiếu của Gemadept) giá 199.000 đồng/cổ phiếu, ngày 5/2/2007 tăng lên 208.000 đồng. Nhưng đó là ngày tăng duy nhất chị được nếm mùi. Chị cứ liên tưởng đến sự tăng trưởng theo kiểu “bão” như FPT trước đây. 

Nhưng không, sau đúng một tháng, cổ phiếu này bắt đầu giảm đến ngày 20/3 giảm xuống 175.000 đồng và 20/4/2007 giảm xuống 158.000 đồng/cổ phiếu. Chị lại phát hoảng bán ra, lỗ 40.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền “hao” theo phi vụ GMD là 200 triệu đồng. Một cổ phiếu khác cũng khiến chị mất một nửa trong số 500 triệu đồng bỏ ra để đầu tư vào đó, sau một tháng chịu đựng. Chưa hết, sau nhiều ngày ngồi nhìn nó tăng, ngày 12/3/2007, chị quyết định “đón đầu” bằng cách mua cổ phiếu HAP (CTCP Hapaco) với giá 115.000 đồng/cổ phiếu, nhưng không vui cho chị khi đó chính là ngày đỉnh cao của HAP trên sàn. Bởi ngay những ngày sau đó, cổ phiếu này cứ giảm liên tục, cho đến 4/5/2007 thì đã giảm gần một nửa giá trị, còn 61.000đồng/cổ phiếu, là ngày chị buộc phải bán ra.

Ngoài ra còn bốn cổ phiếu niêm yết khác đã làm chị lỗ gần 500 triệu nữa. Tổng cộng, sau khoảng hai tháng gia nhập đội quân nhà đầu tư chuyên nghiệp, chị đã mất gần 1,5 tỷ đồng. Chị ngồi đúc kết kinh nghiệm sau nhiều ngày đi vay mượn tiền của bố mẹ, anh chị em để đóng tiền lời ngân hàng bằng câu của các bậc tiền bối: “Đúng là tiền không tự sinh ra, nó chỉ chuyền từ túi người này sang túi người khác”.

Đây cũng là câu nói mà trong một lần trả lời phỏng vấn, một chuyên gia kinh tế của ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) cũng đã ví von với chúng tôi. Chuyên gia này sau khi đọc câu trên cho chúng tôi nghe đã hỏi ngược chúng tôi: “Theo anh, có những người trúng đậm, mua nhà, sắm xe thì tiền từ đâu ra?”. Rồi ông tự trả lời: “Thì phải có nhiều người khác bị rỗng túi chứ. Tiền không tự sinh ra mà!”.

"Chạy" để được... lỗ tiền tỷ!

Hai người bạn của tôi cách đây ba tuần đã ký hợp đồng “chuyển nhượng công ty” cho một công ty địa ốc có tiếng tại Gia Lai với giá 30.000USD. Gặp tôi, Hoàng - Giám đốc Công ty TMDV địa ốc S (có trụ sở tại khu Bàu Cát, Tân Bình) không giấu được nỗi thất vọng bởi tâm huyết mà Hoàng và một người bạn cùng quê Quảng Nam vừa phải “bán đứt” cho người khác. Tốt nghiệp Đai học Luật TPHCM cách đây sáu năm, Hoàng chạy vạy huy động vốn cùng với bạn cho ra đời công ty cách đây ba năm. Vừa vững vàng được một tí thì hai ông chủ con này đã máu me làm giàu nhanh hơn bằng chứng khoán. Gom góp vốn, vay nóng, tổng cộng được 600 triệu đồng vào đầu năm nay.

Đúng lúc thị trường sôi động nhất, Hoàng lên sàn, đặt mua cổ phiếu blue-chip trên sàn SJS (một công ty thuộc nhóm Sông Đà). Ngày 26/2/2007, Hoàng dùng 400 triệu mua SJS với giá 400.000đồng/cổ phiếu. Sau khi đặt lệnh mua được 1.000 cổ phiếu hạng sang, Hoàng khấp khởi mừng vì lúc đó rất khó mua. 

Nhưng chỉ vài ngày sau, cổ phiếu này từ từ tuột dốc theo thị trường. Ngày 1/3 còn 380.000đồng, ngày 7/5 còn 355.000 đồng... Cứ như thế, mỗi ngày mỗi cổ phiếu Hoàng sở hữu “biến mất” vài chục ngàn đồng. Đến ngày 20/4/2007, giá cổ phiếu này chỉ còn 300.000 đồng và đến 2/5/2007, ngày mà Hoàng “không chịu nổi nhiệt” phải bán ra với giá 260.000đồng/cổ phiếu, lỗ 140 triệu đồng.

Hoàng nghe lời tư vấn: cái nào giảm đến ba phiên cứ mua vào. Nhưng hỡi ôi, trong tháng 4/2007, nhiều cổ phiếu giá rẻ mà Hoàng mua cứ “tuột” liên tục nhiều phiên, thấy giảm lại bán. Thế là “cái chết từ từ” đã diễn ra, đúng như khi xây dựng biên độ tăng giảm của các cơ quan chức năng chỉ giới hạn mức độ tăng giảm tại HoSTC là 0,5%/phiên, nhằm hạn chế “cái chết đột ngột” của nhà đầu tư. Hai anh bạn tôi sau hai tháng lao vào nghề mới này đã “đóng học phí” hơn 400 triệu đồng. Chịu không nổi tiền lãi vì hơn nửa số tiền là vay nóng, không còn cách nào khác, hai ông chủ nhỏ đành tìm môi giới bán công ty. Giờ phải lang thang tìm cơ nghiệp khác với chút tiền ít ỏi còn lại. Hoàng ngao ngán: “Âu cũng là bài học trên đường đời thôi!”.

Ở đường Lê Hồng Phong, thành phố Vũng Tàu, có quán nhậu Hương P. vốn rất đông khách VIP thân tình của chủ quán. Nhưng hai tuần nay khách đến thì cửa quán đóng im lìm. Chú nhóc bảo vệ chỉ đứng bên trong cổng nói với ra “quán tạm đóng cửa” mỗi khi có ai đến. Chủ quán là chị Vi, quê gốc Hà Nội vào lập nghiệp tại Vũng Tàu, hiện đang “nằm vùng” tại TPHCM để kêu người bán hai lô đất ở quận 2.

Cũng vì máu me với chứng khoán, chị đã mang giấy tờ của quán nhậu trên thế chấp ngân hàng vay 2 tỉ để lên sàn. Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, chị rải đều mua gần 10 loại cổ phiếu khác nhau, nhưng đến cuối tháng 4/2007 thì chỉ có một cổ phiếu có lời, một loại huề vốn, còn lại đều “rớt” nặng. Nặng nhất là giữa tháng 3/2004, chị Vi mua vào 10.000 cổ phiếu HTV (CTCP Vận tải Hà Tiên) với giá 63.000đồng/cổ phiếu. 

Vì khi đó, HTV thuộc dạng “hàng hiếm” trên thị trường nên việc đặt lệnh mua cũng rất khó khăn. Chị phải nhờ một người quen làm việc tại một công ty chứng khoán có ít tài khoản mới “chen” vào được. Sau khi lệnh được thông báo ok, chị mừng hớn hở vì có rất nhiều người đặt mua cổ phiếu này nhiều ngày mà vẫn không được. Rồi hôm sau, 13/3/2007, cổ phiếu này tăng lên 66.000 đồng, chị nhẹ nhõm đi phần nào. Nhưng không ngờ, đó chỉ là “phút huy hoàng” chóng qua của cổ phiếu này, vì sau đó đến những ngày cuối tháng 3 thì giảm liên tục qua các phiên. Đến ngày 27/3 đã giảm xuống 49.000 đồng, ngày 4/4 xuống 45.000 đồng.

Từ đó đến nay cổ phiếu này luôn quanh quẩn 40.000 - 50.000 đồng/cổ phiếu. Chờ hoài không thấy tăng, chị đã bán với giá bằng một phần ba giá mua, tiếp tục lỗ. Tổng cộng chị đã “hao” hơn một tỉ đồng sau mấy tháng “cầm cự”. Sốt ruột với những khoản tiền mất đi nhiều so với doanh thu từ quán nhậu, chị đành phải đóng cửa quán để đi tìm người bán đất trả nợ ngân hàng. Hơn chục nhân viên phục vụ tại quán được chị thông báo: “Các anh chị muốn đi đâu làm thì đi. Tôi tạm thời nghỉ ngơi”.

Năm ngày trước, tại con hẻm nằm bên hông chợ Bàn Cờ, quận 3, hàng xóm chứng kiến cảnh hai vợ chồng ông Huy cãi vả ầm ĩ bên trong nhà. Rồi một chiếc bàn với đầy ly tách bay vèo từ trong nhà ra trước con hẻm sau cú “điên máu” của ông Huy. Số là còn hai ngày nữa ông đưa con trai về Thừa Thiên - Huế xây lăng cho bố mẹ. Ông bảo vợ đưa số tiền 70 triệu đồng hai vợ chồng để dành để ông mang đi. Vợ ông ấm ớ mãi rồi mới khai ra đã mua cổ phiếu OTC của một công ty cao su.

Vợ ông đưa cho ông xem biên lai đóng tiền và mấy tờ giấy gọi là “hợp đồng mua cổ phần” của công ty ấy. Giá mua là 98.000đồng/cổ phần, nhưng hiện tại giá chỉ còn 60.000 đồng mà kêu bán hoài cũng chẳng ai mua. Biết cận ngày ông lo việc đại sự, bà đã nhờ hết mấy bà hàng xóm kêu bán trước đó cả tuần nhưng vẫn không được. Trước đó, vợ ông đã được mấy người này “tư vấn” cho cách kiếm tiền này tại tiệm gội đầu. Bây giờ bà chỉ biết năn nỉ chồng... tha tội.


CAND

Tin cùng chuyên mục