Trong tháng 6, cả nước có hơn 24.400 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 176.800 tỷ đồng, tăng 61,4% về số doanh nghiệp và tăng 12,8% về vốn so với tháng 5/2025. So với cùng kỳ năm trước, lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 60,5%, vốn đăng ký tăng 21,2%.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 7,2 tỷ đồng, giảm 30,1% so với tháng trước và giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Cùng với đó, có khoảng 14.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 79,5% so với tháng trước và tăng tới 91,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có 91.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký gần 820.900 tỷ đồng, tăng lần lượt 11,8% và 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 9 tỷ đồng, giảm 1,7%.
Tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong nửa đầu năm đạt hơn 2,77 triệu tỷ đồng, tăng mạnh 89% so với cùng kỳ năm 2024.
Cùng với đó, hơn 61.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 57,2%. Tính chung, cả nước có hơn 152.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Bình quân mỗi tháng có gần 25.500 doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Xét theo khu vực kinh tế, trong 6 tháng, khu vực dịch vụ ghi nhận gần 70.400 doanh nghiệp mới, tăng 14,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng có gần 20.000 doanh nghiệp, tăng 3,4%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 813 doanh nghiệp, tăng 3,7%.
Ở chiều ngược lại, tháng 6 ghi nhận 6.433 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 8,6% so với tháng trước và tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2024. Ngoài ra, còn gần 10.100 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 54% và tăng 86,2%) và 2.761 doanh nghiệp hoàn tất giải thể (tăng 44,6% và tăng 59,6%).
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 80.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, hơn 34.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 18,3%) và hơn 12.300 doanh nghiệp đã hoàn tất giải thể (tăng 23,3%). Như vậy, cả nước ghi nhận 127.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng với bình quân mỗi tháng là gần 21.200 doanh nghiệp.
|
Xét theo một số lĩnh vực hoạt động, trong 6 tháng, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tiếp tục dẫn đầu về số doanh nghiệp thành lập mới với 38.376 doanh nghiệp, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp giải thể trong lĩnh vực này là 4.550, tăng 9,8%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 11.890 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 19,1%) và 1.324 doanh nghiệp giải thể (tăng 27,3%).
Lĩnh vực xây dựng ghi nhận 7.129 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 15,5% so với cùng kỳ, trong khi số doanh nghiệp giải thể là 870, tăng 22,4%. Trong khi đó, kinh doanh bất động sản có 2.589 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 15,8%) và 664 doanh nghiệp giải thể (tăng 14,5%).
Doanh nghiệp FDI lạc quan về tình hình quý III
Theo báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh quý III của Cục Thống kê, có 37,3% số doanh nghiệp được khảo sát đánh giá xu hướng quý III sẽ tốt lên so với quý II; 43,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 19,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lạc quan nhất với 81% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2025 tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2025; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và khu vực doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 80,7% và 79,8%.
Về khối lượng sản xuất, có 37,3% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất sẽ tăng so với quý trước; 45% số doanh nghiệp dự báo ổn định và 17,7% số doanh nghiệp dự báo giảm.
Về đơn đặt hàng, có 35,1% số doanh nghiệp dự kiến số lượng đơn đặt hàng mới sẽ tăng lên trong quý III; 46,7% số doanh nghiệp dự kiến số lượng ổn định và 18,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm. Riêng về đơn hàng xuất khẩu, có 30,8% số doanh nghiệp dự kiến số lượng sẽ tăng; 51% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 18,2% số doanh nghiệp thận trọng cho rằng sẽ giảm.