Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Văn Điệp, Phó giám đốc CTCP Thủy sản Minh Phú (MPC) cho biết, tình hình xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của doanh nghiệp Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nhìn chung đều có chiều hướng tốt, đặc biệt là với mặt hàng tôm. Tính đến hết 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của MPC đạt 300 triệu USD, tương đương 55% kế hoạch năm, tập trung chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật và Hàn Quốc; lợi nhuận trước thuế ước đạt xấp xỉ kế hoạch cả năm là 487 tỷ đồng.
Đánh giá về tình hình kinh doanh trong 6 tháng cuối năm, ông Điệp cho rằng, đây vẫn là một “ẩn số”, nhưng theo dự báo của MPC, từ nay tới cuối năm, thủy sản vẫn sẽ “thắng lớn”, trong đó chủ yếu nhờ vào mặt hàng tôm vì mặt hàng này đang có những chuyển biến tích cực.
Nói về việc lợi nhuận của Công ty được cải thiện đáng kể, ông Điệp cho biết, là do chi phí tài chính, cụ thể là lãi vay giảm. Hiện Công ty đang lên kế hoạch huy động thêm 500 tỷ đồng vốn đầu tư bằng phát hành trái phiếu, dự kiến triển khai trong quý III này. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để tăng vốn từ 700 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, HĐQT MPC đang xem xét về việc có thể sẽ điều chỉnh nâng kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 6 ước đạt 536 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 3,45 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, Mỹ vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường tiêu thụ lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, đều tăng mạnh, với mức tăng tương ứng 8,36%, 45,92% và 51,74%. Không chỉ thu được những kết quả khả quan từ kim ngạch xuất khẩu, hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản cũng có nhiều thuận lợi, thể hiện qua sản lượng khai thác, nuôi trồng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, với các mức tăng lần lượt 5,3% và 3,3%.
Ông Võ Thành Thông, Phó giám đốc CTCP Thủy sản An Giang (AGF) cũng cho biết, trong 6 tháng đầu 2014, kim ngạch xuất khẩu của AGF đạt 53 triệu USD, hoàn thành 48% so với kế hoạch, doanh thu ước đạt 1.486 tỷ đồng, hoàn thành 49%; lợi nhuận mặc dù chưa có con số chính thức, nhưng dự kiến đạt xấp xỉ 50% kế hoạch. Theo ông Thông, mặc dù sản lượng xuất khẩu của Công ty có tăng so với cùng kỳ, nhưng do giá bán lại thấp hơn, nên cũng ảnh hưởng một phần đến hiệu quả kinh doanh.
Với CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), một trong những công ty có kim ngạch xuất khẩu cá tra, cá basa lớn nhất hiện nay, chiếm tỷ trọng 4,26% giá trị xuất khẩu toàn ngành thủy sản, là một lợi thế rất lớn đối với Công ty. Tuy nhiên, việc giảm giá xuất khẩu ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhìn nhận về tình hình sơ bộ của các doanh nghiệp ngành thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đưa ra những nhận định tương đối “sáng sủa”. Theo VASEP, năm 2014 sẽ là một năm thắng lợi của ngành thủy sản, trong đó chủ yếu dựa vào mặt hàng tôm. Các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, EU đều khá khả quan.
“Trước những diễn biến căng thẳng trên biển Đông thời gian qua, mặc dù doanh nghiệp của hai nước có thái độ ‘e dè’ hơn, nhưng hoạt động thương mại của doanh nghiệp thủy sản với các đối tác Trung Quốc vẫn bình thường. Trong khi ở thị trường EU, tôm cũng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam”, VASEP nhận định.