Nữ doanh nhân: Trong gian nan nắm lấy cơ hội

(ĐTCK) Năng động, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp một cách thành công, câu chuyện của nhiều nữ doanh nhân trên thị trường đã góp phần tạo động lực, truyền cảm hứng cho nhiều người, không chỉ là phụ nữ mà cả nam giới theo đuổi sự nghiệp kinh doanh. Sự hiện diện của những bóng hồng trên thương trường này sẽ góp phần không nhỏ để tạo nên những doanh nghiệp mạnh, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc gia.
Bà Lê Thu Thủy (giữa) nhận giải Doanh nhân nữ tiêu biểu ASEAN. Bà Lê Thu Thủy (giữa) nhận giải Doanh nhân nữ tiêu biểu ASEAN.

Tin vào sức mạnh bản thân

Trong khuôn khổ Hội nghị Doanh nhân nữ ASEAN do Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN tổ chức tại Thủ đô Manila (Philippines) mới đây, bà Lê Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) vinh dự là một trong 10 nữ doanh nhân Việt Nam được bình chọn và trao giải thưởng cấp khu vực Đông Nam Á.

Bà Thủy gia nhập SeABank từ năm 2008 sau khi học tập và đạt kết quả xuất sắc tại Mỹ. Trong suốt những năm công tác tại SeABank, bà đã để lại dấu ấn lớn trong quá trình ngân hàng này chuyển mình theo mô hình ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại như hiện nay.

Nổi bật là việc Société Générale (Pháp) trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài và hỗ trợ kỹ thuật toàn diện cho SeABank, cũng như phát triển chiến lược ngân hàng bán lẻ của nhà băng này.

Từ năm 2010, SeABank đã có bước chuyển mình mạnh mẽ từ nhận diện thương hiệu, cấu trúc mô hình hoạt động, định hướng phát triển khách hàng, phát triển nguồn nhân lực, quản trị rủi ro và đầu tư công nghệ.

Trong đó, bà Thủy là người trực tiếp kết nối và phát triển thành công mối quan hệ hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp lớn hàng đầu trong nước, tạo nền tảng cho sự phát triển bán lẻ của Ngân hàng.

Chịu ảnh hưởng khá nhiều từ môi trường học tập và giáo dục nước ngoài, doanh nhân Lê Thu Thủy rất chú trọng chiến lược phát triển bền vững, gắn sự phát triển của tổ chức với trách nhiệm xã hội. Bà khởi xướng một loạt chương trình mà SeABank đang thực hiện như cấp học bổng cho trẻ em nghèo học giỏi, xây dựng trường học…

Thực tế, thách thức với các doanh nhân trẻ như Lê Thu Thủy là rất lớn khi thị trường tài chính, đặc biệt là sự cạnh tranh giữa các ngân hàng đang ngày một quyết liệt. Mới đây, một bước ngoặt đến với SeABank với sự thay đổi nhân sự cấp cao: chức danh tổng giám đốc.

Ở vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị thường trực, Lê Thu Thủy sẽ phải khéo léo trong việc dụng nhân để kết nối người mới với một tập thể cũ, cùng tiến về phía trước. 

Đây là một thách thức, trong bối cảnh CEO mới không phải là người từ nội bộ đi lên, dù họ là những tài năng có tiếng tăm trên thương trường được mời về giữ vị trí cao nhất trong bộ máy điều hành doanh nghiệp. Tạo niềm tin giữa một CEO mới với đội ngũ cũ là việc làm đầu tiên vô cùng khó khăn đối với Hội đồng quản trị Ngân hàng, trong đó có bà Thủy.

Một nữ doanh nhân khác để lại nhiều ấn tượng trên thương trường là bà Nguyễn Việt Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Quản lý đường sông số 3 (DS3). Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, hiện bà Loan và các cộng sự đang vận hành vài công ty khá thành công.

Chẳng hạn, từ một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa với vốn điều lệ chưa đầy 10 tỷ đồng, với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân như bà Loan, Công ty đã có bước tiến nhanh, mạnh và gần đây đã niêm yết hơn 10,6 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Bà Loan chia sẻ, quyết định đưa cổ phiếu ra sàn giao dịch tập trung có thể coi là một “sự liều”, bởi ban đầu, các thành viên Hội đồng quản trị khác đều không ủng hộ bà. Sau nhiều nỗ lực thuyết phục, họ đồng ý với điều kiện, bà phải đảm nhận mọi việc để hoàn tất thủ tục đưa cổ phiếu lên sàn.

“Tôi tin vào sự phát triển của thị trường chứng khoán và những doanh nghiệp làm thực, có dự án hiệu quả sẽ thu hút được nhà đầu tư. Đồng thời, việc tuân thủ nghiêm túc các quy định của doanh nghiệp niêm yết cũng khiến bản thân Công ty phải thay đổi, thích ứng với các xu hướng mới”, bà Loan cho biết.

Bên cạnh ngành lõi của DS3 là quản lý đường sông, vị nữ chủ tịch là người đã kiến tạo và chèo lái Công ty chuyển hướng sang các lĩnh vực kinh doanh mới, nhiều tiềm năng tăng trưởng. Đơn cử hoạt động kinh doanh khách sạn với 2 khách sạn tại khu phố cổ Hà Nội, kinh doanh tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long…

“Tôi mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới để góp phần khai thác không gian đầy ắp tiềm năng của ngành công nghiệp không khói”, bà Loan tâm sự.

Câu chuyện của 2 vị nữ tướng kể trên gắn liền với chặng hành trình trưởng thành của doanh nghiệp, trong đó, điều dễ nhận thấy nhất là niềm tin vào sức mạnh của bản thân mình, để đưa ra quyết định và nỗ lực để mọi người cùng tin, cùng tiến về phía trước.

Kiên định với khát vọng

Có nhiều khó khăn trên bước đường kinh doanh của các doanh nhân, mà để vượt qua không thể thiếu đi sự kiên định, niềm đam mê với công việc. Đối với nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn TNI (Trung Nguyên International), người đồng sáng lập và sở hữu Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, sự ra đời của TNI xuất phát từ khát vọng đưa thương hiệu cà phê Việt Nam ra khắp thế giới của bà.

Để thực hiện hoài bão đưa tên tuổi Việt Nam vào bản đồ cà phê thế giới, Lê Hoàng Diệp Thảo đã vạch ra một chiến lược bài bản, chọn thị trường Trung Quốc là thị trường vua để chinh phục và phát triển thương hiệu King Coffee.

Đến nay, bà đã thành công ở thị trường này và những sản phẩm cà phê của TNI, đặc biệt là cà phê G7 đã có mặt tại hơn 55 nước lớn trên khắp thế giới như Singapore, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Úc, Canada…

Nữ doanh nhân: Trong gian nan nắm lấy cơ hội    ảnh 1

 Nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo.

“Việt Nam có lợi thế là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới và hoàn toàn có thể xây dựng giá trị gia tăng bền vững cho nông nghiệp từ cây cà phê. Tôi sẽ tận dụng lợi thế mà Cộng đồng kinh tế các nước ASEAN (AEC) mang lại để mở rộng mạng lưới, phủ sóng sản phẩm King Coffee trong khối ASEAN, từ đó góp phần đưa cà phê Việt Nam lên bản đồ thế giới”, bà Thảo cho biết.

Khi được hỏi nữ giới hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có gặp nhiều bất lợi, bà Thảo cho rằng, với bà, doanh nhân nữ là một lợi thế. Bởi người phụ nữ như dòng nước mềm mại, có thể thích nghi với những gồ ghề, chông gai của thương trường, điều mà đôi khi những khối thép cứng rắn không thể chạm đến được. Tuy nhiên, cũng như dòng nước, phụ nữ cần có sự tập trung vào đích đến để có đủ sức mạnh vượt lên thử thách.

Thương trường không trải sẵn thảm hồng cho bất kỳ ai bước chân vào kinh doanh, nhất là khi đặt mục tiêu tiến ra biển lớn với suy nghĩ lớn. Vì vậy, dù là phụ nữ hay nam giới, khi muốn thành công thì phải đặt mục tiêu lớn và có tinh thần “dám nghĩ dám làm”.

Mới đây, King Coffee vinh dự nhận được giải thưởng “Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ nổi tiếng châu Á - Thái Bình Dương 2017” tại Malaysia. Bên cạnh đó, nữ tướng Lê Hoàng Diệp Thảo cũng được trao tặng kỷ niệm chương “Doanh nhân Tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương 2017” vì có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) - nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới.

Chưa kể, hành trình chinh phục thế giới của King Coffee đã được ghi nhận qua công bố Top 10 Thương hiệu tiêu biểu APEC. Vào tháng 11 này, Lê Hoàng Diệp Thảo là một trong những doanh nhân tiêu biểu tham dự APEC CEO SUMMIT 2017.

Dù đã đạt được những thành quả nhất định trong hoạt động kinh doanh, bà Thảo vẫn băn khoăn với một nghịch lý đang tồn tại trong ngành: các quốc gia không trồng cà phê lại kiểm soát thị trường giao dịch loại nguyên liệu này.

Để thay đổi, nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo tự xác định cho mình nhiệm vụ phải khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế. “Ngành cà phê là một ngành có tính chất toàn cầu, có giá trị lên đến hàng trăm tỷ USD, lượng người tiêu dùng hơn 3 tỷ người. Cho nên nhiệm vụ của chúng ta là phải tư duy, thiết kế, vận hành lại ngành cà phê, đặc biệt là tại Việt Nam”, bà Thảo cho hay.

“Kiên nhẫn và kiên định với đam mê, hoài bão của mình rồi sẽ có ngày chạm đến thành công”, đây là điều Lê Hoàng Diệp Thảo luôn tâm niệm trong hành trình khởi nghiệp, kinh doanh của mình. Điều này cũng chính xác với những bạn trẻ đang bắt đầu bước đi trên con đường khởi nghiệp trong thời gian tới, bởi doanh nhân thành công có thể là bất kỳ ai trong số họ. Khi đó, với một đội ngũ doanh nghiệp mạnh, sự phát triển của đất nước sẽ càng khởi sắc, bền vững.

Phụ nữ làm kinh doanh du lịch thường rất thành công

Bà Dương Mai Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ lữ hành Thuận An (Ascend Travel)

Tôi quan niệm vai trò của người lãnh đạo không phải là biết tất cả mà biết cách điều phối, lãnh đạo những người biết nhiều thứ cùng làm việc. Bởi vậy tôi rất chú trọng công tác tuyển dụng nhân sự, tuyển chọn những người giỏi trong từng lĩnh vực cụ thể về đầu quân cho mình.

Bên cạnh đó, tôi coi nhân viên như đối tác của mình, tìm hiểu, lắng nghe họ và cùng đưa ra giải pháp để phát triển. Nữ doanh nhân sẽ có nhiều lợi thế trong quản trị, đặc biệt là nắm bắt tâm lý của nhân viên và có những điều hành phù hợp nhất, phát huy thế mạnh của mỗi người.

Thực tế, việc điều hành kinh doanh của nữ doanh nhân thường gặp nhiều vất vả hơn nam giới bởi tại Việt Nam, phụ nữ vẫn giữ vai trò giữ ấm cho ngôi nhà, họ vừa phải chỉn chu cho gia đình vừa lo công việc kinh doanh.

Tuy nhiên, phụ nữ làm du lịch thường rất thành công. Bởi tính cách khéo léo, linh hoạt và tinh tế của phụ nữ là một lợi thế trong điều hành kinh doanh du lịch, nhất là khi họ biết quan tâm đến những điều nhỏ nhất từ thực đơn ăn đến lịch trình di chuyển đem đến chất lượng tốt cho từng chuyến đi. Tôi thấy phần lớn nữ doanh nhân trong ngành du lịch đều làm ăn tốt.

Với tôi, yếu điểm lớn nhất của nữ doanh nhân trong thời đại hiện nay là tính quyết đoán chưa cao, ở những lĩnh vực cần đầu tư lớn, một số phụ nữ còn chưa mạnh dạn. Dù vậy, trong lĩnh vực du lịch, điều này không ảnh hưởng nhiều bởi du lịch không cần quá nhiều tiền đầu tư.

Phong Lan - Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục