Xuất phát từ một gia đình có truyền thống kinh doanh có tác động như thế nào đến quyết định khởi nghiệp của Xuân?
Gia đình có ảnh hưởng nhiều đến Xuân cũng như con đường sự nghiệp của mình. Mẹ Xuân ngoài vai trò nội trợ còn làm đại lý bưu điện.
Bà của Xuân trước đây cũng có một cửa hàng bánh mì tại tầng trệt ở nhà. Cửa hàng bà bán không có tên và người mua chỉ nhắc đến “362” vì đây là số nhà.
Con số này trở nên quen thuộc với mình nên Xuân dùng nó để đặt tên luôn cho chuỗi Bánh mì hiện thời.
Từ nhỏ khi thấy mọi người xung quanh đều tự mở như giữ xe, bán đồ ăn,…nên càng ngày, Xuân cảm thấy khi lớn lên sẽ mở một dự án kinh doanh nhỏ cho riêng mình. Đến khi 21 tuổi, Xuân bắt đầu khởi nghiệp.
Bánh mì 362 hiện có 11 cửa hàng tại TP.HCM và 2 cửa hàng tại Hàn Quốc (Ảnh: NVCC). |
Việc mở và kinh doanh 2 cửa hàng Bánh mì 362 tại Hàn Quốc đặt ra những thách thức nào mà Xuân cùng đội ngũ phải giải quyết?
Thách thức lớn nhất mà mình gặp phải chính là thời tiết. TP.HCM thì chỉ có 2 mùa, Hàn Quốc lại có mùa đông rất lạnh. Khách hàng mua một ổ bánh mì nóng hổi, giòn tan nhưng chỉ vừa bước ra khỏi cửa là đã nguội.
Không chỉ vậy, khẩu vị của họ cũng thay đổi tùy theo từng mùa.
Mùa đông, họ không thích những món ăn khô mà thích ăn món nóng như món nướng hay súp. Đội ngũ Bánh mì 362 không chỉ phải điều chỉnh cho phù hợp với khẩu vị người Hàn Quốc, mà còn phải tìm ra món phù hợp với họ trong mùa đông.
Ví dụ như bánh mì bò né Việt Nam bán vào mùa đông ở Hàn Quốc. Chúng tôi cũng tạo ra thêm những loại thức uống nóng để ăn kèm bánh mì vào mùa đó.
Đây là một thách thức lớn khi mở cửa hàng ở Hàn Quốc, nhưng cũng là một trải nghiệm rất thú vị đối với Xuân và đã học hỏi được rất nhiều điều.
Xuân thấy bản thân đã thay đổi ra sao tại khoảng thời gian gắn bó với chuỗi Bánh mì 362 và hiện nay là đồng sáng lập của ứng dụng sách nói Fonos?
Sau Bánh mì 362, Fonos là một bước ngoặt bất ngờ hơn và cũng khó khăn hơn nhiều.
Với bánh mì, mình dễ dàng thuyết phục khách hàng vì nó là món ăn quá quen thuộc với mọi người.
Sách nói có bản quyền, ngược lại, là một sản phẩm không nhiều người biết và sử dụng. Vì vậy thuyết phục họ tin dùng sản phẩm cũng khó khăn hơn.
Ở thời điểm sáng lập Fonos, Xuân cũng đã trưởng thành hơn nhiều so với khi mở Bánh mì 362.
Lúc ấy mình còn rất trẻ, mình làm việc rất bản năng và thiếu nhiều kinh nghiệm. Mình chưa biết lắng nghe và thấu hiểu người xung quanh theo góc nhìn của họ mà thường áp đặt suy nghĩ của bản thân lên mọi người.
Tuy vậy mình lại hay có xu hướng không tự tin về điều mình đã ra quyết định. Bây giờ thì mình tự tin hơn với bản thân và dành thời gian trò chuyện, lắng nghe mọi người nhiều hơn.
Với mình, đó là điểm khác biệt quan trọng nhất và quý giá nhất mà thời gian, trải nghiệm trong công việc đã giúp mình thay đổi.
Xuân Nguyễn, đồng sáng lập ứng dụng sách nói có bản quyền www.fonos.vn (Ảnh: NVCC). |
Có phải khởi nghiệp là con đường mà Xuân đã lựa chọn để đi đến mục tiêu bản thân trưởng thành hơn?
Mở công ty riêng luôn là ước mơ của Xuân từ khi còn nhỏ. Xuân luôn muốn tự đứng trên đôi chân của mình và chăm sóc cho những người mình yêu thương. Đó cũng là động lực lớn nhất để khởi nghiệp.
Lúc đầu, mình không đặt mục tiêu khởi nghiệp là để trưởng thành hơn. Nhưng quả thật hành trình khởi nghiệp đã giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều.
Đến nay, Xuân vẫn lựa chọn con đường này là vì muốn khám phá thêm những khả năng mới và tìm ra phiên bản tốt nhất của chính mình.
Thật thà với chính mình về điểm yếu của bản thân để tìm đồng sáng lập phù hợp cũng là một cách trưởng thành?
Đúng. Cả 2 mô hình khởi nghiệp với Bánh mì và Fonos, Xuân đều tìm người chuyên môn trong lĩnh vực để cùng làm.
Với Bánh mì 362, đó là Khoa, em trai của Xuân. Cậu ấy phụ trách về sản phẩm và như “linh hồn” của thương hiệu.
Còn với www.fonos.vn, bởi là nền tảng công nghệ nên dù là người đam mê sách, nghe sách nói nhiều nhưng Xuân biết bản thân sẽ không thể đưa ứng dụng đến với nhiều người nghe cùng trải nghiệm chất lượng cho họ nếu mình không hợp tác với một đồng sáng lập có thế mạnh về công nghệ.
Mình nên rất thật thà với chính mình. Ngồi xuống, xem năng lực bản thân mạnh yếu như thế nào.
Cả 2 mô hình khởi nghiệp, Xuân đều tìm kiếm người chuyên môn trong lĩnh vực đó cũng như “mảnh ghép” mà mình còn thiếu. Theo Xuân, thách thức để tìm được đồng sáng lập phù hợp là gì?
Với Xuân, việc tìm người đồng sáng lập có cùng chí hướng với mình không hề dễ dàng, cũng giống như bạn tìm một người đồng hành trong hôn nhân.
Thời gian ban đầu lúc nào cũng đẹp đẽ và nhiều năng lượng. Nhưng thử thách lại nằm ở đường dài phía trước. Bạn nên tìm một người mà khi những bất đồng và khó khăn xảy ra, bạn biết rằng hai người sẽ sẵn sàng cùng ngồi xuống giải quyết một cách thẳng thắn và trung thực với nhau để tìm ra hướng xử lý.
Điều này Xuân nghĩ sẽ là thử thách cho nhiều người khi tìm người đồng đội.
Xuân may mắn khi hầu hết tìm được những người đồng hành phù hợp, đáng tin cậy. Qua nhiều năm khởi nghiệp, Xuân nhận ra rằng, để đi đường dài cùng nhau, việc quan trọng là mọi người phải làm rõ trách nhiệm ngay từ đầu.
Ai quản lý phần nào, ai chịu trách nhiệm phần nào đều phải được thống nhất rõ ràng. Nên tránh để những vùng mà không rõ được ai sẽ là người quyết định chính.