Nữ doanh nhân chế tạo sơn từ vỏ trấu

Qua rất nhiều nghiên cứu, thử nghiệm, PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Kova đã biến được một sản phẩm nông nghiệp bị bỏ quên thành loại sơn nano độc đáo, xuất khẩu ra nước ngoài.
Nữ doanh nhân chế tạo sơn từ vỏ trấu

Sinh ra trong một gia đình thuộc diện nghèo nhất nhì tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An song cuộc sống khó khăn không làm bà Hòe nhụt trí. Những tháng ngày miệt mài học tập đã giúp bà đặt chân vào trường đại học có tiếng lúc bấy giờ - Đại học Bách Khoa Hà Nội.

 

Nữ doanh nhân chế tạo sơn từ vỏ trấu ảnh 1

PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sơn Kova

 

Sau khi tốt nghiệp, bà được giữ lại trường làm giảng viên. Do muốn tiếp tục nâng cao kiến thức nên dù hoàn cảnh gia đình vất vả, nuôi 3 con nhỏ nhưng bà vẫn quyết tâm nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Vào năm 1979, bà chuyển công tác về giảng dạy tại trường Đại học Cần Thơ. Ngay từ những năm tháng giảng dạy tại trường đại học, bà đã ấp ủ ước mơ "làm một cái gì đó" mang dấu ấn của riêng mình. Và, ý tưởng "khoác áo cho ngôi nhà mơ ước" ra đời.

 

Hồi đó, đất nước mới thống nhất, nhà nào cũng mong đủ ăn đủ mặc, không mấy ai dám nghĩ về làm đẹp cho bản thân, làm đẹp cho nhà lại càng không. Thế nhưng, bà Hòe cho rằng sở hữu căn nhà đẹp, hiện đại luôn là mong ước của bất cứ ai. Nói chính xác là ai cũng có nhu cầu vun đắp và xây dựng tổ ấm của mình đẹp và hiện đại.

 

Thế là bà nung nấu ý tưởng về một loại sơn đặc biệt vừa đáp ứng yêu cầu khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam , lại vừa đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, giúp căn nhà được "khoác" áo mới. Khi tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Đại học Cần Thơ, bà nhận thấy hầu hết các loại sơn đó đều phải nhập ngoại, giá thành rất cao, đặc biệt không phù hợp với khí hậu nước nhà. Từ đó, nữ giảng viên cùng các đồng sự trăn trở suy nghĩ, dành nhiều năm nghiên cứu sản phẩm sơn bằng nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam .

 

Năm 1986, bà chuyển về Đại học Bách Khoa TP HCM tiếp tục các đề tài nghiên cứu của mình. Đó là khoảng thời gian đầy thử thách đối với bà khi toàn bộ cơ ngơi của trung tâm chỉ là một túp lều ba gian cùng những vật dụng nghiên cứu sơ sài. Để có tiền nghiên cứu khoa học, nữ tiến sĩ phải bán đi căn nhà mình đang ở. May mắn là khi đề tài Emulsion và bột mài cao cấp thành công, Nhà nước đã nghiệm thu kinh phí nhờ đó trung tâm của bà bước qua cơn túng quẫn.

 

Với đề tài nghiên cứu về sơn chống thấm và nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu về sơn, năm 1993, PGS-TS Nguyễn Thị Hòe được trao tặng giải thưởng Kovalevskaya. Tháng 9/1993 bà sang Mỹ nhận giải thưởng. Tại đây, tiến sĩ có cơ hội làm quen với các nhà khoa học đầu ngành, tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới. Sau khi nhận giải thưởng danh giá Kovaleskaya, bà Hòe đi đến quyết định táo bạo: dấn thân vào con đường kinh doanh. Sản phẩm sơn chống thấm do bà nghiên cứu được đặt tên là Kova, chữ viết tắt của giải thưởng danh giá mà tiến sĩ được nhận. Thành lập công ty vào thời điểm đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, bà cùng các cộng sự phải gồm mình phấn đấu nhưng không tránh được những thất bại đáng tiếc. Trong suốt 3 năm, công ty lỗ triền miên do ban điều hành không biết tính toán kỹ lưỡng chi phí, giá thành đội cao. Nhiều lúc nản muốn buông xuôi nhưng niềm đam mê khoa học lại vực bà dậy, tiếp tục theo đuổi ước mơ.

 

Nhớ lại kỷ niệm ngày đầu kinh doanh, bà Hòe nói: "Ban đầu, tôi bán sơn bằng can, lại còn không biết cách in tên thương hiệu lên vỏ hộp. Tất cả đều rất thô sơ. Mãi đến lần sang Mỹ tiếp theo, tôi xách về một vỏ thùng, đưa cho một xí nghiệp bao bì ở quận 6, TP HCM làm mẫu và phải mất hai năm mới ra được vỏ thùng". Khi đó sản phẩm sơn của bà vẫn làm trong Đại học Bách Khoa TP HCM và bán ngay tại đó. Do chất lượng tốt nên sản phẩm được nhiều khách đến mua. Tuy nhiên do bảo vệ trường kiểm soát giấy tờ khách ra vào trường rất kỹ, hơn nữa, mặt bằng sản xuất cũng bắt đầu trở nên chật hẹp nên số lượng bán ra không cao. Năm 1996 bà mở liên doanh với Vinaconex Hà Nội, thành lập liên Kova - Vinaconex Hà Nội với tư cách là trung tâm nghiên cứu.

 

4 năm sau, bà quyết định mở Công ty Kova TP HCM, giao cho con gái và con rể làm giám đốc. Lúc đó bà ký một hợp đồng với phía Mỹ. Dù Đại học Bách Khoa TP HCM rất ủng hộ, nhưng do quá khó khăn nên không hỗ trợ bà được về tài chính. Bà phải đi vay mượn khắp nơi, lãi suất lúc đó tới 5%. Dù phải bán cả chiếc xe máy duy nhất, bà cũng chỉ gom góp được vỏn vẹn 500 USD. Tuy nhiên, số tiền ít ỏi này đã giúp bà vướt qua những ngày đầu vươn ra biển lớn.

 

Sang trời Tây, PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe mang một vali 25kg nhưng toàn mẫu gạch ngói, đất đá và mỳ tôm. "Những ngày trên đất Mỹ tôi như một kẻ vô gia cư, ngoài 500 USD để tiêu trong hai tháng, gia tài của tôi còn 20kg mỳ gói để ăn. Nhiều lúc không có chi phí thuê chỗ trọ, bà phải ngủ tạm trong sân bay. Có nhiều người mời ăn nhưng không phải ai mời tôi cũng ăn. Những ngày ấy tôi phải tiết kiệm như thế để nghiên cứu. Tôi nghĩ chính điều đó giúp tôi thành công như ngày nay", bà Hòe nhớ lại. Nỗ lực vượt qua khó khăn của bà cuối cùng cũng được đền đáp.

Nữ doanh nhân chế tạo sơn từ vỏ trấu ảnh 2

Bà Hòe tại buổi ra mắt sản phẩm mới

 

Sau chuyến đi, sản phẩm được cải tiến thêm về chất lượng và bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường. Màu sắc sơn đa dạng, chủng loại phong phú hơn, có thể bám được trên nhiều bề mặt khác nhau. Bên cạnh các sản phẩm sơn truyền thống, bà còn ra mắt sản phẩm sơn nano chống cháy, sơn chống đạn, sơn kháng khuẩn và chống gỉ được sản xuất từ vỏ trấu, lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới. Nghiên cứu độc đáo này đã thu hút sự quan tâm của hơn 250 đại biểu là các nhà khoa học, giảng viên đại học, các lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Nguyên liệu chính để làm ra các loại sơn nano này là silicat nano từ vỏ trấu được tách ra, có giá trị lớn gấp trăm lần so với trấu, được dùng trong nhiều lĩnh vực như sơn, chống thấm, mỹ phẩm, dược phẩm, vi tính… Bên cạnh đó, trong chương trình nghiên cứu của Tập đoàn sơn Kova, PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe còn tập trung vào vật liệu chống cháy với bề mặt chủ yếu là bê tông, gỗ, sắt thép. Sản phẩm sơn chống cháy nano từ trấu bảo vệ các bề mặt bê tông, thép, gỗ... trong tòa nhà dưới sức nóng lên đến 1.000 độ C trong thời gian 4 - 6 giờ.

 

Sự cải tiến về kỹ thuật cũng như tư duy trong chiến lược kinh doanh đã giúp thương hiệu sơn của bà Hòe không chỉ cung cấp trong nước mà còn mở rộng sang các thị trường lân cận như Singapore, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia.

 

Chia sẻ về quyết định đưa sản phẩm sơn Kova xâm nhập Singapore , một thị trường nổi tiếng khó tính và có tính cạnh tranh cao với nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới, PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe cho biết đó là một quyết định liều lĩnh. Ngay từ những ngày đầu của dự án, phía đối tác của Đảo quốc Sư tử đã nhận định: “Việt Nam chỉ xuất khẩu được đồ mây tre hay thực phẩm, còn về khoa học kỹ thuật thì sao đấu nổi với mấy nước khác”. Không nản lòng, nữ doanh nhân vẫn quyết định mở văn phòng tại đây để tìm hiểu thị trường địa phương. Hiểu rõ các sản phẩm sơn Kova cần nhận được sự chứng nhận khoa học của các tổ chức có uy tín tại đây, bà quyết định mang sản phẩm của mình đến trung tâm kiểm nghiệm hàng đầu của Singapore . Việc này đã ngốn của công ty hàng tỷ đồng, mất hơn một năm sản phẩm sơn Kova mới được kiểm nghiệm xong.

 

Tuy mất nhiều công sức và tiền bạc, nhưng dấu ấn công nhận chất lượng của cơ sở Singapore đã mở ra nhiều cánh cửa cơ hội quý giá cho sản phẩm của công ty. Hiện, sản phẩm sơn Kova đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều công trình địa phương, như siêu thị lớn nhất Singapore, tòa chung cư 650 căn hộ, sân bay, bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà máy…

 

Chủ tịch HĐQT tập đoàn sơn Kova luôn tâm niệm nếu nhà khoa học chỉ nghiên cứu mà không ứng dụng sản xuất thì không thành công. Thành công đối với bà là đưa nghiên cứu ra thực tế, được hàng chục nghìn sản phẩm và được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Do đó, suốt hơn 20 năm kinh doanh, tiến sĩ Hòe chưa bao giờ ngừng nghiên cứu cho ra các sản phẩm cải tiến. Nói về ước vọng của mình, PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe chia sẻ: “Tôi có một tâm niệm sẽ tiếp tục gắn bó cuộc đời mình với các nghiên cứu khoa học, mang đến nhiều hơn nữa những sản phẩm khoa học có tính thiết thực cao trong đời sống, giúp tạo ra nhiều giá trị có ích cho xã hội Việt Nam, và đưa sản phẩm sơn Kova sánh vai với các thương hiệu lớn khác trên thế giới”.

 

Bên cạnh công việc kinh doanh, bà Hòe còn không quên hoàn thành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với Quỹ học bổng Kova (do Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan là chủ tịch) hàng năm dành cho các sinh viên nghèo học giỏi.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục