CEO Nghiêm Thúy Hà được nhiều người biết đến với hai nick đi phượt Hà Kathy và KattyKo172, thuộc thế hệ 7X, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội.
Trải qua nhiều công việc trong các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, năm 2002, chị lập Công ty lữ hành chuyên du lịch inbound (đón du khách nước ngoài du lịch Việt Nam) đầu tiên với một người bạn. Sau 18 năm thăng trầm cùng nhau, chị bán lại cổ phần và rời công ty cũ vào cuối 2019.
Tháng 3/2020, giữa “tâm bão” Covid-19 lần 1, một lần nữa, chị lại khởi nghiệp và sáng lập Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Aadasia Group (AADASIA GROUP), với cả ba mảng du lịch inbound, outbound (đưa khách Việt Nam du lịch nước ngoài), nội địa và làm thương mại.
Điều đặc biệt là từ khi mở cửa, “thuyền trưởng” của AADASIA không để công ty ngừng hoạt động dù chỉ một ngày, lương không bớt một đồng, nhân sự chỉ tăng chứ không giảm.
CEO Nghiêm Thúy Hà đã có cuộc trò chuyện đầy thú vị với phóng viên Báo Đầu tư Online về những điều khác lạ đó trong mảng du lịch của AADASIA GROUP.
Covid-19 ảnh hưởng trực diện đến ngành kinh tế xanh khiến 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải dừng hoạt động hoặc đóng cửa. Dường như, chị đang “đi ngược chiều gió” khi mở doanh nghiệp lữ hành giữa “tâm” đại dịch lần đầu tiên hồi tháng 3/2020?
Thực ra thì khi chuẩn bị lập công ty hồi tháng 3/2020, tôi chỉ cân nhắc là lập xong thì hoạt động như thế nào thôi, chứ không có chuyện lập hay không lập, hệt hồi tháng 4/2002, khi lập công ty đầu tiên. Có lẽ vì tính tôi thích các thách thức có chữ “mới” và đây là lý do lớn nhất (cười).
Mặt khác, từ 2003 đến 2005, tôi đã trải qua dịch SARS, rồi cúm gà cũng mấy đợt, lập công ty xong mua hóa đơn còn khó khăn, nhân sự toàn đào tạo một năm chứ không phải hai tháng như sau này. Những gian khó đó, tôi chèo chống được, nên đợt này tôi xác định từ đầu là sẽ "chiến đấu" với Covid-19 hai năm, xong “gia hạn” cho nó lên ba năm, vì thấy có đầu tư khác vẫn bù đắp cho công ty được, đến nay mới được hơn một năm mà.
Từ năm ngoái đến nay, qua nhiều đợt là giám khảo chấm thi cho các cuộc thi sinh viên, nhiều lần cũng có tình trạng rất buồn cười là các giám khảo là Giám đốc nhân sự thì lại chuyên nghiệp, chu đáo, phân tích cho sinh viên rõ cái lợi, cái hại của việc khởi nghiệp; còn tôi và 2 - 3 bạn đang có công ty thì cứ thấy sinh viên rắp ranh khởi nghiệp là “xui” làm đi làm đi, em đừng sợ gì. Tôi nghĩ, lúc nói vậy chúng tôi chỉ đang chia sẻ lại bài học lớn nhất trong đời mình là “đừng sợ” mà thôi. Không sợ thì sẽ học được. Học được sẽ làm được.
Lý do thứ hai là thị trường nội địa và outbound cũng là mảng tôi tò mò muốn thử sức từ lâu, chính xác là từ khi đi Bhutan về năm 2016. Ở công ty cũ cũng có lúc tôi gợi ý bạn đối tác tìm hiểu thị trường outbound, hoặc đặt câu hỏi sao không làm thị trường nội địa, nhưng chúng tôi chưa tìm được tiếng nói chung. Hai đứa đều bướng, và cũng chưa có thời gian, ít khi ngồi hẳn hoi, bàn bạc thông suốt (cười).
Vì vậy, 18 năm làm việc chúng tôi chỉ có thị trường inbound. Tuy nhiên, có thể nói chúng tôi là một trong những "liên doanh’" bền vững nhất trong ngành du lịch với 18 năm gắn bó.
Đoàn khách do AADASIA GROUP tổ chức tại Quy Nhơn. |
Vì thế, sau khi rời đi, tôi cần một thời gian xác định hướng đi mới, thoát hẳn khỏi cách làm, cách nghĩ cũ, xác định cho mình: “Covid-19 là xoá cờ làm lại”. Đó là lý do tháng 3/2020, tôi mới lập AADASIA GROUP, với cả 3 mảng inbound, outbound và nội địa như mình mong muốn trước đây.
Rất nhiều bạn bè tôi bỏ ngang không duy trì công ty du lịch nữa cũng phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để làm lại từ đầu và đầu tư cho business mới chứ có phải sang mảng mới thì có lợi nhuận ngay được đâu. Vậy, tại sao không đầu tư du lịch trong thời gian này?
- CEO NGHIÊM THÚY HÀ
Lý do thứ ba là tôi có chiến lược phát triển Công ty lâu dài. Từ đầu 2020 đến nay, có lẽ không một công ty nào kinh doanh có lãi nhiều. Doanh nghiệp càng lớn thì càng lỗ nặng nếu tiếp tục hoạt động, nhưng nếu coi đây là giai đoạn đầu tư, xây dựng nền móng doanh nghiệp theo cách mới thì những khoản chi bỏ ra là một khoản đầu tư xứng đáng thôi.
Tôi nghĩ đơn giản rằng, đây là thời gian đầu tư cho con người, nghiên cứu sản phẩm, thị trường… nên tôi cần đảm bảo để công ty hoạt động bình thường, khi đó mới đánh giá được thị trường biến động như thế nào, sau dịch có thay đổi ra sao. Chúng tôi của tháng 6/2021 này đã khác hoàn toàn so với cùng kỳ năm trước. Tháng 6 năm trước, các bạn điều hành đối xử với khách nội địa như khách inbound và mất khách thôi rồi (cười).
Trải qua những đợt dịch Covid-19 bùng phát, tôi nhận thấy một doanh nghiệp giữ được không khí làm việc ổn định là điều vô cùng quan trọng. Bởi chúng tôi không ngừng làm việc ngày nào, không giảm một team nào nên khách hàng rất an tâm và được phục vụ như team kinh doanh đã cam kết.
Vấn đề hiện nay của tôi là có quá nhiều việc cần xem xét thật nhanh, cần có tốc độ lật đi lật lại mọi thứ thật nhanh, nhờ trời, tôi có tốc độ làm việc khá nhanh, nhưng cũng vẫn không kịp. Trong dịch nhìn thấy rất nhiều cơ hội nhưng không có thời gian kiểm chứng, nên nhiều khi cứ làm thôi, kiểm tra kết quả sau.
Tôi tin rằng, khi mình chăm sóc công ty và đầu tư cho nó đủ lâu thì những “trái ngọt” và lợi nhuận được hưởng sau này sẽ tương xứng và đến nhanh hơn.
Chị Nghiêm Thúy Hà trong chuyến khảo sát tour tại hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định. |
Khởi nghiệp và kinh doanh trong thời đại dịch hẳn không hề dễ dàng, nhất là khi AADASIA GROUP vẫn hoạt động không ngừng nghỉ, thưa chị?
Khởi nghiệp ở thời điểm nào cũng có cả những thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức.
Thuận lợi là bộ máy doanh nghiệp ban đầu rất nhẹ và mình muốn thay đổi thế nào cũng được. Ban đầu tôi rủ một người bạn, sau vài tháng thì thấy mình nên là người quyết định. Ban đầu tôi định chỉ có vài nhân sự chủ chốt, nhưng chẳng bao lâu lại nhận ra phải thêm người. Mỗi người vào Công ty, đi cùng một thời gian xem có hợp không rồi tính có đi lâu dài hay không, kế hoạch phát triển của công ty dành cho họ có phù hợp hay không.
Tự đáy lòng mình, tôi luôn mong muốn được mang đến những sản phẩm, những trải nghiệm đặc sắc nhất cho người Việt Nam
- CEO NGHIÊM THÚY HÀ
Nhiều công ty ngừng hoạt động cũng khiến mình tuyển được người nhanh hơn, mặc dù không dễ hơn (cười). Trước đây, khi tuyển một ai, tôi cân nhắc rất kỹ, đào tạo rất lâu, bây giờ nhận rất nhanh và đào tạo rất nhanh, xong quyết ngay được bạn có đi lâu dài được không dựa trên kết quả hàng tuần, không nể nang như trước.
Thời điểm mở công ty, đại dịch Covid-19 khiến du lịch quốc tế đóng băng, chỉ còn lại duy nhất thị trường nội địa, đường đua cạnh tranh khá khốc liệt, lợi nhuận cực kỳ mỏng, nhưng mặt khác lại là thị trường giàu tiềm năng và thú vị để khai phá. Và điều quan trọng hơn là tự đáy lòng mình, tôi luôn mong muốn được mang đến những sản phẩm, những trải nghiệm đặc sắc nhất cho người Việt Nam.
Vì xác định sẽ “vừa làm vừa học” nên từ khi thành lập đến nay, AADASIA GROUP không ngừng hoạt động một ngày và nhân sự chỉ tăng chứ không giảm. Song, tôi cũng yêu cầu ở các thành viên khá cao. Ví dụ, trong thời gian làm việc, nếu phải giãn cách xã hội thì mọi người vẫn làm việc từ xa, hàng ngày phải báo cáo công việc, giữ liên lạc nửa tiếng một lần, họp nhóm liên tục để luồng công việc không gián đoạn.
Song song với du lịch, tôi vẫn đầu tư vào các ngành khác và lấy lợi nhuận để duy trì công ty du lịch. Bất động sản chẳng hạn.
Dường như, một trong những chiến thuật chị đang chú trọng chính là xây dựng đội ngũ nhân sự tinh nhuệ cho AADASIA GROUP?
Đúng vậy, từ năm ngoái đến nay đã có 4 đợt Covid-19 bùng phát, tôi nhận thấy sau mỗi đợt dịch được kiểm soát, du lịch nội địa phục hồi, thành viên làm việc rất năng nổ, sáng tạo, có động lực, vì vậy tôi có lòng tin vào các bạn.
Tôi cũng chấp nhận việc rất nhiều bạn sẽ không đi xa cùng công ty và sẽ thay đổi liên tục. Nhân sự của 2021 rất khác 2019, chúng tôi gọi đây là “năm thứ 2 sau công nguyên” (cười). Cách nhìn của tôi cũng khác. Bây giờ tôi hiểu rằng, vấn đề nào mình cũng chỉ có thể đồng hành, chịu trách nhiệm với thành viên tối đa 1/3 khối lượng thôi, thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà. Vì ngoài chế độ và phúc lợi với các bạn thì còn các bạn đối lại với mình như thế nào còn có những yếu tố của thị trường hay hoàn cảnh riêng của các bạn mà mình không biết hết được. Bản thân các bạn cũng như mình thôi, Covid-19 tạo ra rất nhiều thay đổi. Tuần này đã nghĩ khác với tuần trước và muốn thử nghiệm luôn rồi.
Hiện tại, Công ty khá nhỏ và xây dựng từ đầu nên tôi không yêu cầu thành viên làm quá nhiều hay đến mức căng thẳng hoặc không thể giải quyết được vấn đề. Nếu như trước kia, tôi yêu cầu mọi người phải có kiến thức rất tốt thì bây giờ chỉ yêu cầu tốc độ học và làm việc nhanh.
Vì thế, tôi ưu tiên tuyển những bạn mới ra trường và nhận thấy các bạn trẻ, thế hệ 0X, 9X rất giỏi, có nhiều trải nghiệm đa dạng dù còn trẻ và hoàn toàn có thể cung cấp được dịch vụ cho khách hàng sang trọng. Nhược điểm chính mà chúng tôi đang phải đối mặt ở các bạn trẻ chỉ là tính chủ quan.
Chị Nghiêm Thúy Hà đi tour xem đua ngựa Bắc Hà, Lào Cai, tháng 11/2020. |
Tại sao chị ưu tiên đầu tư vào thành viên trẻ thay vì nhân sự có kinh nghiệm hoặc ứng dụng công nghệ, một xu hướng được cho là tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0?
Chúng tôi có nghiên cứu sử dụng công nghệ, nhưng chưa đặt nặng nó bằng nhân sự và sản phẩm, cũng chưa hài lòng với các giải pháp hiện có. Theo tôi thì du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp liên ngành, liên vùng và rất cần linh hoạt. Chính vì thế, những nền tảng đặt vé máy bay, phòng khách sạn, dịch vụ đơn lẻ rất nhiều nhưng nền tảng đặt tour tốt lại hiếm.
Du khách đều muốn có những trải nghiệm khác biệt trong cả chuyến đi, chuyến đi mới là ban ngày, dưới ánh mặt trời, khách sạn đặt được có tốt đến bao nhiêu vẫn chỉ là mái nhà về để ngủ. Mặt khác, du khách Việt Nam mặc cả rất nhiều và không máy móc nào có thể thuyết phục khách hàng tốt hơn kiến thức, kỹ năng, tình cảm của người tư vấn.
Với bất cứ thị trường nào, trong nước hay quốc tế thì tính linh hoạt vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Các phần mềm tôi tìm hiểu cho tới nay giúp ích cho quản lý chứ chưa tối ưu cho kinh doanh.
Chuyển từ phục vụ du khách inbound sang thị trường nội địa, chị nhận thấy sự khác biệt ra sao?
Vấn đề đầu tiên là một khó khăn về thời gian đi. Khách nước ngoài đi tất cả các ngày trong tuần, khách Việt Nam chỉ đi thứ 7, Chủ nhật. Nhà nước mình cũng chưa có các chính sách nào khuyến khích du khách đi du lịch trong tuần khiến lữ hành gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng sản phẩm vì nơi nào cũng kín và giá tăng cao.
Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các hãng vận chuyển, hướng dẫn viên, MC, điều hành đều vắt chân lên cổ từ ngày thứ 6 cho đến ngày chủ nhật, nhưng những ngày còn lại thì lại không có khách. Đây chính là “thảm họa” với các doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ du lịch.
Tôi rất mong muốn Nhà nước có thể gia tăng các chính sách truyền thông, kêu gọi, khuyến khích người dân đi du lịch vào ngày trong tuần, khuyến khích các ưu đãi hay tặng voucher cho người Việt Nam đi du lịch ngày trong tuần chẳng hạn
- CEO NGHIÊM THÚY HÀ
Do đó, chúng tôi rất mong muốn Nhà nước có thể gia tăng các chính sách truyền thông, kêu gọi, khuyến khích người dân đi du lịch vào ngày trong tuần, khuyến khích các ưu đãi hay tặng voucher cho người Việt Nam đi du lịch ngày trong tuần chẳng hạn.
Khác biệt thứ hai cũng là ưu điểm của du khách Việt Nam, là tốc độ quyết định dịch vụ hay không rất nhanh. Du khách Việt Nam cũng thường chóng quên. Chẳng hạn, hôm nay dịch bệnh được kiểm soát và Nhà nước có thông báo mở cửa du lịch trở lại, ngày mai lập tức "xách vali lên và đi".
Du khách nước ngoài không như vậy. Họ khá thận trọng. Ví dụ, khi có thông tin động đất hoặc sóng thần ở Nhật Bản, khách châu Âu có thể hủy tour du lịch Việt Nam vì cùng ở châu Á mặc dù, Việt Nam cách xa Nhật và không có bất cứ ảnh hưởng nào. Nhưng cũng vì cần quyết nhanh mà các bạn Sales của tôi phải trao đổi với khách vào 23 giờ đêm là chuyện bình thường!
Sau tour, nếu khách Việt Nam đã yêu thích dịch vụ của công ty thì sẽ tiếp tục tin dùng và giới thiệu rất nhiều người thân, bạn bè một cách rất tình cảm, nhanh chóng và không tiếc lời khen. Một trong những phản hồi của khách hàng chúng tôi yêu thích nhất chính là: “Lần sau có chương trình gì hay, nhớ gửi cho bọn mình nhé!”.
Khác biệt thứ ba là mức chi tiêu. Lợi nhuận trên một tour cho thị trường Việt nam cực thấp so với công sức, kiến thức, chuyên môn của các bạn tư vấn. Nếu bạn lấy con số thống kê trên trang web của Tổng cục Du lịch và thử làm vài con tính chia thì sẽ thấy ngay, trung bình, chi tiêu của du khách Việt Nam chỉ bằng 1/6 so với du khách quốc tế.
AADASIA GROUP tổ chức hội lớp hội khoá cho khách hàng. |
Trước những ảnh hưởng tiêu cực của địa dịch Covid-19, các doanh nghiệp mong mỏi các chính sách nào từ phía Nhà nước, thưa chị?
Tôi tin là trải qua 3 – 4 đợt dịch bùng phát, sức chịu đựng của các doanh nghiệp yếu hơn năm ngoái rất nhiều. Mọi người buồn hơn rất nhiều. Có lẽ, sẽ có thêm không ít doanh nghiệp lữ hành đóng cửa.
Đợt cuối tháng 4, đại dịch Covid-19 bùng phát tại Ấn Độ với mức độ khủng khiếp khiến các hãng lữ hành inbound thêm hoang mang vì lẽ ra sau Covid-19, Ấn Độ sẽ là thị trường rất quan trọng với du lịch Việt Nam như 2019 trở về trước. Mặc dù thị trường này chưa được thống kê đầy đủ như một số thị trường truyền thống khác nhưng khách inbound Ấn Độ vào Việt Nam số lượng cực kỳ lớn, gia tăng đều đặn và có rất nhiều thuận lợi về hướng dẫn, điểm shopping, nhà hàng phù hợp.
Nhà nước cần nghiên cứu và có thời hạn cho các chính sách hỗ trợ của mình, dựa trên nhiều kịch bản khác nhau về mức độ mà ngành du lịch bị ảnh hưởng
- CEO NGHIÊM THÚY HÀ
Vì vậy, tôi nghĩ có lẽ Nhà nước cần nghiên cứu và có thời hạn cho các chính sách hỗ trợ của mình, dựa trên nhiều kịch bản khác nhau về mức độ mà ngành du lịch bị ảnh hưởng. Cho tới nay, chính sách quảng bá cho từng điểm đến làm khá tốt, nhưng du khách đến thẳng với điểm đến với ý nghĩ chỉ cần mua vé máy bay, đặt khách sạn là xong chuyến đi.
Chúng tôi chưa thấy cộng đồng nhận thức được một chuyến đi có công ty chuyên nghiệp tổ chức và một chuyến tự đi, thì trải nghiệm khác nhau những gì. Trong khi đó, nếu bạn thực sự muốn đi “chơi”, không thành viên nào trong đoàn phải vất vả, bạn rất nên có người chuyên nghiệp tổ chức trọn gói cho bạn. Thật ra, khi chúng tôi tổ chức, chi phí còn được tối ưu và tốt hơn!
Chúng tôi có lẽ cần được quảng bá cho mình nhiều hơn. Rất nhiều du khách Việt tưởng rằng, Công ty du lịch thì Giám đốc chính là hướng dẫn viên và đi theo dẫn đoàn là xong. Nếu muốn giảm tiền thì giảm hướng dẫn viên!
Hiện nay, chúng tôi đang nhận 30 bạn thực tập sinh du lịch cũng để tương lai gần các bạn không chỉ có thể sống bằng nghề du lịch mà còn biết quảng bá cho nghề nghiệp của mình.
Tiếp theo là chính sách trực tiếp cho cả khách và doanh nghiệp. Năm 2003, khi du lịch châu Á bị ảnh hưởng bởi dịch SARS, các nước xung quanh ta có rất nhiều chính sách hỗ trợ khách du lịch bởi lẽ, họ quan niệm rằng khách du lịch được hỗ trợ sẽ làm cho ngành du lịch và cả nhiều ngành khác cùng được vực dậy.
Chính quyền Hồng Kông lúc đó đã tặng cho mỗi du khách nước ngoài du lịch tới đây 100 USD để chi tiêu và số tiền này không liên quan đến bất cứ doanh nghiệp nào cả. Singapore và Malaysia thì miễn thuế cho các doanh nghiệp du lịch để họ xây dựng sản phẩm, giảm giá. Các đối tác Lào và Campuchia cũng giảm 15% giá dịch vụ cho các công ty du lịch nước ngoài.
Trong và sau dịch bệnh, thực tế thị trường inbound sẽ không đông, nhưng những chính sách đó lại tạo ra hiệu ứng rất tốt vì các công ty thấy được động viên, du khách tin tưởng điểm đến đó chào đón mình. Và khi hết dịch hoàn toàn, niềm cảm hứng đi du lịch của họ được nhân lên.
Chị Nghiêm Thúy Hà trong chuyến đi khảo sát Cầu Vàng, Đà Nẵng khi vừa khánh thành. |
Mặc dù lúc đó Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là một trong những nước những nước phòng, chống dịch SARS rất nhanh, nhưng hiệu ứng đó không được nâng lên vì không có những sự cộng hưởng từ những chính sách hỗ trợ và cũng không có nhiều quảng bá.
Tôi nghĩ, Nhà nước cần phải nghiên cứu vấn đề này bài bản và rút kinh nghiệm từ đợt dịch 2003. Nếu Chính phủ dự định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp du lịch thì phải có con số cụ thể và thông báo kết quả cụ thể đã làm được những gì. Còn hiện nay, tôi chỉ biết có hơn 95% doanh nghiệp inbound và 50% doanh nghiệp nội địa đã ngừng hoạt động.
Nhà nước hỗ trợ du khách, còn doanh nghiệp sẽ hưởng lợi khi du khách trở lại mau chóng hơn
- CEO NGHIÊM THÚY HÀ
Với thị trường quốc tế, khi dịch bệnh kiểm soát tốt, tôi nghĩ rằng, những chính sách giống như Hongkong năm 2003 hỗ trợ mỗi du khách quốc tế 100 USD để chi tiêu sẽ rất hữu hiệu. Nhà nước hỗ trợ du khách, còn doanh nghiệp sẽ hưởng lợi khi du khách trở lại mau chóng hơn.
Với thị trường nội địa, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một lần nữa là Nhà nước cần có chính sách khuyến khích du khách nội địa đi du lịch vào ngày thường, thứ Hai đến thứ Năm. Việc này doanh nghiệp không thể làm được mà phải bắt đầu từ truyền thông của Nhà nước, các cơ quan của Chính phủ. Còn các công ty du lịch đang có giá khởi hành trong tuần thấp hơn cuối tuần rồi vì các doanh nghiệp đều đang đau đáu với vấn đề này.
Chẳng hạn, tour du lịch Bắc Hà (Lào Cai), một vùng đất rất tươi đẹp, núi non hùng vĩ, đậm đà bản sắc văn hóa và cách Hà Nội chỉ khoảng 5h30 nhưng khi thiết kế tour 3 ngày, chỉ có vài ba người đăng ký, tour 2 ngày lập tức có 35 người nếu đi ba ngày thì sẽ không gói gọn trong thứ 7, chủ nhật mà phải có thêm thứ 6 hoặc thứ 2, người lao động không muốn xin nghỉ. Trong khi đó, thăm Bắc hà 2 ngày thật là phí phạm! Đến thời gian shopping mua sản vật cho bà con cũng không nhiều.
Chị Nghiêm Thúy Hà với sinh viên khoa Du lịch, trước Covid-19. |
Theo chị dự đoán, khi nào thị trường du lịch nội địa có thể mở cửa lại?
Theo tôi, nhanh cũng phải hai tháng nữa du lịch nội địa mới có thể mở cửa trở lại. Thậm chí tình hình xấu hơn, có thể cả mùa hè năm nay ngành du lịch sẽ thất thu.
Chúng tôi vừa đóng góp một chút vào quỹ vaccine của Chính phủ và hy vọng với việc tiêm chủng vaccine rộng rãi, ngoài sức khoẻ ra, tâm lý mọi người sẽ thoải mái tự tin hơn, vấn đề là cần được tin vào mọi người quanh mình đang khoẻ mạnh khi mình muốn đi đâu, chứ không chỉ tin ở sức khoẻ của một cá nhân mình.
Năm nay chúng tôi không bị động như năm ngoái nữa nên bất cứ lúc nào được bay và được đi thì AADASIA sẽ có đầy bàn sản phẩm (cười).
Chị Nghiêm Thúy Hà với sinh viên khoa Du lịch, trước Covid-19. |
Khởi nghiệp đúng mùa dịch, so với gần 20 năm trước, chị nhận thấy chính sách khởi nghiệp của Việt Nam giờ thay đổi ra sao?
Thực sự thì tôi không quá để ý. Đối với các doanh nghiệp lữ hành, các chính sách ít ảnh hưởng hoặc tác động lớn như với các nhà cung cấp dịch vụ hàng không, khách sạn, khu du lịch.
Tôi quan niệm rằng, muốn xây dựng công ty vững vàng và phát triển lâu dài thì mình phải là người chịu trách nhiệm chính về nó, chính sách thế nào thì mình cũng phải nắm rõ để làm hợp pháp, rõ ràng, người lao động yên tâm mình làm trong một công ty đàng hoàng, ổn định là được.
Có một điểm quan trọng là từ vài năm nay, tiền ký quỹ được để lãi có kỳ hạn, với chúng tôi việc này rất tích cực vì cách đây gần 20 năm tiền ký quỹ phải để không kỳ hạn, rất thiệt cho doanh nghiệp.
Cá nhân tôi mong muốn Nhà nước có những chính sách giúp đỡ đội ngũ hướng dẫn viên. Bởi, đây được xem là một phần rất quan trọng của một tour du lịch, nhưng hiện nay rất nhiều hướng dẫn viên không còn thu nhập. Các hướng dẫn ít khi làm toàn thời gian cho một công ty nào đó mà chủ yếu là cộng tác viên, khi có đoàn thì mới có công tác phí nên dịch bệnh xảy ra, du lịch đóng băng là mất hẳn thu nhập. Khi các bạn được hỗ trợ và vẫn còn tha thiết với nghề, đội ngũ nhân sự của các doanh nghiệp mới tốt được. Như bạn biết đấy, hướng dẫn hiện nay cũng chỉ có việc vào thứ 7 và Chủ nhật.
Chị Nghiêm Thúy Hà khảo sát sản phẩm nho Ninh Thuận, trước Covid-19. |
Thưa chị, vậy những chính sách thiết thực nào có thể giúp đỡ doanh nghiệp, người lao động ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay?
Tôi nghĩ rằng bên cạnh việc giảm thuế cho các công ty du lịch còn hoạt động, Nhà nước cần kiểm tra, giám sát thường xuyên với những đơn vị và cá nhân kinh doanh không có giấy phép và có chế tài cho việc này. Trong mùa dịch vừa qua, rất nhiều người không có giấy phép làm du lịch nhưng vẫn kinh doanh.
Tôi hy vọng Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch các địa phương thường xuyên rà soát, xử lý những đơn vị kinh doanh không phép, không thể để thị trường loạn như vừa qua
- CEO NGHIÊM THÚY HÀ
Điều này gây khó khăn cho thị trường. Muốn được cấp phép kinh doanh thị trường nội địa, doanh nghiệp phải đặt cọc ký quỹ 100 triệu đồng, có nhân sự và nộp thuế, có địa chỉ làm việc. Nếu kinh doanh inbound là 250 triệu, outbound 250 triệu. Như AADASIA GROUP, kinh doanh cả 3 mảng, tiền ký quỹ là 500 triệu đồng, chưa kể phải hoàn thiện rất nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian một công ty mới được cấp phép.
Trong khi đó, rất nhiều người không hề ký quỹ một đồng nào nhưng bán tour phá giá, cung cấp dịch vụ không có đủ tư cách pháp nhân khiến thị trường rất loạn. Năm ngoái có nhiều vụ việc bán tour, sau đó khách hàng không nhận được dịch vụ đã ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp chân chính, hợp pháp đang hoạt động thực sự.
Vì thế, tôi hy vọng Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch các địa phương thường xuyên rà soát, xử lý những đơn vị kinh doanh không phép, không thể để thị trường như hiện nay là bất cứ ai cũng có thể bán tour, dịch vụ du lịch, bán phá giá và cung cấp những dịch vụ không chuyên nghiệp mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào.
Trong bối cảnh hiện nay, theo chị, những điểm yếu nào của ngành du lịch cần sớm khắc phục?
Đầu tiên là nhân sự ngành du lịch đang vừa thừa vừa thiếu. Gần như doanh nghiệp nào tuyển dụng nhân sự cũng mất nhiều thời gian đào tạo lại.
Ví dụ tháng 6/2020, khi tuyển điều hành tour, tôi nhận được 140 CV, nhưng chỉ tuyển được hai bạn đủ tiêu chuẩn, sau đó hai tuần một bạn đã cho thấy không phù hợp. Năm nay, tôi tuyển thêm điều hành nhưng trong số 63 hồ sơ chỉ được 2 bạn. Có nhiều bạn rất tốt, nhiều kinh nghiệm, nhưng cách nghĩ của các bạn vẫn đang ở năm 2018 hoặc 2019, chưa thay đổi.
Du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn nên chúng tôi rất hy vọng trong tương lai gần sẽ có Bộ Du lịch
- CEO NGHIÊM THÚY HÀ
Khi làm việc với các trường Cao đẳng và Đại học, chúng tôi nhận ra là vì ngành du lịch thay đổi từng tuần từng tháng một, giáo trình và thời gian thực tập của các em rất nên thay đổi và các em cần có thật nhiều cơ hội đi thực tập và trải nghiệm thực tế. Các em cũng cần được hướng dẫn một số kỹ năng tìm và lọc thông tin tối thiểu, kể cả kỹ năng Google Search, và sau đó lọc thông tin như thế nào cũng cần học rất nhiều.
Thứ hai là điều kiện vệ sinh, an toàn và an ninh ở các điểm du lịch cần phải cải thiện nhiều, thái độ của người làm công tác an ninh tại các điểm đến cần lịch sự, nhã nhặn hơn, các cơ sở vệ sinh cần sạch đẹp hơn để du khách đi qua thực sự không bị sốc và hỏng hết cả trải nghiệm ngay từ lúc đi đường. Một nửa du khách của chúng ta là nữ giới, nhưng các cơ sở vệ sinh ở điểm tham quan, trạm nghỉ ven đường phần lớn chỉ ở mức trung bình.
Thứ ba là những dịp kiểm tra, thanh tra phải nhắc nhở các công ty hay chủ nhà hàng, khách sạn về những văn bản hợp pháp luật. Có rất nhiều công ty không đưa ra hợp đồng mua bán, nếu có vấn đề gì xảy ra thì không ai đứng ra để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
Một vấn đề khác là ngành du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn nên chúng tôi rất hy vọng trong tương lai gần sẽ có Bộ Du lịch. Ngành du lịch rất nhiều đặc thù, Việt Nam thì rất nhiều tài nguyên du lịch chưa được quảng bá tập trung, việc có Bộ Du lịch, theo chúng tôi sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề giúp cho ngành phát triển bền vững. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có thể có hệ thống doanh nghiệp du lịch mới, đủ sức cạnh tranh, góp phần giúp ‘’ngành kinh tế xanh’’ phát triển và bứt phá hậu Covid-19.
Với sinh viên rắp ranh khởi nghiệp, chị Nghiêm Thúy Hà thường là “xui”: "Làm đi làm đi, em đừng sợ gì". |
Phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Việt Nam ghi nhận nhiều start-up thành công, nhưng cũng có rất nhiều dự án khởi nghiệp đã không thể tiếp tục con đường, ước mơ của mình.
Một phần là bởi chính chất lượng, tính khả thi của các dự án, ý tưởng, nhưng mặt khác, môi trường để khởi nghiệp tại Việt Nam cũng là điều được nhắc đến, với những đánh giá theo hướng chưa thực sự thuận lợi cho khởi nghiệp, dẫn đến câu chuyện một số dự án khởi nghiệp phải "khai sinh" ở nước ngoài để phát triển.
Nhưng những nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, về khởi nghiệp, sáng tạo nói riêng cũng đã và đang có những bước tiến đáng kể, tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng khởi nghiệp. Việt Nam ngày càng được nhiều start-up chọn để khởi nghiệp, kể cả các doanh nhân, các bạn trẻ học tập, nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài.
Vậy lựa chọn khởi nghiệp ở Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn gì? Đâu là những điểm nghẽn cần được sớm tháo gỡ? Những đề xuất, kiến nghị, ý tưởng của bạn để có thể biến Việt Nam thành "thiên đường" khởi nghiệp?
Hãy chia sẻ với chúng tôi câu chuyện của bạn, những băn khoăn, trăn trở, tâm huyết của bạn xoay quanh chủ đề "Khởi nghiệp ở Việt Nam - tại sao không?". Quý vị gửi ý kiến ở phần bình luận của bài viết, hoặc gửi về địa chỉ: huyhaodautu@gmail.com.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!