Nữ đoàn viên trẻ và hành trình trở thành “vua gà bản Đầm Hà”

0:00 / 0:00
0:00
Chuyện đoàn viên Nguyễn Thị Thu Hiền trở thành “vua gà bản Đầm Hà” bắt đầu từ suy nghĩ giản đơn: “con nhà nông”, sao không phục hồi giống gà bản địa của quê hương mình…

Gian nan nhân giống gà thuần chủng

Hợp tác xã Tuyền Hiền gắn với mô hình “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng chuồng lạnh và liên kết theo chuỗi trong nuôi gà bản Đầm Hà” của vợ chồng chị Hiền nằm tách biệt trên cánh đồng thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh. Trong chiếc áo phông màu thiên thanh, ở bà chủ trẻ toát lên khí chất thông minh, trẻ trung, trông giống một cô sinh viên thực tập hơn là một nông dân chính hiệu.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 10 gương mặt thanh niên nông thôn xuất sắc nhất năm 2020. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Thu Hiền đứng thứ hai từ trái sang.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 10 gương mặt thanh niên nông thôn xuất sắc nhất năm 2020. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Thu Hiền đứng thứ hai từ trái sang.

Vốn là kế toán của một doanh nghiệp tại Hà Nội, sau khi lập gia đình với anh Nguyễn Văn Tuyền (Giám đốc Hợp tác xã Tuyền Hiền hiện nay), chị Hiền quyết định cùng ông xã về quê khởi nghiệp. “Khi đó, tôi nghĩ ngay đến việc nuôi gà bản địa của địa phương - giống gà gắn liền với tuổi thơ nên tôi cảm nhận được nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ và người dân quê tôi. Tôi và chồng nung nấu ý tưởng bảo tồn và phát triển giống gà đã được bao thế hệ ông cha nuôi giữ này, đồng thời khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân”, chị Hiền chia sẻ.

Vừa thu hoạch và phân loại trứng, chị vừa Hiền kể, giống gà bản Đầm Hà là sản vật nổi tiếng, mang những đặc trưng không nơi nào có được. “Gà bản Đầm Hà có bộ lông sặc sỡ, thân tròn gọn, cổ ngắn, chân thấp, đỉnh đầu có một chòm lông như chú chim chào mào, dưới cằm lại có túm râu rất điệu và khác biệt. Chất lượng thịt thì phải nói là độc nhất vô nhị với hương vị đậm đà hòa quyện cùng da giòn tan, óng vàng bóng bẩy, ăn một miếng nhớ cả cuộc đời”, chị Hiền chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền được bà con đặt cho cái tên thân thương: "Vua gà bản Đầm Hà".

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền được bà con đặt cho cái tên thân thương: "Vua gà bản Đầm Hà".

Nhưng đáng tiếc, khi vợ chồng chị Hiền khởi nghiệp, giống gà đặc biệt ấy đã bị mai một. Suốt 3 tháng ròng rã, họ phải trực tiếp tới các bản làng vùng cao của huyện Đầm Hà, lựa mua khoảng 300 con gà thuần chủng còn sót lại. Vốn là một kế toán viên, kiến thức, kỹ năng chăn nuôi với chị Hiền đều bằng không. Việc chọn khởi nghiệp bằng dự án chăn nuôi gà với chị quá nhiều thử thách. Nhất là quá trình nhân giống gà thuần chủng.

Chị Hiền là người dám nghĩ, dám làm, là tấm gương sáng cho các bạn thanh niên trong lập nghiệp và phát triển kinh tế tại địa phương. Chị còn là đoàn viên rất tích cực tham gia các hoạt động tọa đàm, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ những hộ gia đình thanh niên và người dân yếu thế trong việc phát triển kinh tế từ giống gà bản Đầm Hà.

Nguyễn Quyết Thắng, Phó bí thư Huyện đoàn Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh

Chị Hiền cho hay: “Ban đầu, chúng tôi nghĩ, gà bố mẹ thuần sẽ cho chất lượng con giống tốt. Song phương pháp sinh sản truyền thống, chăn thả tự nhiên khiến con giống mang nhiều nhược điểm, tỷ lệ phối tạo cho ra gà thuần chủng rất thấp, gà không đồng đều, ảnh hưởng đến chất lượng gà thành phẩm”.

Suốt một năm sau đó, vợ chồng chị Hiền tiếp tục đi khắp nơi tìm hiểu, học hỏi để tìm cho bằng được một phương pháp lai tạo ưu việt nhất. “Tôi may mắn được sự ủng hộ của tất cả mọi người. Đi đến đâu cũng có những người làm kỹ thuật, các chuyên gia chỉ dạy kỹ năng, truyền bí quyết ngọn ngành. Đặc biệt, chính quyền địa phương tạo điều kiện hết mức. Bởi thế, chúng tôi đã kịp thời tháo gỡ được khó khăn ban đầu, thành công trong ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng chuồng lạnh”, chị Hiền không giấu được niềm vui.

Năm 2014, anh chị mạnh dạn vét toàn bộ gia sản và vay mượn thêm để đầu tư gần 200 triệu đồng, xây dựng trang trại 100 m2 với 1.000 con gà nhân giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Yêu cầu kỹ thuật với gà sinh sản rất khắt khe, việc nuôi gà trong chuồng lạnh và ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo sẽ khắc phục được tất cả các nhược điểm trong nuôi gà tự nhiên, khi điều tiết được nhiệt độ, ánh sáng và không khí, tạo môi trường tốt nhất cho gà bố, mẹ sinh sản, đặc biệt phối tạo được giống có độ thuần chủng cao. Từ đó, cho ra đời những chú gà con khỏe mạnh mang nguồn gen quý nổi trội vốn có.

“Lúc đầu, khi thụ tinh nhân tạo cho gà bản Đầm Hà, do chúng tôi ít kinh nghiệm, nên tỷ lệ trứng ấp thành con chỉ đạt 50-60%, dẫn đến việc nhân và chọn giống gặp nhiều khó khăn. Phải mất khoảng 4 năm, tỷ lệ thành công khi thụ tinh nhân tạo mới đạt 90% như hiện nay”, chị Hiền chia sẻ.

Trước đây, với việc phối giống tự nhiên, mỗi con gà trống chỉ có thể phối giống với 8-10 con gà mái, thì nay với phương pháp thụ tinh nhân tạo trong chuồng lạnh, một con gà trống sẽ thụ tinh cho từ 60-80 con gà mái. Điều này giúp giảm được chi phí nuôi gà trống, phí bảo tồn và nâng cao hiệu quả, tỷ lệ phôi cao hơn.

Sau khi làm chủ công nghệ, kỹ thuật và ổn định việc cung cấp gà giống ra thị trường, tháng 5/2016, vợ chồng chị Hiền vận động 6 hộ trong thôn tham gia thành lập Hợp tác xã Tuyền Hiền chuyên sản xuất gà giống và nuôi gà thương phẩm địa phương. Nhưng, cuộc chơi lớn một lần nữa thách thức “vua gà bản Đầm Hà”.

“Quá trình vận động các hộ tham gia mô hình liên kết rất khó khăn vì người dân đã quen với việc chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, mạnh ai nấy làm. Mọi người không tin và không muốn tham gia vì sợ rủi ro. Khi ấy, chúng tôi đã cam kết hỗ trợ con giống, nguyên vật liệu đầu vào đối với những hộ nghèo, hộ khó khăn, đồng thời cam kết bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con. Mặt khác, mọi người thấy thành công của gia đình tôi, nên đã cùng nhau nuôi dưỡng, phát triển giống gà quý bản địa”, chị Hiền hồi nhớ.

Khát vọng vươn xa

Hiện mô hình ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng chuồng lạnh và liên kết theo chuỗi trong nuôi gà bản Đầm Hà của vợ chồng chị Hiền có diện tích trên 1.000 m2, quy mô 3.000 con gà sinh sản, liên kết sản xuất theo chuỗi với 80 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Đầm Hà và các vùng lân cận. Mỗi năm, Hợp tác xã Tuyền Hiền cung cấp ra thị trường khoảng 160.000 con giống, 120 tấn gà thương phẩm, đạt doanh thu 12,3 tỷ đồng, lợi nhuận 1-1,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 thanh niên và 7 lao động thời vụ.

Năm 2019, số gà thương phẩm mà Hợp tác xã Tuyền Hiền xuất bán đạt khoảng 200 tấn, chủ yếu tại TP. Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả (Quảng Ninh), Hà Nội… Năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến nhiều quán ăn, nhà hàng phải đóng cửa tạm thời, nên Hợp tác xã chỉ xuất bán được hơn 150.000 con gà giống và 60 tấn gà thương phẩm. Dịp Tết Nguyên đán 2021, đại dịch khiến tỉnh Quảng Ninh phải giãn cách xã hội trong thời gian dài khiến việc chăn nuôi, kinh doanh gà bản Đầm Hà gặp khó khăn gấp bội, chị Hiền buộc phải giảm liên kết từ 80 hộ còn hơn 50 hộ.

Trước thực trạng đó, chị Hiền mong mỏi: “Hợp tác xã Tuyền Hiền và các hộ chăn nuôi mong muốn nhà nước có những chính sách như: hỗ trợ lãi vay bằng 50% lãi suất thương mại hiện hành đối với các hợp tác xã nông nghiệp; gia hạn nợ cho các hợp tác xã đang vay vốn từ 6 - 12 tháng với lãi suất 0%; hoặc có nguồn kinh phí hỗ trợ bà con gặp khó khăn trong tiêu thụ gà do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19… để người dân khôi phục kinh tế”.

Dù liên tiếp phải đương đầu với khó khăn, nhưng nhiều năm qua, mỗi ngày, chị Hiền vẫn đều đặn đến từng hộ chăn nuôi, hướng dẫn quy trình về chuồng trại, cũng như chăm sóc gà cho bà con. Mỗi tuần, nữ đoàn viên xuất sắc đều dành một ngày để hướng dẫn các bạn trẻ tại Câu lạc bộ Khởi nghiệp huyện Đầm Hà. Nhiệt huyết của cô chủ Hợp tác xã Tuyền Hiền đã tiếp sức, truyền lửa cho nhiều bạn trẻ khác, nhân lên những ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên nông thôn.

Không gục ngã trước những khó khăn, thất bại, kiên trì với mục tiêu chính là động lực để giấc mơ khởi nghiệp của cô đoàn viên trẻ gặt hái được những trái ngọt hôm nay. Nhưng với chị, sự thành công không dừng lại ở đó, mà chính là khi “đứa con tinh thần” của chị được biết đến nhiều hơn, lan tỏa rộng rãi hơn.

“Khát khao của vợ chồng tôi là đưa thương hiệu gà bản Đầm Hà vươn xa. Giống gà của Hợp tác xã Tuyền Hiền không chỉ được cung cấp cho Đầm Hà, mà còn mở rộng thị trường sang các địa phương khác, như Móng Cái, Tiên Yên, Ba Chẽ... và các tỉnh, thành phố trong cả nước như TP.HCM, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên…”, chị Hiền trải lòng.

Để làm được điều đó, Hợp tác xã Tuyền Hiền dự kiến mở rộng quy mô sản xuất, liên kết chăn nuôi và hướng tới chế biến thịt gà bản Đầm Hà thành những sản phẩm tiện lợi để phân phối đến đông đảo người tiêu dùng. “Con đường phía trước còn rất dài, nhưng chúng tôi có niềm tin sẽ làm được. Thêm một người biết đến sản phẩm gà bản Đầm Hà là thêm một lần khẳng định giá trị của sản vật quê hương, đây cũng chính là cách thức để quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Đầm Hà, đến với Quảng Ninh”, chị Hiền bộc bạch.

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục