Trước đó, con gái ông là Nguyễn Thị Thu Sương (37 tuổi) cũng bị khởi tố với cùng tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nạn nhân trong vụ án này là những ngân hàng có tên tuổi; số tiền mà các ngân hàng bị lừa lên đến hàng trăm tỉ đồng. Thủ đoạn lừa đảo khá ma mãnh.
Những ngày "hấp hối"
Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH An Khang có ngành nghề kinh doanh chế biến thủy hải sản xuất khẩu theo giấy chứng nhận ĐKKD số 1800574206 do Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Cần Thơ cấp (thay đổi và cấp lại lần 3) ngày 3/11/2009.
Nhà máy đặt tại lô 2 - 9A2 KCN Trà Nóc 2, (phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ).
Từ giữa năm 2011, tại Cần Thơ bắt đầu râm ran tin đồn rằng "Công ty An Khang sắp chết"; rồi "Giám đốc công ty bị một chủ nợ là ngân hàng bắt cóc, buộc phải trả nợ". Những tin đồn cứ làm cho nhiều người có quan hệ làm ăn, trong đó có nhiều nông dân bán cá tra nguyên liệu cho công ty này nhốn nháo, phập phồng lo sợ.
Có hôm, tại cổng nhà máy của công ty này, tôi thấy có 3 - 4 chiếc ôtô mang biển số của nhiều địa phương, đậu để "canh chừng" hành vi tẩu tán tài sản của "con nợ"; người thì nói "con nợ" cứ hẹn lần, hẹn lữa rất khó gặp nên cứ tới đây để yên tâm hơn.
Không tin vào chuyện gặp người đứng đầu Công ty An Khang khó đến mức như thế, tôi thử vào vai một người đi bán cá tra. Vào gặp một chị nhân viên, tôi nói đang có ao cá đến lứa khoảng 2-3 trăm tấn. Chị này nhìn tôi thăm dò rồi hạch hỏi: "Có đăng ký trước để gặp giám đốc chưa?".
Thấy tôi lắc đầu, chị tiếp tục: "Chắc là phiền anh hôm khác quay lại chứ hôm nay giám đốc kẹt tiếp khách Sài Gòn" (?). Nói thế nhưng khi "khách Sài Gòn" vào tìm thì người của công ty lại đổ thừa: "Giám đốc hôm nay chưa thấy tới". Cứ thế, họ luân phiên nhau để làm nản lòng những ai định gặp "lãnh đạo".
Không bỏ cuộc, tôi theo chân một luật sư vào tìm gặp Phó giám đốc - Nguyễn Thị Thu Sương. Nhìn vào khoản nợ tiền thuê mặt bằng, kho bãi, vị Phó giám đốc ký đối chiếu ngay và coi như chẳng có gì.
Nhà máy của Công ty An Khang tại KCN Trà Nóc
Mà cũng đúng thôi, khoản nợ chỉ vài trăm triệu đồng lúc đó đối với đơn vị cho thuê kho bãi, mặt bằng này có đáng gì so với khoản tiền kếch xù lên trên 375 tỉ đồng mà Công ty An Khang đang nợ của khoảng 40 tổ chức, cá nhân, trong đó có các ngân hàng.
Trong số những đối tác làm ăn của Công ty An Khang, có Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh KCN Trà Nóc (Vietinbank Trà Nóc).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ tháng 7/2009, doanh nghiệp này đã bắt đầu quan hệ vay vốn tại đây với dư nợ vay cuối năm 2009 gần 20 tỉ đồng. Sang năm 2010, DN đã đề nghị và được phía Vietinbank Trà Nóc ít nhất 3 lần duyệt giới hạn tín dụng (GHTD) vào các ngày 10/2; 1/9 và 29/10/2010) với tổng GHTD tăng thêm là 100 tỉ đồng, trong đó GHTD dùng để chiết khấu là 50 tỉ đồng. Thời hạn duy trì đến ngày 31/1/2011.
Năm 2011, sau khi có đề nghị của Công ty An Khang, Vietinbank Trà Nóc đã trình cấp thẩm quyền duyệt GHTD năm 2011 cho DN trên là 160 tỉ đồng (thời hạn áp dụng đến ngày 20/2/2012). Cho đến cuối tháng 6/2011, dư nợ của Công ty An Khang đã ở con số gần 150 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay thế chấp tài sản trên 45 tỉ đồng (chủ DN này đã thế chấp lô đất trên đường Trần Quang Diệu, quận Bình Thủy; 2 chiếc ôtô 7 chỗ; quyền thuê hơn 11.000m 2 đất tại KCN Trà Nóc 2 và toàn bộ dây chuyền sản xuất kinh doanh của công ty tại lô 2-9A2 KCN Trà Nóc 2 - PV); dư nợ cho vay thế chấp LC trên 12,2 tỉ đồng và dư nợ cho vay chiết khấu gần 91 tỉ đồng.
Bị can Nguyễn Thị Thu Sương
Đến cuối tháng 6/2011, Sở Giao dịch Vietinbank đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra việc tuân thủ quy chế, quy trình đối với nghiệp vụ chiết khấu chứng từ xuất khẩu. Qua kiểm tra thực tế tại Vietinbank Trà Nóc, Sở Giao dịch đã xác định được 16 bộ chứng từ ngân hàng nước ngoài gửi trả về, trong đó có 12 bộ vận đơn do Hãng tàu AAA Logistics Services phát hành đã có xác nhận của hãng tàu là không có thật và hãng tàu đã thay đổi mẫu vận đơn mới từ 15/3/2011.
Một ngày cuối tháng 6/2011, đích thân 2 Phó tổng giám đốc Vietinbank và Giám đốc Sở giao dịch III trực tiếp giải quyết vụ việc và tiếp tục xác minh thêm 31 bộ chứng từ thực hiện chiết khấu theo phương thức TT và DP của Hãng tàu NYD Logistics Corporatinon đều không có thật, còn dư nợ chiết khấu trên 88,2 tỉ đồng và 12 bộ chiết khấu do Hãng tàu AAA Logistics Services phát hành đã thu tất nợ từ nguồn chiết khấu nói trên.
Xác định trách nhiệm của cá nhân để xảy ra vụ việc kể trên, lãnh đạo Vietinbank đã quyết định cách chức bà Trần Thị Phương - Giám đốc Chi nhánh Trà Nóc từ ngày 1/7/2011.
Sau những giải trình của bà Phương, Vietinbank Trà Nóc đã phối hợp với Sở Giao dịch kiểm tra thực tế tại kho hàng của Công ty An Khang và đề nghị thế chấp bổ sung hàng hóa tồn kho (khoảng 2.135 tấn cá tra fhilê và chả cá, trị giá khoảng 96 tỉ đồng) cho ngân hàng để bảo đảm thế chấp cho toàn bộ dư nợ của công ty tại ngân hàng.
Công ty cam kết chậm nhất là ngày 27/6/2011 sẽ bổ sung 2 khối tài sản cá nhân giám đốc để thế chấp cho ngân hàng (gồm: QSDĐ hơn 4.112m 2 đất và toàn bộ công trình xây dựng trên đất tọa lạc trên đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều; 533m 2 đất và toàn bộ công trình xây dựng trên đất tại đường Trần Quang Diệu, quận Bình Thủy). Tuy nhiên, sau cam kết này, Công ty TNHH An Khang đã "nuốt lời".
Đại diện Cơ quan CSĐT tống đạt quyết định khởi tố bị can, cho tại ngoại đối với ông Nguyễn Hồng Quân
Hàng loạt ngân hàng bị "sập bẫy"
Trở lại chuyện lừa đảo khiến cả hai cha con ông Nguyễn Hồng Quân lần lượt bị khởi tố, theo lời khai nhận ban đầu của ông Quân, từ đầu năm 2008, ông giao chuyện điều hành mọi hoạt động sản xuất kinh doanh cho con gái - Phó giám đốc Nguyễn Thị Thu Sương.
Tất nhiên, giao quyền thì phải giao luôn con dấu. Thỉnh thoảng ông có hỏi con gái về tình hình hoạt động kinh doanh thì Sương trả lời là công ty vẫn "khỏe", vẫn hoạt động bình thường, mỗi tháng lãi không nhiều nhưng 1 tỉ đồng thì cầm chắc. Nghe con nói sao thì tin vậy. Ông Quân chẳng hề kiểm tra nên cũng không thể biết thực tế công ty đang sống chết thế nào.
Thực tế không hoàn toàn như vậy. Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT đã thu giữ trên 500 tờ giấy A4 do ông Quân ký khống tại nhiều vị trí khác nhau. Ông Quân khai nhận đã làm việc này theo yêu cầu của con gái. Tin tưởng Sương nói là để tiện làm các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty nên ông không kiểm tra.
Chưa dừng lại ở đó, ông Quân còn ký tên khống trên cuốn ủy nhiệm chi để khi cần, Sương điền thông tin vào và rút tiền vay tại ngân hàng. Đối với việc ký khống các hợp đồng vay vốn, sau khi được ngân hàng cho vay, ông Quân không kiểm tra việc sử dụng vốn vay hoặc tình hình thanh toán nợ cho ngân hàng. Đến khi vụ việc tại Công ty An Khang bị phát hiện thì chuyện đã muộn.
Đi sâu vào phương thức lừa đảo của Phó Giám đốc Nguyễn Thị Thu Sương, theo Cơ quan điều tra, từ ngày 4/3 đến ngày 26/6/2011, Sương cùng với Lê Thanh Phong - nhân viên phòng XNK đã làm 44 bộ chứng từ xuất khẩu giả để chiết khấu tại Vietinbank Trà Nóc với số tiền 6.694.789 USD. Do các bộ chứng từ chiết khấu (CTCK) giả, Vietinbank không thu được tiền, Sương tiếp tục làm các bộ CTCK giả để nhận tiền và thanh toán cho các bộ CTCK giả trước đó.
Tính đến ngày 1/7/2011, Sương đã lấy tiền từ các bộ CTCK giả sau trả cho các bộ CTCK giả trước số tiền 2.243.104 USD. Như vậy, tổng số tiền Sương chiết khấu giả để chiếm đoạt tiền của Vietinbank Trà Nóc 4.451.685 USD, tương đương 90 tỉ đồng. Ngoài ra, Sương còn làm 3 bộ CTCK giả với số tiền gần 5 tỉ đồng nhưng bị phát hiện nên đã trả lại Ngân hàng An Bình hơn 1,025 tỉ đồng, chiếm đoạt 3,976 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra cho biết, Sương đã cùng Phong trực tiếp làm giả bộ chứng từ xuất khẩu không quá khó khăn. Tại công ty có sẵn các biểu mẫu như: Invoice (hóa đơn thương mại), packinglist (phiếu đóng gói), contract (hợp đồng kinh tế), giấy đề nghị chiết khấu... Khi có nhu cầu, Sương chỉ cần thay đổi nội dung, sau đó ký tên đóng dấu, hoặc phôtô cắt ghép là... xong.
Riêng Bill of lading (vận đơn) giả của các hãng tàu AAA và Ngân Vỹ Dương (NYD) do Sương giao dịch qua điện thoại để mua của một đối tượng ở TP HCM với giá 5 triệu đồng/bộ. Sau đó Sương dùng "thủ thuật", rồi ký tên, đóng dấu để có một bộ hoàn chỉnh. Sương trực tiếp hoặc yêu cầu nhân viên của mình mang đến ngân hàng làm thủ tục chiết khấu.
Vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH XNK An Khang được khởi tố ngày 15/7/2011. Trước khi khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hồng Quân - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty, Cơ quan điều tra đã khởi tố con gái và con rể ông Quân (tức Nguyễn Thị Thu Sương cùng chồng là Hồ Thanh Bình); 3 nhân viên của công ty gồm Lê Thanh Phong, Nguyễn Cao Hoa Anh Đào, Nguyễn Văn Thuận (cùng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản); 4 cựu cán bộ Vietinbank Trà Nóc gồm Trần Thị Phương (Giám đốc), Nguyễn Hoài Phương (cán bộ tín dụng), Võ Văn Phi (Trưởng phòng Khách hàng, cùng tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng) và Trần Việt Hải (Phó giám đốc, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng).
Để được giải ngân khoản vay gần 223 tỉ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) - Chi nhánh Cần Thơ, Sương đã chỉ đạo Nguyễn Cao Hoa Anh Đào và Nguyễn Văn Thuận (đều là nhân viên của công ty), kết hợp cùng chồng Sương là Hồ Thanh Bình và Hồ Tuấn Vũ (em chồng của Sương) mở tài khoản cá nhân tại Vietcombank Cần Thơ, BIDV Cần Thơ, Navibank...; đồng thời, Sương còn lập các hợp đồng khống với nội dung Bình, Vũ, Thuận bán thủy hải sản cho Công ty An Khang để bổ sung thủ tục giải ngân tiền.
Sương chỉ đạo Đào lập ủy nhiệm chi yêu cầu Chi nhánh VDB và Chi nhánh SeABank Cần Thơ chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Bình, Thuận, Vũ để Sương rút ra chi trả nợ, lãi vay cho các cá nhân bên ngoài mà trước đó Sương vay để đáo nợ ngân hàng, một phần nhỏ được trả tiền mua cá cho Công ty An Khang.
Số tiền từ VDB Chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang chuyển cho Thuận, Vũ và Bình với tổng số tiền trên 196,167 tỉ đồng. Cho tới khi khởi tố vụ án, Công ty An Khang nợ VDB 91 tỉ đồng, SeABank gần 27 tỉ đồng.
Theo xác định của Cơ quan điều tra, Sương cùng đồng bọn đã thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng gồm Vietinbank, VDB, ABBank, SeABank với tổng số tiền trên 356 tỉ đồng.