Ông Nguyễn Văn Thức, Phó tổng giám đốc NTP khẳng định, chính sự ủng hộ và giám sát của cổ đông, giới đầu tư đã giúp Công ty luôn đi đúng đường.
Để phác thảo chân dung NTP sau chặng đường hơn 10 năm, ông sẽ nói gì?
Ông Nguyễn Văn Thức
Đến cuối năm 2004, Công ty tiến hành cổ phần hóa và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ 1/1/2005 và sau đó là niêm yết cổ phiếu trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với mã chứng khoán NTP. Cùng với uy tín và thương hiệu đã tạo dựng được trước đó, cổ phiếu của Công ty luôn rất “hot” trên sàn giao dịch chứng khoán.
Năm 2005, sản lượng của Công ty vượt 26.000 tấn, doanh thu đạt 610 tỷ đồng, tăng 90 tỷ đồng so với năm 2004. 10 năm sau đó, sản lượng của Công ty tăng 3 lần; doanh thu tăng 6,6 lần, lợi nhuận trước thuế tăng 17,2 lần, vốn điều lệ tăng gần 7 lần.
Quy mô sản xuất của Công ty cũng nhanh chóng được mở rộng ra nhiều địa phương trong nước và từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Hiện ngoài trụ sở chính tại Hải Phòng, chúng tôi có công ty con (Công ty TNHH Nhựa Thiếu niên Tiền Phong miền Trung) tại tỉnh nghệ An, Công ty liên kết (Công ty cổ phần Bao bì Tiền phong) tại Hải Phòng, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam tại tỉnh Bình Dương và Công ty liên doanh (Công ty TNHH Nhựa Tiền Phong - SMP) tại Vientan, Lào.
Công ty còn thực hiện hợp tác quốc tế với các đối tác uy tín trên thế giới như: Sekisui (Nhật Bản), Iplex (Australia).
Có thể thấy, từ sau khi niêm yết, Nhựa Tiền Phong đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Việc lên niêm yết đã tác động cụ thể ra sao đến Công ty, thưa ông?
Giai đoạn sau cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán là giai đoạn Nhựa Tiền Phong phát triển bùng nổ, để trở thành doanh nghiệp hàng đầu của ngành nhựa Việt Nam. Có thể có nhiều yếu tố tác động, giúp cho Nhựa Tiền Phong đạt được tốc độ tăng trưởng cao như vậy, song chắc chắn trong đó có sự tác động của thị trường chứng khoán.
Điều này được thể hiện qua nhiều khía cạnh như: sau khi niêm yết, hoạt động quản trị của Công ty được đổi mới, cải tiến theo các thông lệ quản trị tiên tiến; sự phân định chức năng, nhiệm vụ giữa Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát, các đơn vị chức năng được thể hiện rõ ràng trong điều lệ công ty, quy chế quản trị, quy chế phối hợp công tác. Nhờ đó, tính chủ động, năng động của các cơ quan/bộ phận được nâng cao và hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều.
Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán bắt buộc Công ty phải tuân thủ những quy định khắt khe, trong đó nghĩa vụ công bố thông tin, hướng đến công khai và minh bạch trong hoạt động. Sự giám sát của cơ quan quản lý, của thị trường, của các nhà đầu tư… đã giúp cho Công ty hoạt động theo đúng định hướng phát triển mà doanh nghiệp đã lựa chọn và công bố.
Nhựa Tiền Phong luôn chấp hành tốt các nghĩa vụ của doanh nghiệp niêm yết. Liên tục trong các năm từ 2013 đến nay, Công ty nằm trong số các doanh nghiệp được cơ quan quản lý tôn vinh là minh bạch nhất trên thị trường chứng khoán.
Việc tham gia thị trường chứng khoán cũng tạo cho Nhựa Tiền Phong những cơ hội cạnh tranh, so sánh giữa các đối thủ cùng ngành nghề, qua đó thấy được điểm mạnh, điểm yếu của mình để có biện pháp cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Trong giai đoạn suy thoái của nền kinh tế vừa qua, có nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng Nhựa Tiền Phong vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh ổn định. Điều gì đã giúp Công ty vượt qua được giai đoạn này, thưa ông?
Khi thị trường chứng khoán suy thoái, nhiều doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề là vì giai đoạn này thị trường chứng khoán chịu tác động lớn của từ phát triển bong bóng của ngành bất động sản, ngành tài chính và sự đầu tư ngoài ngành một cách tràn lan. Tuy nhiên, trong thời kỳ đó, Công ty đã duy trì được ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh và có những bước phát triển tiếp theo như khánh thành nhà máy tại Lào, Bình Dương và chuẩn bị cho việc đầu tư trụ sở và nhà máy mới tại quận Dương Kinh, Hải Phòng.
Điều này có được là nhờ Công ty luôn coi trọng sự phát triển một cách bền vững, chú trọng vào ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất các sản phẩm nhựa; đồng thời kiên định với giá trị cốt lõi mà Công ty đã dày công xây dựng, đó là: “Uy tín qua từng hành động - Chất lượng trên từng sản phẩm - Đồng hành và chia sẻ cùng đối tác - Trách nhiệm với cộng đồng”.
Mặt khác, cơ cấu cổ đông của Nhựa Tiền Phong khá ổn định, với sự nắm giữ và gắn bó lâu dài của các cổ đông: SCIC sở hữu 37,5% vốn điều lệ, Nawaplastic (Thái Lan) sở hữu 23,8% vốn điều lệ, và một số cổ đông lớn khác liên quan tới Ban lãnh đạo Công ty sở hữu khoảng 20%. Nhờ đó, tình hình của Công ty là tương đối ổn định, tạo điều kiện thực hiện các chiến lược phát triển dài hạn.
Đối với hoạt động quản trị, Công ty luôn tuân thủ nguyên tắc công khai - minh bạch. Chính điều này đã tạo ra niềm tin rất lớn đối với các cổ đông, giúp cổ đông yên tâm trong việc đầu tư lâu dài và ủng hộ các hoạt động điều hành của Ban lãnh đạo Công ty.
Đây là giai đoạn phát triển của đất nước sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII. Đặc biệt, những thông điệp của một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hướng tới các doanh nghiệp là cơ sở quan trọng giúp cho đất nước có bước phát triển kinh tế - xã hội rõ nét hơn. Mặt khác, trong điều kiện ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam nói chung và mỗi doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đều đứng trước những cơ hội và thách thức mới.
Trong giai đoạn này, Nhựa Tiền Phong tiếp tục kỳ vọng vào khả năng phát triển và đặt mục tiêu sẽ trở thành một trung tâm của ngành nhựa Việt Nam. Đồng thời, để hướng tới việc hoạt động theo mô hình tập đoàn, Nhựa Tiền Phong đã xác định cần phải tiếp tục mở rộng thị trường; đổi mới công tác tổ chức quản lý; đổi mới công nghệ, thiết bị; xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân viên không chỉ đáp ứng về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn khẳng định được bản sắc văn hóa doanh nghiệp Nhựa Tiền Phong.
Và chắc chắn trong quá trình xây dựng, phát triển của Nhựa Tiền Phong giai đoạn này, thị trường chứng khoán vẫn đóng một vai trò quan trọng như một nhân tố tương tác, hỗ trợ, đồng thời giám sát chặt chẽ sự phát triển của Công ty.
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch HĐQT CTCP NTP
Ông Nguyễn Quốc Trường, Tổng giám đốc CTCP NTP