Chia sẻ về con đường tương lai, Chủ tịch Trần Kim Liên cho biết, ước mơ của NSC là trở thành tập đoàn cung cấp các giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó giống sẽ là sản phẩm cốt lõi.
Dấu ấn 10 năm NSC
Được cổ phần năm 2003, Vinaseed (NSC) đã phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Tổng tài sản của NSC tăng 40 lần, từ 45 tỷ đồng năm 2004 lên 946 tỷ đồng năm 2014; lợi nhuận tăng 28 lần, từ 4,3 tỷ đồng năm 2004 lên 121 tỷ đồng năm 2014. NSC hiện có quy mô sản xuất gần 10.000 héc-ta/năm với sản lượng trên 25.000 tấn giống/năm.
Từ một đơn vị công nghệ lạc hậu, sau 10 năm, NSC hiện có quy mô sản xuất giống cây trồng hàng đầu Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực hạt lai. Riêng năm 2014, sản lượng sản xuất hạt lai của NSC đã đạt trên 4.000 tấn, góp phần tiết kiệm chi phí ngoại tệ nhập khẩu và chủ động về nguồn giống cho nông nghiệp Việt Nam.
NSC là Công ty đầu tiên xuất khẩu hạt giống mang thương hiệu Việt sang các nước như Lào, Campuchia, Nam Trung Quốc và hiện có kim ngạch xuất khẩu hạt giống lớn nhất Việt Nam (2 triệu USD). Đi đôi với phát triển sản xuất, Công ty tập trung đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, thực hiện công nghiệp hóa ngành giống, nâng chất lượng hạt giống đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tổng kinh phí đầu tư này và thực hiện M&A trong 10 năm qua lên tới trên 600 tỷ đồng. Mấy năm gần đây, NSC tiến hành một số thương vụ M&A trong nội ngành. Hiện Công ty sở hữu CTCP Giống cây trồng Hà Tây và CTCP Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam.
Cùng với đó, NSC là cổ đông lớn của CTCP Giống cây trồng Thái Bình và chuẩn bị nâng sở hữu cổ phần tại CTCP Giống cây trồng miền Nam lên 61%. Đây chính là tiền đề để mở rộng quy mô NSC cả chiều rộng và chiều sâu.
Điểm xuyên suốt 10 năm của NSC là tập trung nguồn lực cho đầu tư nghiên cứu để phát triển. Từ một đơn vị chỉ phát triển các sản phẩm giống cây trồng phổ thông, sản phẩm chỉ có giống lúa, đến nay NSC đã tạo được bộ sản phẩm mạnh, đa dạng và có sự khác biệt.
5 năm qua, NSC đã nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao thành công trên 30 giống mới các loại. Chủ tịch Trần Kim Liên cho biết, các loại giống mới đang dần thay thế các dòng sản phẩm phổ thông, đưa doanh thu từ sản phẩm khoa học công nghệ của NSC từ mức 0%, nay chiếm tới 52% doanh thu Công ty. Năm 2013.
NSC được công nhận là DN khoa học công nghệ đầu tiên ngành giống cây trồng Việt Nam, từ đây, Công ty được hưởng các ưu đãu thuế của Nhà nước để có nguồn tiếp tục đầu tư nghiên cứu và thử nghiệm giống mới.
Dấu ấn 10 năm đáng tự hào nhất, giúp NSC có được những thành quả trên, theo Chủ tịch NSC là đã xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ, tâm huyết và đấy ắp khát vọng cống hiến, cùng hệ thống quản trị tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế, tạo nên thương hiệu Vinaseed của Việt Nam.
Ứớc mơ NSC
Trao đổi với ĐTCK, Chủ tịch Trần Kim Liên cho biết, điều bà mong muốn nhất là NSC sẽ trở thành đơn vị hàng đầu cung cấp các giải pháp phát triển nông nghiệp, trong đó giống là sản phẩm cốt lõi. NSC chọn việc phát triển các sản phẩm chất lượng cao làm trọng, nhằm góp sức phát triển ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp cao tại Việt Nam.
Trong mảng kinh doanh cốt lõi là giống, Chủ tịch NSC đặt mục tiêu, sau khi nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Giống cây trồng miền Nam lên 61%, NSC cùng các công ty con sẽ nâng thị phần giống cây lên 30-35% trên toàn Việt Nam.
Cùng với phát triển giống, NSC đã và đang phát triển một ngành hàng mới theo chuỗi giá trị xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, với mơ ước nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, khai thác thị trường nội địa 90 triệu dân.
“Chúng tôi có thế mạnh tổ chức sản xuất, duy trì chất lượng giống sạch bệnh, để mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam sản phẩm gạo tươi, gạo sạch, an toàn, với hương vị thơm ngon truyền thống. Đây là thị trường rất tiềm năng mà các DN lúa gạo Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu”, bà Liên nói. Mục tiêu của Công ty là trong 5 năm tới, sản phẩm gạo sạch sẽ chiếm 20-25% doanh thu của NSC.
Trong chặng đường 5 năm phía trước, NSC đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 25%/năm. Trước câu hỏi thách thức lớn nhất khi xây dựng một DN ngành giống tại Việt Nam là gì, bà Liên cho biết, đó là ở quy mô của các DN Việt cũng như nguồn lực để đầu tư cho nghiên cứu, phát triển rất nhỏ bé so với nhiều nước. “DN Việt hầu như chưa sở hữu được nhiều nguồn gen tốt, nhất là trong phân khúc công nghệ cao”, bà Liên nói. Tuy nhiên, Chủ tịch NSC tin rằng, nếu Việt Nam ký Hiệp định TPP và với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp của Nhà nước, ngành nông nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi, xuất phát từ lợi thế về thổ nhưỡng, về nguồn lao động.
Chia sẻ với cổ đông, Chủ tịch NSC khẳng định, niềm tin của cổ đông luôn là động lực để NSC vươn lên. Là người đứng đầu Công ty, bà Liên cho biết, NSC đã và sẽ tiếp tục nỗ lực để mang đến những sản phẩm có ích nhất cho nông dân và người tiêu dùng Việt Nam; nỗ lực đảm bảo lợi ích của cổ đông, của nhà đầu tư bằng việc kinh doanh hiệu quả và minh bạch.