Nốt "thăng" của An Gia sau một năm niêm yết cổ phiếu AGG lên sàn HoSE

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần một năm niêm yết, cổ phiếu AGG của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia tăng 25% so với giá chào sàn, thanh khoản trung bình một quý gần đây hơn 1 triệu cổ phiếu.
An Gia vừa ra mắt tòa tháp Mekong tại dự án Westgate (Phối cảnh: An Gia) An Gia vừa ra mắt tòa tháp Mekong tại dự án Westgate (Phối cảnh: An Gia)

Chọn lối đi khác biệt

Ngay đầu năm 2020, khi thị trường bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn bởi nhiều yếu tố thì ban lãnh đạo CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia lại quyết định niêm yết 75 triệu cổ phiếu AGG lên HoSE. Điều này khiến không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi về khả năng tăng trưởng của An Gia trong tương lai.

75 triệu cổ phiếu AGG lên sàn HoSE từ ngày 9/1/2020 (Ảnh: An Gia)

75 triệu cổ phiếu AGG lên sàn HoSE từ ngày 9/1/2020 (Ảnh: An Gia)

Vào thời điểm đó, An Gia là doanh nghiệp đầu tiên chào sàn trong năm mới 2020, đúng ngày 9/1. Giá tham chiếu ngày đầu giao dịch là 25.000 đồng/cp, ứng với mức vốn hóa khoảng 1.900 tỷ đồng, tương đương một số doanh nghiệp tầm trung có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường.

Đáp lại câu hỏi của nhà đầu tư, ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc An Gia khi đó chia sẻ đại ý rằng ban lãnh đạo công ty luôn biết cách và luôn có giải pháp để vượt qua những giai đoạn khó khăn của thị trường. Vậy nên, niêm yết cổ phiếu AGG giữa lúc thị trường bất động sản được dự báo ảm đạm cũng không khác gì chọn cách "bán kem trong mùa đông", không gì là không thể làm được.

Theo ông Sáng, khó khăn của thị trường chỉ là yếu tố ngoại cảnh tạm thời, điều cốt yếu là nội lực của An Gia.

Sau một năm cổ phiếu AGG niêm yết, thị trường đã có cơ hội kiểm chứng câu trả lời từ vị Chủ tịch 8X này.

Giá cổ phiếu AGG trong năm qua có lúc đạt đỉnh lên mức 31.200 đồng/cp, tăng 25% so với giá chào sàn. Chốt phiên giao dịch ngày 11/11, thị giá cổ phiếu là 30.850 đồng/cp, tương đương mức vốn hóa hơn 2.500 tỷ đồng. Thanh khoản trung bình trong quý IV/2020, thanh khoản luôn đạt hơn 1 triệu cổ phiếu/ngày.

Đi cùng sự tăng trưởng về giá cổ phiếu, An Gia dự kiến doanh thu năm 2020 gấp gần 5 lần năm trước, đạt khoảng 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 25% đạt 410 tỷ đồng.

Giả định trên số liệu này, An Gia có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về doanh thu là 36% còn lợi nhuận là 278% giai đoạn 2016 – 2020. Các chỉ số ROE, EPS của An Gia tạm tính cho năm 2020 đều cao hơn trung bình ngành, trong đó ROE đạt 19% (trung bình ngành 16%) và EPS đạt 4.999 đồng (trung bình ngành 3.872 đồng), theo công ty chứng khoán Yuanta.

Trong khi đó, PE của An Gia tạm tính theo mức giá 30.000 đồng/cp lại chỉ là 6 lần, thấp hơn nhiều so với con số 18 lần của ngành. Đại diện ban lãnh đạo công ty nhìn nhận đây chính là tiềm năng tăng giá của cổ phiếu AGG trong tương lai, khi PE đang thấp hơn nhiều so với ngành.

Tiềm năng tăng trưởng từ quỹ đất và các dự án hiện hữu

Thị trường bất động sản TP.HCM ngoài việc gặp khó khăn về pháp lý từ cuối năm 2018 thì còn phải chống chịu với dịch Covid-19. Tuy nhiên, như chính tinh thần của vị thuyền trưởng, An Gia luôn biết cách vượt qua khó khăn và khiến mình trở nên khác biệt.

Coi việc mở rộng quỹ đất là chiến lược xuyên suốt, An Gia không ngừng tìm kiếm các cơ hội, thực hiện M&A, ưu tiên đất sạch, có pháp lý rõ ràng, thời gian triển khai nhanh. Gần đây nhất, công ty cho biết, đang đàm phán mua 30-50 ha để phát triển các dự án thấp tầng và một dự án 3.000 sản phẩm tại Bình Dương từ các đối tác lâu năm, đã từng bán dự án cho An Gia.

An Gia vừa ra mắt tòa tháp Mekong tại dự án Westgate (Ảnh phối cảnh - Nguồn: An Gia)

An Gia vừa ra mắt tòa tháp Mekong tại dự án Westgate (Ảnh phối cảnh - Nguồn: An Gia)

An Gia cũng liên tiếp bàn giao, giới thiệu, ra mắt dự án mới. Tính đến 26/11/2020, An Gia đã ra mắt thành công 3.933 sản phẩm tại nhiều dự án như River Panorama 1 – 2, Sky89 (quận 7, TP.HCM), The Sóng (TP.Vũng Tàu), Westgate đợt 1 - 2 (Bình Chánh, TP.HCM) và The Standard (Bình Dương) đợt 1.

Trong tháng 12/2020, công ty đã bàn giao các sản phẩm tại dự án River Panorama 1 – 2 cho khách hàng. Cũng trong tháng này, dự án Sky89 đã chính thức được cất nóc và dự kiến sẵn sàng bàn giao trong quý III/2021 như cam kết với các khách hàng. Đối với hoạt động giới thiệu dự án, các dự án như Westgate hay The Standard khi giới thiệu ra thị trường đều ghi nhận trên 90% khách hàng quan tâm. Con số này cao hơn mức bình quân của thị trường TP.HCM trong quý III là 75%, theo ghi nhận từ Hội môi giới Bất động sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch HĐQT khẳng định, điểm đặc trưng trong các dự án của An Gia là vị trí tốt, thiết kế đẹp, giá trung cấp nhưng chất lượng tiệm cận cao cấp, cùng tiềm năng tăng giá luôn cao hơn 15 - 20% so với khu vực xung quanh.

Bằng tinh thần làm sản phẩm như vậy, giai đoạn 2021 – 2024, An Gia dự kiến lần lượt bàn giao khoảng 4.523 sản phẩm từ các dự án Sky89, The Sóng, The Standard và Westgate. Trong đó, Sky89, The Sóng và The Standard dự kiến bàn giao trong giai đoạn 2021 - 2022, làm cơ sở để An Gia đảm bảo lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 500 tỷ đồng và 690 tỷ đồng.

Tính chung giai đoạn 2021 – 2025, An Gia dự kiến tổng doanh thu đạt 50.210 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến thu về hơn 6.650 tỷ đồng. Khoảng 27.600 sản phẩm mới có kế hoạch được ra mắt thị trường từ các quỹ đất hiện hữu tại các khu vực như TP.HCM, Bình Dương, Long An và sẽ lần lượt bàn giao từ 2023.

Những con số ấn tượng này mở ra một hành trình mới của An Gia trên con đường kiên định mục tiêu trở thành nhà phát triển các khu phức hợp quy mô lớn hơn tại các tỉnh, thành lân cận TP.HCM và là nhà phát triển đô thị trong 5 năm tới.

Kim Quân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục