Tại Hội nghị trao đổi về thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thư tín dụng (L/C) do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức sáng nay (23/3), đại diện các ngân hàng đều cho rằng, quy định của Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính tại Công văn số 1606/TCT-DNL đang mâu thuẫn và không thống nhất với chính nội dung Công văn 11754/BTC-CST của Bộ Tài chính; đồng thời không phù hợp quy định pháp luật ngân hàng, thông lệ quốc tế và bản chất của nghiệp vụ L/C, gây khó khăn cho hoạt động ngân hàng.
Trong phần chia sẻ từ các đại diện đến từ ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Sacombank, Techcombank, VIB, OCB, SCB, SHB… đều chung quan điểm, do bản chất thuế GTGT là thuế gián thu, nên việc “hồi tố”, truy thu thuế GTGT đối với dịch vụ L/C trong 10 năm qua là hoàn toàn không khả thi và bất hợp lý, tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn đối với các tổ chức tín dụng và khách hàng doanh nghiệp.
Đại diện OCB cho rằng, các tổ chức tín dụng sẽ gặp khó khăn rất lớn trong bối cảnh các tổ chức tín dụng đã thực hiện công bố báo cáo tài chính và đã được kiểm toán, quyết toán thuế, chia cổ tức cho cổ đông.
Đối với doanh nghiệp, trường hợp phải nộp bổ sung số thuế đã phát sinh từ năm 2011 đến nay, thì tổ chức tín dụng phải liên hệ và thu lại từ khách hàng. Điều này sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp nhất là hiện nay nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì dịch Covid -19.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam điều hành Hội nghị. |
“Thêm vào đó, với khoảng thời gian 10 năm (từ năm 2011 đến nay) đã có rất nhiều thay đổi, có thể có nhiều khách hàng không còn quan hệ giao dịch với tổ chức tín dụng hoặc đã giải thể/phá sản/không còn tồn tại, nên tổ chức tín dụng không thể thu thuế bổ sung được từ khách hàng”, đại diện Agribank cho biết.
Bên cạnh đó, trong trường hợp các tổ chức tín dụng thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT bổ sung theo Công văn 1660/TCT-DNL, tổ chức tín dụng sẽ phải hao tốn rất nhiều thời gian, công sức, cũng như nguồn lực cho việc rà soát, sao kê, bóc tách, tính toán và tổng hợp số liệu với nguồn dữ liệu rất lớn từ năm 2011 đến năm 2020 và số thuế phạt chậm nộp tương ứng rất lớn mà nguyên nhân không phải là do các tổ chức tín dụng không tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan Thuế.
“Việc truy thu thuế là không cần thiết nhưng nếu được tiến hành thực sự là điều oan ức cho các tổ chức tín dụng”, đại diện SCB chia sẻ.
Đại diện các ngân hàng cũng nhấn mạnh về một nguyên tắc cơ bản của thuế GTGT là khi các tổ chức tín dụng kê khai và nộp thuế GTGT đầu ra, các khách hàng doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhập khẩu) sẽ được kê khai và khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng. Không ít trong số các doanh nghiệp này được hoàn thuế GTGT.
Như vậy, triển khai thu thuế GTGT đối với các nghiệp vụ L/C từ năm 2011 đến nay sẽ làm tăng gánh nặng về hành chính cho cả các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và cơ quan thuế, hệ thống kho bạc trên toàn quốc, nhưng thu ngân sách nhà nước không tăng (một bên phải nộp và bên kia thì khấu trừ toàn bộ).
Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Xuân, Phó trưởng Ban Pháp luật và Nghiệp vụ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, sau khi xác định được các loại phí hoạt động thư tín dụng thuộc/không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT đối với các L/C phát sinh từ năm 2011, khi thực hiện truy thu thuế GTGT để nộp vào ngân sách nhà nước, tổ chức tín dụng sẽ gặp khó khăn trong việc phát hành hóa đơn điều chỉnh thuế GTGT, điều chỉnh lại về số liệu đã kê khai, nộp thuế, khấu trừ thuế…
"Điều này dẫn đến việc ảnh hưởng đến báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong năm tài khóa trước đây của tổ chức tín dụng, cũng như tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh, các chỉ số an toàn, giá cổ phiếu, cổ tức đã chia cho cổ đông…", bà Xuân nói.
Ngoài ra, tổ chức tín dụng nộp bổ sung thuế GTGT vào ngân sách nhà nước còn có thể phát sinh tiền chậm nộp (nếu tính từ năm 2011 đến 2021 thì số tiền chậm nộp có thể còn lớn hơn cả số tiền thuế). Đây là một sự kiện bất cập và bất công lớn đối với các ngân hàng nếu phải áp dụng hồi tố.
“Đề nghị không áp dụng biện pháp hồi tố”, đại diện Sacombank nói.
Luật thuế GTGT và Công văn hướng dẫn về thuế GTGT trước đây đều không đề cập đến việc thu thuế GTGT cho nghiệp vụ L/C. Đến năm 2010, các ngân hàng đã có cuộc họp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước về việc thu thuế GTGT cho nghiệp vụ L/C, Bộ Tài chính cũng đã khẳng định là nghiệp vụ L/C có cam kết bảo lãnh của ngân hàng không chịu thuế GTGT và đã ban hành Công văn 11754/BTC-CST ngày 6/9/2010 để hướng dẫn vấn đề này như sau:
“Thư tín dụng (L/C) là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế, thực chất là một cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành (ngân hàng phục vụ người mua), bảo đảm là người mua sẽ thanh toán tiền mua hàng hóa cho người bán khi các điều kiện quy định trong thư tín dụng được thực hiện đúng và đầy đủ. Nếu người mua không thanh toán đúng hạn, ngân hàng phát hành thực hiện cho vay bắt buộc đối với người mua để thanh toán cho người bán. Vì vậy, các khoản thu về phát hành, xác nhận, thông báo thư tín dụng là khoản thu bảo lãnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT”.
Tuy nhiên, ngày 22/4/2020, Tổng Cục thuế có Văn bản số 1606/TCT-DNL chỉ đạo các cục thuế địa phương: từ thời điểm Luật Các TCTD 2010 có hiệu lực (từ 1/1/2011) thư tín dụng là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán (theo quy định tại Khoản 15, Điều 4, Luật Các TCTD 2010), do vậy sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định, nên đề nghị các cục thuế rà soát hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn có hoạt động này thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT. Theo đó, toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ thư tín dụng, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không có cam kết bảo lãnh đều phải chịu thuế GTGT kể từ ngày 1/1/2011.