Thách thức ở thị trường chủ lực
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 21,15 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông sản đóng góp 11,6 tỷ USD; lâm sản đóng góp 5,56 tỷ USD; thủy sản đóng góp gần 3,1 tỷ USD.
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Các thị trường này đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, gây áp lực lớn lên doanh nghiệp xuất khẩu.
Chia sẻ tại Hội nghị giao ban công tác tháng 4, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 và quý II/2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho hay, dù đạt nhiều kết quả tích cực, song không thể chủ quan, bởi tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cạnh tranh thương mại và biến động thị trường.
Một ví dụ rõ nét là mặt hàng sầu riêng, từng đạt kim ngạch 3,2 tỷ USD trong năm 2024, nhưng đang có dấu hiệu chững lại. Qua 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng mới chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch năm 2025. Nguyên nhân chủ yếu đến từ vướng mắc trong kiểm định và kiểm soát chất lượng của thị trường Trung Quốc.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sau 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả mới đạt 1,6 tỷ USD. Ngay cả khi vướng mắc trong xuất khẩu sầu riêng được tháo gỡ, mục tiêu kim ngạch 8 tỷ USD cho năm 2025 cũng khó đạt được.
Trong khi đó, mặt hàng gạo dù đạt kim ngạch xuất khẩu 1,75 tỷ USD, nhưng lại giảm tới 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu cho thấy, xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn, dù nhu cầu lương thực toàn cầu còn nhiều tiềm năng.
Ngành cà phê cũng chịu áp lực ngày càng lớn từ thị trường EU. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, Quy định Chống phá rừng (EUDR) mới của EU đang tạo ra rào cản kỹ thuật lớn hơn cả chính sách thuế quan của Mỹ.
“Các yêu cầu của EUDR buộc doanh nghiệp phải thay đổi toàn diện hệ thống truy xuất nguồn gốc; nâng cấp quy trình để kiểm soát chặt đầu vào, đầu ra; phải làm việc lại với hàng ngàn nông hộ để điều chỉnh hoạt động sản xuất. Những thay đổi này cần nguồn ngân sách đầu tư rất lớn, nếu không, doanh nghiệp khó giữ được thị trường”, ông Thông chia sẻ.
Trước sức ép ngày càng lớn từ các thị trường chủ lực, việc chỉ tập trung duy trì thị phần là chưa đủ. Nhiều doanh nghiệp đã và đang chọn cách tiếp cận chủ động hơn, đó là mở rộng thị trường, đa dạng hóa bạn hàng, kết hợp đầu tư công nghệ và truy xuất minh bạch để tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn.
Mở rộng thị trường mới
Dù xuất khẩu nông sản có phần sụt giảm trong những tháng đầu năm, nhưng bức tranh tổng thể vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng, cho thấy dư địa tăng trưởng còn rất lớn.
Chia sẻ về chiến lược vượt khó, ông Phan Minh Thông nhấn mạnh: “Thay vì lo lắng, hãy bằng mọi cách tìm đơn hàng, hãy tỏa đi khắp nơi tìm thị trường. Năm 2024, Phúc Sinh xuất khẩu tổng cộng 30 tấn tiêu đi 102 thị trường. Không chỉ có Mỹ là thị trường lớn, mà còn có Brazil, EU… Bước sang năm 2025, chúng tôi vẫn tiếp tục giữ ổn định các thị trường truyền thống, đồng thời tích cực mở rộng và tìm kiếm đối tác mới”.
Cánh cửa cho nông sản Việt Nam ra thế giới ngày một rộng mở, song quan trọng là doanh nghiệp và nhà sản xuất phải nắm chắc các tiêu chí và quy định để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tập trung vào những mặt hàng đã được ký nghị định thư để tối ưu cơ hội và giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu.
Ông Chu Hồng Châu, Phó giám đốc Công ty TNHH DT-Pro chia sẻ: “Trước những tác động từ chiến tranh, biến động từ nền kinh tế toàn cầu, chi phí logistics gia tăng…, chúng tôi tăng đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng, đồng thời bảo quản nông sản lâu hơn, giảm giá đầu vào để giữ giá thành phẩm tốt nhất. Trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ đang là xu hướng mới, không chỉ riêng ở thị trường Mỹ, do đó, chúng tôi tích cực mở rộng thị trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á… để giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu”.
Ứng dụng công nghệ để nâng giá trị sản phẩm đang là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thùy, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư phát triển ICED Group cho biết, toàn bộ vùng trồng của doanh nghiệp đã được gắn vào hệ thống dữ liệu thông qua nền tảng IoT, nhờ đó, có thể dự đoán sản lượng và chăm sóc cây trồng khoa học hơn.
“Chúng tôi đang hướng tới mở rộng xuất khẩu sang Trung Đông, Đông Nam Á, đồng thời phát triển mạnh thị trường nội địa”, bà Thùy chia sẻ, đồng thời khẳng định, đây là một trong những nỗ lực nhằm ổn định đơn hàng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.