Nông sản Việt và bài toán chuẩn hóa sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
Không ít nhà máy chế biến rau quả đã hoàn tất xây dựng, đưa vào hoạt động, nhưng công suất chế biến chỉ đạt 35-40%, nguyên liệu đưa vào chế biến nhiều thời điểm cũng không đạt chất lượng.
Chế biến dứa hộp xuất khẩu tại Doveco Chế biến dứa hộp xuất khẩu tại Doveco

Công suất rất thấp

Năng lực sản xuất rau quả hàng năm của Việt Nam đạt 28 triệu tấn, trong khi năng lực chế biến mới đạt 30%, đầu ra của phần lớn nông sản đều phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc theo đường xuất khẩu tiểu ngạch, nên chịu thiệt hại cực lớn mỗi khi thị trường này siết nhập khẩu.

Nhưng ngay cả khi có nhà máy chế biến rồi, không phải lúc nào cũng đủ nguyên liệu để chạy tối đa công suất, do quy hoạch vùng nguyên liệu chưa sát, hoặc nguyên liệu có, nhưng không đạt chuẩn, nhà máy không thể thu mua. Bài toán giải cứu tiêu thụ nông sản đã lặp đi lặp lại nhiều trong những năm qua.

Sở hữu 3 nhà máy chế biến rau quả lớn, những ngày này, Công ty cổ phần Nafoods đều chung tay xử lý việc ùn ứ ở cửa khẩu, với năng lực thu mua mỗi ngày 500-600 tấn thanh long, xoài để đưa vào chế biến. Tuy nhiên, lãnh đạo Nafoods thừa nhận, sản lượng nguyên liệu nhiều thì nhà máy chế biến rất mừng, nhưng chất lượng hàng hóa chưa đồng đều, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản còn lớn.

“Với những lô hàng này sau chế biến, chúng tôi vẫn đang tích cực xử lý, hoặc đưa vào thị trường dễ tính”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Nafoods cho biết.

Theo ông Hùng, đã đến lúc đặt ra hồi chuông cảnh tỉnh về vùng trồng. “Tất cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nông dân cần thay đổi. Cần truyền thông để thay đổi tư duy của người nông dân về số hóa, sản xuất an toàn”.

Cần đào tạo, tuyên tuyền, thay đổi nhận thức cho người nông dân. Khi người nông dân sản xuất được những sản phẩm đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn theo yêu cầu của các thị trường thì các doanh nghiệp mới có thể tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) thông tin, sản lượng cây ăn quả ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm hơn 50% tổng sản lượng phía Nam. Khu vực này còn ít cơ sở chế biến và chủ yếu xuất khẩu ở dạng quả tươi. Trái cây của Việt Nam hiện thiếu đồng đều cả về chất lượng lẫn kích thước.

Mấu chốt để hàng hóa nông sản có thể bán được vào nhiều thị trường thì tiêu chuẩn phải đạt, yêu cầu này cũng đặt ra tương tự khi nhà vườn cung cấp nguyên liệu đầu cho các nhà máy chế biến.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản lưu ý, quan điểm về hoa quả chế biến dùng nguyên liệu không chuẩn là rất sai lầm. Nguyên liệu phải chuẩn thì chất lượng chế biến mới ngon. Các doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu hoa quả chế biến như Doveco, Nafoods… chế biến nhiều loại quả sấy khô, sấy dẻo, đều yêu cầu cao về mặt đầu vào.

Thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2019, xuất khẩu nông sản thô là 90%. Đến năm 2020-2021, xuất khẩu qua chế biến là 30%. Đó là bước tiến đáng kể, nhưng theo ông Toản, tỷ lệ này cần đẩy cao hơn nữa để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Đặc biệt, xu hướng giới trẻ Trung Quốc đang gia tăng dùng sản phẩm sấy khô, sấy dẻo, là “mảnh đất màu mỡ” cho các doanh nghiệp đi đúng hướng.

Theo kế hoạch, trong năm 2022, Nafoods đầu tư mở rộng liên tục tại các địa phương có vùng sản xuất lớn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Nafoods đang chuẩn bị đầu tư 1.000 tỷ đồng để mở rộng đầu tư nhà máy giai đoạn II ở Long An; tiến hành khởi công ở Pleiku một nhà máy đóng gói, chế biến trái cây, đặc biệt là chanh leo tại Tây Nguyên. Tại Tây Ninh, Nafoods đang cùng tỉnh này quy hoạch khu công nghệ cao 1.800 ha.

Thành quả từ chuẩn hóa sản xuất, chế biến

Bà Đinh Thị Thu Hương, Giám đốc bán hàng Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết, ngay cả trong thời điểm nhiều doanh nghiệp lao đao vì tắc biên sang Trung Quốc, thì Doveco vẫn xuất khẩu trái cây tươi và chế biến sang Trung Quốc đều đặn, 100% hàng xuất đều theo đường chính ngạch.

“Doveco xuất khẩu đi Trung Quốc sản lượng rất lớn và toàn xuất chính ngạch nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi các rào cản kỹ thuật. Trong khó khăn vì đại dịch của năm 2021, nhưng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2021 sang thị trường này tăng 21%, do doanh nghiệp không ngừng đa dạng hóa sản phẩm”, bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, để làm ăn lâu dài với bất kỳ thị trường nào, phải giải quyết được bài toán chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu từ nhà nhập khẩu.

Ông Nguyễn Công Luận, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) đánh giá, chuẩn hóa khâu sản xuất hàng hóa là con đường duy nhất để đương đầu với những rào cản mà thị trường nhập khẩu đặt ra. “Hiện nay, chúng ta vẫn đang tập trung giải quyết phần ngọn của vấn đề trong sản xuất, xuất khẩu nông sản, trong khi phần gốc là cần giải quyết được vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”, ông Luận nêu thực trạng.

“Để làm được điều đó, cần đào tạo, tuyên tuyền, thay đổi nhận thức cho người nông dân. Khi người nông dân sản xuất được những sản phẩm đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn theo yêu cầu của các thị trường thì các doanh nghiệp mới có thể tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi”, đại diện Antesco đưa ra ý kiến.

Khi đã chuẩn hóa sản xuất, chế biến, doanh nghiệp có cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, vượt qua được rào cản kỹ thuật, có đơn hàng ổn định, giá cao. Ngoài ra, việc quản trị chất lượng từ gốc là yếu tố sống còn, để nếu hàng hóa bị ùn tắc trong xuất khẩu có thể lập tức đưa trở lại nhà máy chế biến.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục