Thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho thấy trong 11 tháng của năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, cán cân thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam đạt thặng dư 16,46 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 29,78 tỷ USD, tăng 23,2%; giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 475,5 triệu USD, tăng 4,4%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,8%; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 15,59 tỷ USD, tăng 19,6%.
Hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, các sản phẩm trong nhóm ngành tỷ USD đã lập kỷ lục lịch sử, vượt qua cột mốc xuất khẩu của cả năm 2023.
|
Đồ họa: Nhung Bùi |
Rau quả và gạo giữ vững vị thế
Trong nhóm nông sản tỷ USD, rau quả vẫn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 ước đạt 500 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Với số liệu chi tiết cập nhật đến hết tháng 10/2024, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 66,5% thị phần, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023. Hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc có thị phần lần lượt là 4,7% và 4,3%.
Giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng ở 14 trong tổng số 15 thị trường xuất khẩu chính, với mức tăng mạnh nhất tại thị trường Đức (73,6%). Hà Lan là thị trường quan trọng duy nhất có giá trị xuất khẩu giảm với mức giảm là 26%.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 11/2024, sầu riêng Tây Nguyên vào cuối vụ thuận, trong khi sầu riêng các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ vào vụ nghịch. Hiện tại, sầu riêng đã chuyển sang thu hoạch vụ nghịch tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đây chính là thời điểm cả thế giới gần như chỉ Việt Nam còn sầu riêng thu hoạch, trong khi vụ chính của Thái Lan rơi vào các tháng giữa năm. Do đó, từ tháng 10 năm nay kéo dài cho đến tháng 2 năm sau. Việt Nam gần như độc quyền xuất khẩu loại trái cây này vào thị trường Trung Quốc.
Tương tự ngành rau quả, ngành gạo tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Giá trị xuất khẩu gạo trong 11 tháng của năm 2024 đạt gần 8,5 triệu tấn và 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá gạo xuất khẩu bình ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023.
“Vàng nâu, vàng đen” giảm lượng, tăng giá
Trong nhóm nông sản tỷ USD, cà phê, loại hạt được mệnh danh là “vàng nâu”, tuy giảm khối lượng xuất khẩu nhưng lại tăng mạnh về giá trị.
Xuất khẩu cà phê trong 11 tháng của năm 2024 đạt gần 1,2 triệu tấn và 4,84 tỷ USD, giảm 15,4% về khối lượng nhưng tăng 32,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng trưởng ở tất cả các thị trường chủ đạo, trong đó tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia (tăng 2,2 lần) và Philippines (tăng 2,1 lần).
Giá cà phê xuất khẩu bình quân ước đạt 4.037 USD/tấn, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam nhận định giá cà phê tăng cao do cung vẫn thấp hơn nguồn cầu Tuy nhiên giá cà phê biến động như thế nào trong giai đoạn sắp tới còn tùy thuộc vào phán quyết cuối cùng của châu Âu về việc có áp dụng quy định chống phá rừng (EUDR) từ ngày 30/12/2024 hay hoãn 12 tháng như các đề xuất trước đó.
Một mặt hàng nông sản khác tuy giảm lượng xuất khẩu nhưng vẫn tăng trưởng tốt, đó là vàng đen “hồ tiêu”.
Theo đó, giá trị xuất khẩu hạt tiêu 11 tháng của năm 2024 đạt 234,7 nghìn tấn và 1,22 tỷ USD, giảm 4,4% về khối lượng nhưng tăng 46,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân ước đạt 5.198 USD/tấn, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhận định năm nay, giá tiêu tăng mạnh nhờ các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Ngược lại, thị trường quan trọng là Trung Quốc lại giảm mua. Bà Liên cũng kỳ vọng trong năm 2025 Trung Quốc sẽ quay lại thị trường, giúp giá tiêu duy trì mức cao như hiện tại.