Nhanh chóng rời sàn niêm yết
Ngày 20/7/2021, cổ phiếu HKB phải rời sàn HNX sau 6 năm niêm yết tại đây. Hakinvest là doanh nghiệp kinh doanh nông sản (tiêu, sắn, ngô, gạo); sản xuất các sản phẩm cà phê, chè; chế biến và kinh doanh nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi..., được thành lập vào năm 2009.
Thời điểm đưa cổ phiếu lên sàn, Hakinvest đã chia sẻ về chiến lược phát triển lâu dài và bền vững với ngành nông nghiệp.
Theo đó, “Công ty định hướng trong giai đoạn 10 năm đầu phát triển (2010 - 2020), tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ở ba khâu chính là phát triển thị trường - đầu tư vào hệ thống nhà máy, kho bãi và công nghệ chế biến - phát triển vùng nguyên liệu thông qua các dự án trồng trọt. Từ năm 2020 trở đi, Công ty sẽ tham gia vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, đồng thời phát triển hệ thống phân phối nông sản và thực phẩm chuyên biệt (HKB Food Mart).
Cùng với kế hoạch từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông nghiệp, Hakinvest cũng cho biết đã xây dựng được mạng lưới nhà cung cấp uy tín và đối tác xuất khẩu rộng khắp và nhiều nhà máy chế biến nông sản, kho hàng.
Tuy vậy, chỉ năm thứ hai sau khi lên sàn (2016) Công ty báo cáo kết quả kinh doanh tích cực với 71,52 tỷ đồng lãi sau thuế. Các năm sau đó, Công ty liên tục thua lỗ, năm 2017 lỗ 67,3 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 142,7 tỷ đồng.
Năm 2019, Công ty báo lãi nhẹ 1,88 tỷ đồng, nhưng sang năm 2020 lại lỗ 64,5 tỷ đồng. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, Công ty ghi nhận khoản lỗ 29,8 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 241 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán độc lập là Công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam đã từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính hai năm 2019 và 2020 của Hakinvest. Đây chính là lý do ngày 20/7/2021, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ra quyết định huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HKB.
Kinh doanh thua lỗ, kém minh bạch
Sau khi bị huỷ niêm yết trên HNX, cổ phiếu HKB được chuyển sang giao dịch trên UPCoM kể từ ngày 28/7/2021, với giá tham chiếu là 800 đồng/cổ phiếu.
Thanh khoản của cổ phiếu này sẽ tiếp tục là vấn đề mà cổ đông, nhà đầu tư cổ phiếu HKB phải đối mặt tới đây.
Bởi lẽ, ngoài lý do sàn UPCoM thường kém sức hút với dòng tiền hơn so với hai sàn niêm yết chính thức thì vấn đề cốt lõi là có rất nhiều vấn đề trong sức khoẻ tài chính cũng như chất lượng quản trị của doanh nghiệp.
Trở lại với việc báo cáo tài chính tổng hợp hai năm gần đây của Hakinvest bị từ chối đưa ý kiến, các căn cứ đơn vị kiểm toán đưa ra đều tương đồng. Có nghĩa là, các vấn đề trên báo cáo tài chính năm 2019 của Hakinvest đã không được khắc phục trong kỳ báo cáo tài chính năm 2020.
Khoản đầu tư vào hai công ty con có tổng giá trị 434 tỷ đồng, tương đương 74,15% tổng tài sản của Hakinvest tại thời điểm cuối năm 2020 không phát sinh doanh thu giai đoạn 2018 - 2020.
Thứ nhất, khoản đầu tư vào hai công ty con là Công ty cổ phần Lumex Việt Nam và Công ty cổ phần Nông nghiệp Gia Lai theo Nghị quyết Hội đồng cổ đông năm 2016 có tổng giá trị 434 tỷ đồng, tương ứng 73,66% tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2019 và tương ứng 74,15% tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2020) không phát sinh doanh thu từ năm 2018, CPA Việt Nam đã thực hiện các thủ tục kiểm toán nhưng vẫn không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng hợp lý về khả năng thu hồi của khoản đầu tư này, do đó, không thể đưa ra ý kiến về khả năng thu hồi của khoản đầu tư này cũng như ảnh hưởng đến báo cáo tài chính.
Thứ hai là việc thiếu hàng tồn kho hơn 1,7 tỷ đồng và “Công ty chưa xác định được nguyên nhân thiếu hàng tồn kho”.
Thứ ba, liên quan đến khoản tạm ứng của ông Nguyễn Chí Đặng trị giá hơn 4 tỷ đồng, phát sinh từ năm 2016, đơn vị kiểm toán chưa thu thập được thư xác nhận, nên “không thể đưa ra ý kiến về tính hiện hữu, đúng đắn, đầy đủ cũng như khả năng thu hồi của khoản tạm ứng này”.
Thứ tư, các khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn tại thời điểm cuối năm tài chính (2019 và 2020), cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Trong văn bản giải trình về việc bị huỷ niêm yết bắt buộc, được công bố ngày 20/7/2021, Hakinvest chỉ cho biết: “Hiện Ban lãnh đạo Công ty đang phối hợp với các bộ phận liên quan để đối chiếu chứng từ công nợ tạm ứng của ông Phạm Thanh Bình và ông Nguyễn Chí Đặng và xác định nguyên nhân đối với khoản hàng tồn kho bị thiếu hụt. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thuận tiện cho việc tiếp xúc và phối hợp trực tiếp giữa những người liên quan. Sau khi tình hình dịch được khống chế, Công ty sẽ làm việc để xử lý những tồn tại trên”.
Với việc thua lỗ hơn 29 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, theo giải trình của Hakinvest, Công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu và sắp xếp lại nguồn vốn tín dụng với các ngân hàng nên chưa đáp ứng đủ nguồn vốn ngắn hạn để phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nguyên nhân này cũng được dùng để lý giải cho việc thua lỗ vào năm 2020.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2020 (tổ chức vào cuối tháng 10/2020), cổ đông của Hakinvest từng bức xúc trước sự thiếu minh bạch của lãnh đạo Công ty.
Theo đó, một cổ đông cho rằng, “báo cáo của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc về kết quả kinh doanh quá sơ sài, đề nghị Ban điều hành phải làm rõ được nguyên nhân kết quả kinh doanh yếu kém liên tục trong nhiều năm qua và phải đưa vào báo cáo tại đại hội cho cổ đông được biết”.
Cổ đông này cũng đề nghị Ban điều hành cung cấp số liệu doanh thu đến thời điểm 30/10/2020, số nhân sự làm việc trong Công ty và Công ty đã làm được những gì trong năm 2020.
Đến thời điểm này, Hakinvest chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2021. Công ty cũng chưa công bố báo cáo thường niên năm 2020, báo cáo quản trị 6 tháng năm 2021. Một chi tiết đáng chú ý là đến nay, ông Dương Quang Lư, Chủ tịch Hội đồng quản trị vẫn kiêm vị trí Tổng giám đốc Công ty, vi phạm quy định về quản trị công ty tại công ty đại chúng.
Từng xây dựng mục tiêu rất tham vọng, “phấn đấu trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp vào năm 2025, một doanh nghiệp nông nghiệp tầm cỡ của khu vực vào năm 2030”, nhưng những gì Hakinvest thể hiện khiến nhiều nhà đầu thất vọng.
Thực tế cho thấy, chỉ trong vòng hơn 1 năm trước khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, Hakinvest đã tăng vốn gấp hơn 4 lần. Trong vòng hơn ba năm trên sàn, Công ty đã tăng vốn gấp hơn 2,5 lần, từ 200 tỷ đồng lên 515,99 tỷ đồng.
Cổ phiếu này đã tăng mạnh từ vùng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) lên 30.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2016, giai đoạn Công ty báo lãi tốt.
Tuy nhiên, sau đó, cùng với việc thua lỗ và kém minh bạch của doanh nghiệp, giá cổ phiếu HKB lao dốc dần và nằm quanh mốc 1.000 đồng/cổ phiếu trong vài năm nay. Hơn một năm vừa qua, dù nhiều cổ phiếu thị giá thấp có mức tăng mạnh, nhưng giá cổ phiếu HKB chỉ loanh quanh trong khoảng 500 - 800 đồng/cổ phiếu và từ tháng 11/2020 tới nay hoàn toàn không có giao dịch.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong 6 tháng cuối năm, cơ quan này sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động huy động vốn và việc sử dụng vốn huy động trên thị trường chứng khoán, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tăng vốn ảo và sử dụng vốn sai mục đích; tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên; thực hiện kiểm tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch sau khi cổ phần hóa.