Nông nghiệp sạch cho du lịch đẳng cấp
Khi ông Nguyễn Thắng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) lắp đặt nhà kính cùng các thiết bị trồng rau, quả công nghệ cao ở Khu công nghệ cao tại xã Hòa Ninh, bà con ai cũng ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì thấy ông Thắng làm mái nhà cho cây trồng và đầu tư vốn quá lớn so với việc sản xuất nông nghiệp tại một xã miền núi (3,57 tỷ đồng, trong đó, huyện Hòa Vang hỗ trợ 1,4 tỷ đồng).
Trao Chứng nhận đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Những ngạc nhiên ấy từng ngày qua đi đã nhường chỗ cho sự thán phục lớn lên cùng những luống dưa lưới Hà Lan vàng ươm trĩu quả. “Mỗi ngày, cơ sở cung ứng cho người tiêu dùng tại Đà Nẵng hàng tạ rau, quả sạch các loại…”, ông Thắng cho biết.
Không những vậy, ông Thắng đã liên kết với 7 nhà vườn để thành lập hợp tác xã rau, hoa, củ, quả.
“Thổ nhưỡng địa phương rất thích hợp để trồng dưa lưới công nghệ cao, mỗi năm có thể trồng 4 vụ dưa. Với năng suất trung bình 65 - 75 ngày/vụ, giá bán tại vườn hiện nay là 40.000 - 45.000 đồng/kg, trừ chi phí, khấu hao thiết bị thì có thể thu lãi 600 triệu đồng/năm”, ông Thắng tính toán.
Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được áp dụng tại Đà Nẵng
Không chọn hướng đi như chủ nhà vườn Nguyễn Thắng, ông Phan Hiền Lương chọn cho mình hướng phát triển các loại cây dược liệu. “Trước đây, chúng tôi phải thuê đất để trồng dược liệu. Nay được Thành phố giao 10,7 ha đất sạch tại vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Hòa Ninh, mà không phải đi thương lượng với từng hộ dân để thuê đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất là rất thuận lợi”, ông Lương cho biết.
Các mô hình sản xuất giống và hoa thương phẩm như lan hồ điệp trong nhà lưới, hoa lily, lan Dendro, Mokara cắt cành được trồng trong nhà lưới công nghệ cao cũng đã được “di cư” nhiều về Đà Nẵng. Sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm về các giống rau màu ở các vùng sản xuất rau an toàn tại Thạch Nham Tây, Hòa Khương. Trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng dưa hấu tại các xã Hòa Khương, Hòa Liên, Hòa Bắc… Đáng chú ý là mô hình phát triển cây ăn quả (bưởi da xanh) và cây dược liệu (nghệ vàng, đinh lăng, trinh nữ hoàng cung, kim tiền thảo) đã được định hướng phát triển chủ lực.
Năm 2018 được Đà Nẵng chọn là năm đẩy mạnh thu hút đầu tư bằng việc tập trung ưu tiên nguồn vốn hoàn thiện hạ tầng
Đà Nẵng cũng xác định chăn nuôi là khâu quan trọng, với việc vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh, chăn nuôi heo thử nghiệm bằng hệ thống lạnh khép kín với 10 mô hình đang hoạt động, bình quân mỗi trang trại 800 - 1.000 con, tập trung khu vực Nam Sơn, Hòa Tiến - Hòa Vang và cung cấp thịt cho Công ty cổ phần Việt Nam theo mô hình 3 nhà: “Nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp”. Gà đồi gà thả vườn theo hương hữu cơ tập trung tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Khương, Hòa Ninh…
Nhiều nhà đầu tư khác cho rằng, Đà Nẵng là một trung tâm du lịch lớn có đông khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Bên cạnh thưởng lãm cảnh quan, du khách có nhu cầu thưởng thức những món ăn ngon, chất lượng, an toàn cao và đặc trưng. Vì vậy, Đà Nẵng là thị trường tiêu thụ có tiềm năng lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đồng quan điểm với các nhà đầu tư, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá: “Dư địa cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Đà Nẵng còn rất lớn. Tuy nhiên, Đà Nẵng phải xác định được đâu là sản phẩm du lịch đặc thù để du khách đến là muốn thưởng thức, chưa đến là muốn đến để ăn, mà ăn thì phải chất lượng và an toàn”.
Đối với việc quy hoạch các khu nông nghiệp công nghệ cao, theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Thành phố đã phê duyệt quy hoạch 7 vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gồm các vùng sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Ninh (35 ha), xã Hòa Phú (22 ha), xã Hòa Phong (20 ha); vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tại xã Hòa Bắc (320 ha), xã Hòa Khương (30 ha); khu trồng cây dược liệu tại xã Hòa Phú (3 ha); khu sản xuất nấm thương phẩm và dược liệu tại phường Hòa Quý (1 ha)…
Công nghệ cao - yếu tố cốt lõi
Hơn 2.000 tỷ đồng là nguồn vốn của Trung ương và TP. Đà Nẵng đã đầu tư để hoàn thiện hạ tầng Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng trong 7 năm qua. Từ một vùng gò đồi hoang vắng, giao thông cách trở, đến nay Khu công nghệ cao Đà Nẵng có hơn 400 ha sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư và đang tiếp tục mở rộng giai đoạn II.
Tại đây, đã thu hút các dự án đầu tư với tổng vốn gần 300 triệu USD, trong đó, đa phần là dự án 100% vốn nước ngoài. Ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Phó trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng cho biết, khi Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi vượt trội, cộng với hiệu ứng của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, liên tiếp các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến Đà Nẵng tìm kiếm cơ hội đầu tư.
“Với Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, chúng tôi đã có cơ hội kết nối với một số nhà đầu tư. Tương lai có một dự án lớn đầu tư, nếu dự án này thành công sẽ tạo cú hích rất lớn trong việc phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng”, ông Hùng chia sẻ.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng là một trong 3 khu công nghệ cao trọng điểm quốc gia, cùng với Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và Khu công nghệ cao TP.HCM, được Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư. Dự án đầu tư mới trong khu công nghệ này sẽ được miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn dự án đầu tư thuê đất; miễn hoàn trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng... Dự án đầu tư mới quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm...
Nhà đầu tư, chuyên gia và người nước ngoài làm việc trực tiếp tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng và thành viên trong gia đình được xem xét cấp thị thực có giá trị xuất nhập cảnh nhiều lần, có thời hạn phù hợp…
Ông Nobuo Kamioka, Tổng giám đốc Công ty Tokyo Keiki (Nhật Bản), một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên đến làm ăn, khá hài lòng khi hoạt động tại nơi này. Điều mà ông Nobuo Kamioka băn khoăn là hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa đồng bộ, chưa có tường rào bao quanh, giao thông chưa khớp nối, hệ thống điện, nước chưa có, không đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông.
“Chúng tôi rất mừng khi đầu tư vào đây được hưởng chính sách ưu đãi. Chính quyền Thành phố cũng thường xuyên gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Nobuo Kamioka cho biết.
Năm 2018 được Đà Nẵng chọn là năm đẩy mạnh thu hút đầu tư bằng việc tập trung ưu tiên nguồn vốn hoàn thiện hạ tầng, kết nối giao thông đến khu công nghệ cao.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, trong điều kiện quỹ đất ít, thì công nghệ cao, công nghệ thông tin, du lịch là ưu tiên số 1 trong thu hút đầu tư của Đà Nẵng. Các lĩnh vực này sẽ tạo ra lực lượng lao động có tay nghề chuyên nghiệp, thu nhập cao, giúp Thành phố phát triển nhanh về nhiều phương diện.
“Đà Nẵng xem việc đầu tư khu công nghệ cao là yếu tố cốt lõi, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế địa phương. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý chọn Khu công nghệ cao Đà Nẵng làm nơi thí điểm tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển trong giai đoạn mới. Đà Nẵng đang nghiên cứu ứng dụng những mô hình, cơ chế chính sách, kế hoạch và giải pháp tổ chức thực hiện nhằm nâng cao tính năng sáng tạo khởi nghiệp để triển khai thí điểm tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng”, ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Tại Hội thảo về công nghệ cao tại Đà Nẵng gần đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã lưu ý Đà Nẵng: “Bên cạnh đẩy mạnh phát triển nguồn lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đã đến lúc, chúng ta phải chung tay vào cuộc, hành động một cách quyết liệt nhưng đầy sáng tạo. Chính phủ mong muốn TP. Đà Nẵng phối hợp với các bộ, ngành chức năng sớm đưa ra mô hình, khuyến nghị cụ thể về Khu công nghệ cao Đà Nẵng để Chính phủ có phương án chỉ đạo cụ thể hơn”.