Nông nghiệp công nghệ cao: Tiền là “chìa khóa” cuối cùng

(ĐTCK) Sau khi công bố nhận 400 tỷ đồng vốn góp từ IFC và Daiwa, bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần PAN FARM cho biết, một số nhà đầu tư quốc tế tiếp tục đặt vấn đề góp vốn vào PAN FARM. Tuy nhiên, theo bà My, để phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tiền là chìa khóa cuối cùng, trước đó phải hội tụ được cách gỡ nhiều nút thắt quan trọng hơn. 
Bà Nguyễn Thị Trà My Bà Nguyễn Thị Trà My

Sản phẩm hoa cúc của PAN FARM đã đứng vững tại thị trường Nhật Bản, Công ty cũng đã huy động vốn được từ các tổ chức quốc tế như IFC hay Daiwa, vậy quan điểm gọi vốn của Công ty như thế nào?

Tháng 6 năm nay, lần đầu tiên sản phẩm hoa cẩm chướng xanh sẽ đồng thời được thu hoạch trên đất Việt Nam và Nhật Bản với chất lượng không có sự khác biệt.

PAN FARM đã dành nhiều thời gian nghiên cứu thị trường nước ngoài, tìm kiếm giống tốt, chuyên gia tốt nhất, cùng đam mê và khát vọng tạo nên những sản phẩm hoa độc đáo và đẹp nhất.

Tất cả các sản phẩm sản xuất ra đã có đối tác Nhật Bản đặt hàng. Để ra mắt được sản phẩm này là cả một quá trình dài mà chúng tôi đã bắt đầu từ yếu tố hiểu thị trường, tìm cơ hội từ thị trường, chứ không bắt đầu từ việc dựng nhà kính, đầu tư máy móc, công nghệ trước, rồi mới đi tìm xem tiêu thụ ở đâu.

Câu chuyện của PAN FARM là một ví dụ cho thấy, nếu các yếu tố về thị trường và công nghệ đã có thì nhà đầu tư xếp hàng xin được đầu tư.

Để giải quyết câu chuyện về đất, chúng tôi không tách nông dân ra khỏi ruộng đất của họ. PAN FARM tập trung xây dựng các mô hình chuẩn trên một diện tích đất vừa phải, tất cả phải được đảm bảo chặt chẽ về chất lượng giống, mô hình canh tác chuẩn, tưới tiêu…

Sau khi có mô hình chuẩn sẽ nhân rộng mô hình này hoặc chuyển giao lại cho nông dân thực hiện và đảm bảo đầu ra cho họ. Nông dân được cung cấp giống, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, được đảm bảo đầu ra với giá cao hơn nhiều nếu họ tự làm, thu nhập được tăng cao mà họ vẫn được gắn liền với mảnh đất cha ông để lại.

Đầu tư nông nghiệp đòi hỏi sự tinh tế, đam mê và rất nhiều sự kiên nhẫn. Trong chuỗi “kiên nhẫn” này, tiền không phải là yếu tố đầu tiên, thậm chí, đó là “chìa khóa” cuối cùng. PAN FARM có khát vọng và đang dành mọi nỗ lực để xây dựng một doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Chính phủ rất mong muốn Việt Nam sẽ xây dựng được một nền nông nghiệp hiệu quả cao, nên thực tế đã và sẽ có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng ứng dụng công nghệ cao. Dưới góc nhìn doanh nhân, theo bà, còn cần những yếu tố nào để nông nghiệp Việt Nam bật lên, vượt qua nỗi khổ “được mùa, mất giá”?

Thực tế đã cho thấy, nền nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải tình trạng “không hiểu thị trường” dẫn đến cả xã hội thường xuyên phải vào cuộc giải cứu các sản sản phẩm nông nghiệp ế ẩm, từ dưa hấu, cà chua, thịt lợn....

Nông nghiệp truyền thống không thể tạo nên giá trị gia tăng khi nhu cầu tiêu dùng, nhất là tiêu dùng ở các thị trường mà người mua có điều kiện và sẵn sàng trả chi phí xứng đáng, đã ở mặt bằng khác sản phẩm Việt Nam đang sản xuất rất nhiều.

Để giúp người nông dân bớt khổ, tôi nghĩ chúng ta phải có cách làm khác. Nông nghiệp công nghệ cao là chìa khóa, nhưng thực tế trải nghiệm của chúng tôi cho thấy, làm nông nghiệp công nghệ cao không dễ.

Nông nghiệp công nghệ cao: Tiền là “chìa khóa” cuối cùng ảnh 1

 Nghệ nhân hàng đầu về hoa cúc tại Nhật Bản hướng dẫn cách đánh giá một cành hoa đạt chất lượng bán trên thị trường quốc tế

Điểm mấu chốt là phải làm sao để sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận và sẵn sàng trả giá xứng đáng. Tôi nghĩ rằng, đây là câu hỏi lớn nhất mà các doanh nghiệp nông nghiệp phải tìm ra câu trả lời, nếu muốn góp sức thay đổi hiện trạng ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Đúng là các doanh nghiệp cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ, nhưng nếu không xác định được cụ thể về định hướng và tiêu chí thì việc xây dựng chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ không khả thi, thậm chí còn dẫn tới việc phân biệt, bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Thực tế, các nước như Hà Lan hay Israel còn không đưa ra định nghĩa hay phạm trù công nghệ cho lĩnh vực nông nghiệp thế nào là cao hay không cao.

Theo chúng tôi, phương án tốt hơn là xây dựng định hướng chung: ủng hộ và ưu đãi cho phần “công nghệ” của các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp.

Việc ưu đãi nên được thể hiện ngay trên thuế nhập khẩu, lãi suất vay ưu đãi cho các hạng mục này, yêu cầu đơn giản về tài sản đảm bảo với các quy định rõ ràng, dễ thực hiện hơn là các cơ chế xin - cho, chỉ phục vụ một nhóm các doanh nghiệp. Theo đó, sẽ tạo ra một xu hướng mới, một định hướng cho toàn bộ xã hội tham gia vào lĩnh vực này.

Phải chăng chúng ta nên đặt vấn đề xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả cao, chứ không phải công nghệ cao, thưa bà?

Đúng vậy. Theo chúng tôi, nông nghiệp công nghiệp cao là yếu tố cần, nhưng không phải là cái đích cuối cùng cho nỗ lực cải tổ ngành nông nghiệp. Cái đích cuối cùng nên hướng đến là nông nghiệp hiệu quả cao.

Nếu bạn sang Nhật và chịu khó để ý giữa sản phẩm tiêu dùng với giá bán tại đây có thể bạn cũng sẽ có cảm nhận như tôi: giá tiền 1 lẵng hoa đủ mua 1 cái nồi cơm điện. Trong khi 1 lẵng hoa theo tiêu chuẩn chất lượng Nhật Bản, cũng chỉ có thời gian sử dụng 3 tuần, còn 1 nồi cơm điện mang về Việt Nam, các gia đình có thể sử dụng ít nhất 3 năm.

Người Nhật vốn nổi tiếng kỹ tính, các sản phẩm bán được tại đây phải đảm bảo chất lượng, nhưng bù lại, sẽ được trả giá xứng đáng với những giá trị tích lũy trong nó.

Một ví dụ khác là sản phẩm cà chua. 1 kg cà chua trồng trong nhà kính của Nhật, giá bán có thể đạt 140.000 - 160.000 đồng, trong khi vào chính vụ, 1 kg cà chua trồng ngoài trời của nông dân Việt Nam chỉ khoảng 5.000 - 8.000 đồng.

Nông nghiệp công nghệ cao sẽ mang lại những bước nhảy vọt về năng suất, có thể gấp 20 - 30 lần so với nông nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, câu chuyện về thị trường tiêu thụ mới là yếu tố tiên quyết. Thực tế, sản phẩm phải tìm được nơi bán mới mong mọi nỗ lực khác được ghi nhận giá trị.

Bà có thể nói cụ thể?

Công nghệ là yếu tố có thể mua được, vấn đề khó nhất là con người vận hành công nghệ đó. Nếu không có nguồn nhân sự tốt, có kinh nghiệm để vận hành hệ thống sản xuất áp dụng công nghệ cao thì năng suất sẽ giảm.

Nhưng sẽ mất nhiều năm để tích lũy được kinh nghiệm vận hành sản xuất. Việc đi đào tạo để học hỏi nhanh hơn sẽ cần đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) mạnh có khả năng trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp và chi phí hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp bài bản.

Quan trọng hơn nữa là khi chất lượng sản phẩm không đạt, không đồng đều thì giá bán sẽ thấp, không có cơ hội xuất khẩu hoặc cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, khi đó hiệu quả kinh tế sẽ không còn như tính toán ban đầu.

Nhật Bản hiện nay không phải là nước đi đầu về ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, nhưng chất lượng sản phẩm lại nằm trong Top đầu nên về hiệu quả vẫn đảm bảo. Israel thì ngược lại, luôn hướng đến năng suất cao và vượt trội.

Tôi mong rằng, các doanh nghiệp khi bước vào mảng nông nghiệp cũng sẽ tìm được “chìa khóa” mở thị trường trước. Và nếu Chính phủ có định hướng hỗ trợ đúng cho các doanh nghiệp nông nghiệp có khát vọng, có hướng đi thì chắc chắn ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ bớt vấp phải nỗi đau "được mùa, mất giá", nguồn lực sẽ được sử dụng để mang lại giá trị cuối cùng là hiệu quả cho người dân Việt Nam.

Tường Vi thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục