Nội dung chính tại buổi gặp mặt giữa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường với các doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản chiều 30.3 là nghe giới thiệu về những công nghệ nông nghiệp hiện đại của nhiều tập đoàn nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu Thụy Sỹ.
Có thể nói, trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Thụy Sỹ có thể không biết đến nhiều bằng Hà Lan hay Israel, song nước này cũng gây ấn tượng mạnh với thế giới về nền sản xuất nông nghiệp vô cùng hiện đại, đặc biệt là thu nhập của nông dân cao nhất nhì thế giới. Quốc gia này sở hữu nhiều tập đoàn công nghệ tỷ USD như Buhler, Bucher…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Nông nghiệp Việt Nam phải tiếp cận được công nghệ nguồn của thế giới
Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva (Thụy Sỹ), người được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, “đặt hàng” đưa công nghệ Thụy Sỹ về Việt Nam cho biết, ngay sau khi nhận được yêu cầu của Bộ trưởng, ông và các cán bộ phái đoàn đã làm việc trực tiếp với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ nông nghiệp hàng đầu ở Thụy Sỹ.
Điều bất ngờ là rất nhiều tập đoàn tỷ USD của Thụy Sỹ đều đánh giá rất cao triển vọng của thị trường Việt Nam và mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn nữa.
Việt Nam đi sau nhiều quốc gia trong hiện đại hóa nông nghiệp nên chúng ta phải tiếp cận công nghệ ngay từ nguồn.
Hiện tại, một số doanh nghiệp Thụy Sỹ đã cung cấp dây chuyền công nghệ chế biến cho doanh nghiệp Việt, song số lượng chưa lớn.
“Nhiều tập đoàn Thụy Sỹ ngỏ ý muốn sang Việt Nam để gặp gỡ với các doanh nghiệp Việt”, ông Dương Chí Dũng cho hay.
Điều đáng mừng, theo ông Dũng là nhiều tập đoàn Thụy Sỹ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam theo hình thức chuyển giao công nghệ hoặc nghiên cứu công nghệ phù hợp với điều kiện của Việt Nam chứ không bắt buộc doanh nghiệp phải nhập khẩu toàn bộ dây chuyền công nghệ đắt đỏ của Thụy Sỹ.
Liên tiếp từ đầu năm đến nay, Bộ NN&PTNT đã nhiều lần tìm cách kết nối các tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ nông nghiệp cho các DN trong nước đơn cử như các doanh nghiệp đến từ Hà Lan, Israel.
Tại buổi tiếp bà Marjolijn Sonnema, Thứ trưởng Nông nghiệp Hà Lan tuần trước về cơ hội hợp tác trong nông nghiệp giữa hai nước, Bộ trưởng đã mời cả các DN và lãnh đạo địa phương trong nước đến cùng dự để bàn cơ hội hợp tác. Tại đây, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH (TH Milk) bày tỏ mong muốn bà Marjolijn Sonnema và các thành viên doanh nghiệp trong đoàn Hà Lan giới thiệu đối tác để hợp tác trong lĩnh vực sản xuất hạt giống rau để bán ở trong nước và xuất khẩu, giống khoai tây đơn cử như Công ty Rijk Zwaan (Hà Lan).
Cũng nửa cuối tháng 3, Bộ NN&PTNT cũng phối hợp các bên liên quan tổ chức hội thảo giới thiệu những công nghệ hàng đầu của Israel đến doanh nghiệp Việt Nam, thu hút gần 30 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Israel và hàng chục DN Việt Nam tham dự.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, tổ chức chuỗi sản xuất hàng hóa của nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là khâu chế biến và thương mại. Đây là lý do Bộ NN&PTNT đang tìm cách kết nối DN trong nước với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới về công nghệ chế biến để giới thiệu với doanh nghiệp trong nước để đi tắt, đón đầu.
“Việt Nam đi sau nhiều quốc gia trong hiện đại hóa nông nghiệp nên chúng ta phải tiếp cận công nghệ ngay từ nguồn. Bộ sẽ đứng ra làm cầu nối với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới để DN có kênh thông tin nhanh nhất, ngắn nhất”, Bộ trưởng nói.
Được biết, các hội nghị, đối thoại chuyên sâu tương tự sẽ được Bộ NN&PTNT tổ chức thường xuyên thời gian tới để kết nối đầu tư, kết nối thị trường, giải quyết các khó khăn của từng nhóm doanh nghiệp ngành hàng chuyên biệt.