Theo đó, ngày 22/9/2021, HOSE nhận hồ sơ niêm yết của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam, công ty có vốn điều lệ là 780 tỷ đồng và địa chỉ tại 56 Nguyễn Quý Đức, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Theo website công ty, công ty mới được thành lập năm 2017, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo, chế biến và cung ứng thực phẩm sạch, hướng đến mục tiêu kinh doanh khép kín.
Công ty hiện có trang trại nuôi heo tại Hòa Bình, vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Phú Yên … Người đại diện pháp luận của công ty hiện nay là bà Bùi Hương Giang.
Mới đây, cuối tháng 6/2021, công ty được chấp thuận 2 dự án chăn nuôi lớn tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An, là dự án chăn nuôi lợn thịt thương phẩm theo mô hình trại lạnh khép kín tại khu vực Thung Máng, xã Tân Hợp có diện tích đất 32,56ha, công suất thiết kế 60.000 lợn thịt thương phẩm/lứa, vốn đầu tư 440 tỷ đồng; và dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt thương phẩm theo quy mô trại lạnh khép kín tại khu vực Bàu Vạn, xóm Nước Xanh, xã Giai Xuân có diện tích đất 52,07 ha, công suất thiết kế 5.000 lợn nái sinh sản và 60.000 lợn thịt thương phẩm/lứa, vốn đầu tư 800 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 1/9/2021, công ty cho biết đã thực hiện IPO 28 triệu cổ phiếu ra công chúng và huy động được 560 tỷ đồng. Như vậy, ước tính giá chào bán trung bình là 20.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, công ty dự kiến bổ sung vốn lưu động 228,6 tỷ đồng; thanh toán công nợ phải trả mua nông sản cho Tổng Công ty Rau quả, nông sản là 130 tỷ đồng; đầu tư mua sắm tài sản cố định là 77,4 tỷ đồng; thanh toán tiền mua cổ phần chuyển nhượng tại CTCP Thức ăn chăn nuôi Rico Tây Ninh là 75 tỷ đồng; tăng vốn điều lệ tại Công ty TNHH TMDV Chăn nuôi Minh Thành là 29,4 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH Đầu tư Trang Trại Xanh 1 là 19,6 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận và lợi nhuận tăng mạnh trước thời điểm nộp hồ sơ niêm yết
Công ty cũng công bố Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt.
Trong đó, tính tới 30/6/2021, cổ đông lớn gồm 4 người, bà Bùi Hương Giang, Tổng Giám đốc sở hữu 50% vốn điều lệ; ông Phan Ngọc Ân, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc sở hữu 30% vốn điều lệ; ông Lê Xuân Thọ, Thành viên HĐQT sở hữu 10% vốn điều lệ; và 10% còn lại thuộc sở hữu của ông Nguyễn Anh Tuấn, Thành viên HĐQT.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu đạt 5.251,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 201,1 tỷ đồng, lần lượt giảm 20,9% và tăng 901% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 1,6% lên 5,3%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 159,4% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 169,63 tỷ đồng lên 276,1 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 10,9%, tương ứng giảm 3,29 tỷ đồng về 26,9 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 94,2%, tương ứng giảm 72,43 tỷ đồng về 4,4 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể. Như vậy, lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh do công ty ghi nhận lợi nhuận gộp tăng mạnh.
Cơ cấu doanh thu của Nông nghiệp BAF Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 |
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của công ty chủ yếu là doanh thu bán nông sản đạt 4.963,3 tỷ đồng, chiếm 94,5% tổng doanh thu; doanh thu chăn nuôi đạt 287,6 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng doanh thu và còn lại là các lĩnh vực khác
Tính tới 30/6/2021, tổng tài sản của công ty tăng 32,8% so với đầu năm lên 6.966,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 4.626,1 tỷ đồng, chiếm 66,4% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.232,9 tỷ đồng, chiếm 17,7% tổng tài sản.
Các khoản phải thu của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam tính tới 30/6/2021 |
Theo thuyết minh của công ty, các khoản phải thu chủ yếu từ các đơn vị thứ ba như CTCP Tập đoàn Tân Long 645,35 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Dịch vụ Sơn La là 566,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Dịch vụ thương mại XNK Tân Thành Nam là 430,36 tỷ đồng; Công ty TNHH DT Kinh doanh Nhật Tân là 362 tỷ đồng….
Như vậy, tài sản của công ty chủ yếu nằm ở các khoản phải thu của đơn vị thứ ba và không trực tiếp quản lý.
Phải trả người bán tới ngày 30/6/2021 của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam |
Ngược lại, phần nguồn vốn có tới 5.798,5 tỷ đồng phải trả các nhà cung cấp khác, chiếm 83,2% tổng nguồn vốn. Trong đó, chủ yếu phải trả CTCP Kinh doanh thương mại Thịnh Phát 954,4 tỷ đồng; CTCP CBOT Việt Nam 545,2 tỷ đồng; Công ty TNHH SXTM DV Sơn Hưng là 493,7 tỷ đồng; CTCP Nông Sản MOGB Quốc Tế 410,4 tỷ đồng; CTCP Nông Nghiệp An Điền là 369 tỷ đồng …