Nóng chuyện nợ xấu, tái cơ cấu và… bầu Kiên

(ĐTCK) Gần 40 câu hỏi đã được chuyển đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình trong phiên trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21/8.
Nóng chuyện nợ xấu, tái cơ cấu và…  bầu Kiên

Bên cạnh những vấn đề nóng trong ngành ngân hàng như nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống…, một câu chuyện mới phát sinh là việc ông Nguyên Đức Kiên, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bị cơ quan điều tra bắt tạm giam trước đó cũng đã được công khai trong phiên chất vấn.

Nóng chuyện nợ xấu, tái cơ cấu và…  bầu Kiên ảnh 1

5 nguyên nhân tạo nên nợ xấu

Là đại biểu “mở hàng” phiên chất vấn, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhận định, nhiều con số nợ xấu gần đây được công bố với chênh lệch rất lớn. Cụ thể, theo báo cáo của các NHTM, con số nợ xấu vào khoảng 4,47% tổng dư nợ với số tiền 117.000 tỷ đồng; nhưng báo cáo của Thanh tra giám sát của NHNN lại cho biết, nợ xấu lên tới 8,6% với số tiền 202.000 tỷ đồng. Chưa kể việc một số tổ chức quốc tế nhận định con số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam lên tới trên 13% thì số nợ xấu theo báo cáo của NHNN cũng đã tăng rất nhanh. NHNN khẳng định, nguyên nhân khiến số liệu giám sát nợ xấu của NHNN cao hơn là do một số tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện phân loại nợ, ghi nhận nợ thấp hơn thực tế để giảm chi phí trích lập rủi ro.

“Xin hỏi, làm như vậy có bị coi là vi phạm Luật Các TCTD, vi phạm Luật Kế toán hay không và việc này có thể coi là thiếu trung thực, thiếu công khai và minh bạch hay không? Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước lại để tình trạng này xảy ra, trách nhiệm của NHNN và Thống đốc như thế nào?”, ông Hiển chất vấn.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đặt vấn đề, kể cả khi chấp nhận con số 8,6% nợ xấu là con số chính thức thì NHNN đã có những giải pháp gì căn cơ cho vấn đề này?

Xác định đây là một trong những nút thắt lớn nhất của nền kinh tế, Thống đốc NHNN cho biết, căn bệnh trầm kha này đã tích tụ trong thời gian dài bởi 5 nguyên nhân chính: Thứ nhất, trong thời gian dài phát triển theo chiều rộng, nền kinh tế cần rất nhiều vốn khiến tăng trưởng tín dụng quá nóng làm nợ xấu tăng lên. Thứ hai, chính sách, cơ chế của NHNN nhiều năm qua ít đổi mới, chưa theo kịp diễn biến và chưa định hướng cho dòng vốn tín dụng. Thứ ba, hoạt động thanh tra, giám sát của NHNN nhiều lúc chưa hiệu quả, gây ra hệ lụy. Thứ tư, các TCTD xuất hiện ồ ạt và cạnh tranh tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, nên hoạt động thẩm định cho vay còn sơ sài. Thứ năm, các bên vay vốn cũng khá dễ dãi với đồng vốn vay, nhiều khi còn giấu giếm trong việc lập hồ sơ vay vốn, sử dụng vốn chưa hiệu quả dẫn đến nợ xấu…

“Nợ xấu được tích lũy qua nhiều năm và tăng lên rất nhanh chóng. Năm 2008, tăng 74%; năm 2009: 27%; năm 2010: 41%; 2011 tăng 64%, 6 tháng đầu năm 2012 tăng 47%” ông Bình nói.

Về giải pháp xử lý, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đã phân nhóm ngân hàng dựa theo mức độ nợ xấu để có giải pháp xử lý riêng. Trong tháng 8 - 9 này sẽ ban hành đầy đủ các văn bản chính sách trong việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là các văn bản có liên quan đến chế độ tín dụng, quy định về sử dụng vốn vay…

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN cũng sẽ được tăng cường năng lực trong việc giám sát các  ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro, khuyến khích việc mua bán lại nợ giữa các TCTD, xử lý nhanh phát mại tài sản thế chấp để tạo ra nguồn xử lý nợ xấu, hỗ trợ ngân hàng đàm phán với các DN để chuyển nợ thành vốn góp…

“Việc đẩy nhanh tốc độ chi tiêu công từ nay đến cuối năm sẽ giúp giải phóng một lượng hàng tồn kho lớn cho nền kinh tế, qua đó giảm dần tình trạng nợ xấu”, ông Bình nói và nhận trách nhiệm: “Tôi đã nêu rõ những nguyên nhân và giải pháp lâu dài cũng như trước mắt để xử lý nợ xấu. Với tư cách là Thống đốc NHNN, tôi xin nhận trách nhiệm trong việc xử lý vấn đề này”.

Tuy nhiên, trước câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về: “Quyết tâm chính trị của Thống đốc từ nay đến 31/12/2012 và có thể tính tới nửa năm sau, nợ xấu có giảm không? Giảm xuống cỡ bao nhiêu?”, ông Bình trả lời khá chung chung: “Tôi tin rằng, tình hình nợ xấu sẽ cải thiện trong thời gian sắp tới. Cuối nhiệm kỳ này, nợ xấu sẽ được đưa về mức an toàn theo chuẩn quốc tế”.

 

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và lãi suất

Một vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của các đại biểu là vấn đề tái cơ cấu ngân hàng và câu chuyện lãi suất. Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu câu hỏi, đâu là cản trở lớn nhất đối với việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng? Nếu thanh khoản hệ thống tiếp tục được duy trì, sau một thời gian nữa, mặt bằng lãi suất có thể đưa xuống mức bao nhiêu?

Ông Bình cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng chỉ là 1 trong 3 trụ cột có liên quan mật thiết với nhau, cùng với tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu DN, đặc biệt là DNNN. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là công việc phức tạp giữa một bên là quản lý nhà nước và một bên là thị trường. Khi nói đến việc xử lý các ngân hàng, nhiều ý kiến cho rằng có lợi ích nhóm. Điều này cũng dễ hiểu bởi nó ảnh hưởng đến quyền lợi của những nhóm cổ đông khác nhau trong một ngân hàng, hoặc cổ đông của ngân hàng này với ngân hàng khác… Nhưng chúng tôi đã tính đến vấn đề này, nên đặt ra nguyên tắc đầu tiên là việc sáp nhập, hợp nhất phải dựa trên cơ sở tự nguyện, tự thỏa thuận. Nếu các bên không giải quyết được vấn đề thì Nhà nước mới can thiệp.

“Trước đó, đã có việc xử lý một vài TCTD quy mô nhỏ, nhưng chưa bao giờ trong 6 tháng mà NHNN xử lý tới 9 TCTD, nhưng thị trường tiền tệ vẫn ổn định, an ninh tài chính được đảm bảo”, Thống đốc nhấn mạnh.

Về vấn đề giảm lãi suất, theo ông Bình, thời gian qua NHNN đã khá mạnh tay. Do đó, sẽ cần thận trọng hơn với khả năng giảm lãi suất tiếp theo, bởi còn phải tính đến việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu hạ lãi suất quá nhanh, lạm phát cao có thể quay lại, vị thế của đồng VND mới khôi phục thời gian vừa qua sẽ mất đi. Người gửi tiền sẽ quay sang vàng, ngoại tệ, làm cho tình trạng vàng, USD hóa lặp lại.

Đại biểu Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu ý kiến về yêu cầu giảm lãi suất các khoản nợ cũ về 15%/năm của NHNN không được nhiều ngân hàng thực hiện nghiêm, ông Bình cho rằng, đây là lời kêu gọi, vận động, chứ không phải là một mệnh lệnh. Bởi các hợp đồng tín dụng cũ là hợp đồng kinh tế, ký kết theo quy định pháp luật. Mặc dù vậy, theo con số của NHNN, thời điểm 15/7, tỷ lệ khoản vay có lãi suất cao hơn 15%/năm chiếm 65% tổng dư nợ tín dụng; nhưng đến ngày 3/8, số này chỉ còn gần 30% và đến 16/8 chỉ chiếm 24%.

“Vậy tại sao NHNN không đề nghị các ngân hàng đưa lãi suất cho vay về 13%/năm?”. Trước câu hỏi này, ông Bình phân tích, nếu lãi suất huy động ngắn hạn là 9%/năm thì các TCTD cho vay ra 13%/năm mới hòa vốn. Nhưng 100 đồng huy động đã mất 3 đồng dự trữ bắt buộc; 10 đồng dự trữ thanh toán. Nếu giả sử nợ xấu chỉ ở mức 4,47% như các TCTD báo cáo thì trung bình còn phải bỏ 2,36 đồng để trích lập dự phòng rủi ro. Tính thêm một số chi phí điều hành TCTD như thuê cán bộ, trang thiết bị... thì về cơ bản, mức lãi suất 15%/năm không có lãi nhiều.

“Việc yêu cầu đưa lãi suất khoản vay cũ về 15%/năm là dựa trên cơ sở tính toán khả năng của các TCTD. Chúng ta mong các DN tiếp cận lãi suất thấp, nhưng phải yêu cầu những việc TCTD có thể làm được, nếu không thì bất khả thi”, ông Bình nói.

 

NHNN đã có biện pháp sẵn sàng đảm bảo thanh khoản tại ACB

Tại phiên chất vấn, ông Đỗ Văn Đương, đại biểu Quốc hội TP. HCM đã đề cập việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt và tác động của vụ việc đối với Ngân hàng ACB và thị trường tiền tệ. Thống đốc Nguyễn Văn Bình xác nhận, đã nhận được văn bản từ cơ quan công an, cho biết ông Kiên bị bắt vì liên quan tới 3 công ty, chứ không liên quan tới hoạt động ngân hàng.

“Ông Nguyễn Đức Kiên là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập của ACB. Nhưng quy định hiện hành không thừa nhận sự tồn tại của Hội đồng sáng lập trong ngân hàng. Ông Kiên không còn trong HĐQT ACB, cũng như không tham gia điều hành hoạt động của ACB”.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho hệ thống, NHNN đã kịp thời chỉ đạo NHNN cấp tỉnh, thành phố có biện pháp sẵn sàng hỗ trợ về thanh khoản của ACB cũng như TCTD khác nếu có hiện tượng người rút tiền bất thường”, ông Bình nói.

Chủ trì phiên chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh: “Thống đốc đã nói Nguyễn Đức Kiên bị bắt không liên quan đến Ngân hàng ACB, vì vậy người gửi tiền tại ACB có thể yên tâm”.

Trước đó, tại Website của NHNN đã chính thức công bố quan điểm của cơ quan này về việc ông Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố. Theo đó, căn cứ đơn khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật xảy ra tại 3 công ty: CTCP Đầu tư thương mại B&B; CTCP Đầu tư ACB Hà Nội; Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT, ngày 20/8/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, bắt tạm giam bị can đối với ông Nguyễn Đức Kiên.

Theo đó, cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Đức Kiên nguyên là Phó chủ tịch HĐQT, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB. Tuy nhiên, hiện nay ông Kiên không tham gia quản lý, điều hành ACB, nên hoạt động của cơ quan điều tra, Bộ Công an là hoạt động bình thường, chỉ liên quan đến vi phạm của 3 công ty trên do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT.

Ngày 21/8, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã có văn bản thông báo xác nhận những vấn đề trên.

Thủy Nguyên
Thủy Nguyên

Tin cùng chuyên mục