“Nóng” chuyện lãi suất vừa giảm đã tăng!

(ĐTCK) Không phải ngẫu nhiên câu chuyện lãi suất lại thành chủ đề “nóng” trong buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) diễn ra ngày hôm qua (23/6) tại Hà Nội, trước buổi Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ ngân hàng 6 tháng cuối năm 2015 của toàn ngành diễn ra ngày hôm nay. 
Mức lãi suất hiện tại có tăng một chút là phù hợp với mặt bằng chung Mức lãi suất hiện tại có tăng một chút là phù hợp với mặt bằng chung

Thực tế thị trường cho thấy, các ngân hàng lớn - bé, thương mại cổ phần - thương mại có vốn Nhà nước đều đã tăng lãi suất tại các kỳ hạn…

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế đã phục hồi nhưng chưa rõ nét, bên cạnh đó, điều kiện thị trường không cho phép các TCTD hạ lãi suất bởi rủi ro người gửi tiền sẽ chuyển sang các lĩnh vực đầu tư khác. Chính vì vậy, các ngân hàng buộc phải đẩy lãi suất huy động lên để giữ chân khách hàng, đồng thời có thanh khoản để cho vay. Mặc dù lãi suất càng cao thì càng có lợi cho khách hàng, nhưng đây không phải là cách các ngân hàng muốn thực hiện trong thời điểm hiện tại.

Tại buổi họp báo, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, tăng trưởng tín dụng cao hơn so với cùng kỳ các năm 2012 - 2014. Tính đến ngày 18/6, tín dụng đối với nền kinh tế tăng trưởng 6,09% so với cuối năm 2014. Đến ngày 15/6/2015, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,88%, huy động vốn tăng 4,37% so với cuối năm 2014.

Trong đó, nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực ưu tiên được ngành ngân hàng tích cực đầu tư, dư nợ đến 30/6/2015 tăng dự kiến 7,71% so với 31/12/2014. Kết quả cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại như sau: đến cuối tháng 3/2015, xuất khẩu tăng 3,9%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 1,88%, công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 0,2%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 24,02% so với cuối năm 2014. Đặc biệt, dòng vốn đổ vào bất động sản đã bắt đầu tăng nhẹ so với cùng kỳ 2014. Cụ thể, đến hết tháng 5, tín dụng bất động sản tăng 10,89% (chiếm tỷ trọng 8,3% tổng dư nợ), trong khi 5 tháng đầu năm 2014, vốn đổ vào bất động sản chiếm tỷ trọng 7,96%.

Trả lời trực tiếp câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho rằng, một số ngân hàng đã tăng lãi suất ở kỳ hạn ngắn, chủ yếu do có lợi thế về quy mô huy động vốn, không phải là xu hướng phổ biến trong hệ thống. Lãi suất huy động trên 6 tháng vẫn tương đối ổn định, về tổng thể mặt bằng chung vẫn giảm so với cuối năm 2014. Xu hướng đến cuối năm, mặt bằng lãi suất huy động vẫn giảm từ 0,2 - 0,4%, còn lãi suất cho vay là 0,2 - 0,5% so với cuối năm 2014.

“Những ngân hàng trước đây huy động vốn lãi suất thấp hơn thị trường nay đã tăng lên để đưa lãi suất trở lại mức ngang với các ngân hàng khác”, bà Hồng nói.

Đồng quan điểm này, ông Đinh Đức Quang, Phó Tổng giám đốc OCB chia sẻ: “Trong quý I/2015, một số ngân hàng đẩy lãi suất huy động xuống sâu. Cụ thể, một vài ngân hàng đẩy kỳ hạn 1, 2 tháng xuống 4% đến 4,5%/năm, nên mức lãi suất hiện tại có tăng một chút cũng là phù hợp với mặt bằng chung”.

Bà Hồng cho biết thêm, 6 tháng đầu năm, tình tình lãi suất có diễn biến theo từng giai đoạn. Gần đây, có những ngày lãi suất liên ngân hàng qua đêm xuống 2,5% - 3%/năm, 1 tháng ở 3% - 3,5%/năm, đây là mức tương đối thấp, ổn định. Bên cạnh đó, việc NHNN điều tiết lượng thanh khoản hàng ngày chủ yếu tác động trên mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng (thị trường 1). Lãi suất huy động và cho vay phụ thuộc vào giá vốn của các TCTD quyết định dựa trên thị trường 1. NHNN cũng sẽ theo dõi sát những diễn biến về vốn khả dụng của các ngân hàng, nếu dư thừa, gây áp lực nhất định đến tỷ giá, NHNN sẽ hút tiền về để điều tiết lượng tiền phù hợp với mục tiêu điều hành.

“Xét trong tương quan để điều hành tiền tệ, tỷ giá, NHNN đã thực hiện việc bơm, hút tiền một cách linh hoạt, làm sao đưa mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý, phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ, tỷ giá. NHNN vẫn đang theo dõi sát. NHNN không chỉ điều tiết linh hoạt trong hệ thống mà còn phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện các phiên phát hành tín phiếu kho bạc nhà nước cũng như trái phiếu Chính phủ”, bà Hồng nhấn mạnh

Đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, bà Hồng chia sẻ, kinh tế vĩ mô đang diễn biến tích cực với tăng trưởng đạt 6,03% trong quý I/2015, đây là mức đáng phấn khởi; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Hội đồng Chính sách tiền tệ họp thứ 2 đầu tuần cũng dự báo lạm phát ở mức 3 - 3,5%. Theo đó, về cơ bản, lãi suất trong 6 tháng cuối năm NHNN sẽ điều hành ổn định như hiện nay, với dự báo tình hình lạm phát năm 2015.

Bà Hồng nói: “Trong quá trình điều hành, lãi suất của các TCTD sẽ phụ thuộc cung cầu vốn của thị trường, diễn biến tín dụng tăng như trong thời gian qua, NHNN sẽ có điều hành bơm hút tiền kịp thời, sẵn sàng thông qua tái cấp vốn để hỗ trợ cho các TCTD. Tất cả phải thực hiện trong tổng thể mục tiêu về chính sách tiền tệ NHNN đặt ra từ đầu năm”.

Từ đầu tháng 6/2015, Sở Giao dịch Agribank áp dụng biểu lãi suất mới đối với tiền gửi bằng VND các kỳ hạn dài, cao nhất đến 6,8%/năm. Theo đó, lãi suất huy động áp dụng với tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND kỳ hạn 18 tháng là 6,5%/năm (thay cho 6,2%/năm); kỳ hạn 24 tháng là 6,8%/năm (thay cho 6,3%/năm). BIDV điều chỉnh tăng 0,2 - 0,5% tuỳ kỳ hạn, còn Vietinbank tăng cao nhất là 0,3%.

Trước đó, ngày 25/5, ACB cũng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 6 - 36 tháng thêm 0,2%/năm. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại ACB là 6,7%/năm khi khách gửi 36 tháng, các kỳ hạn 12, 24 tháng lần lượt là 6,2%/năm và 6,5%/năm. Eximbank cũng tăng tới 0,4%/năm với lãi suất tiết kiệm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,2%/năm; tăng nhẹ ở kỳ hạn 6 tháng hiện ở mức 5,4%/năm; 6,7%/năm, 6,6%/năm dành cho các kỳ hạn 24 tháng, 18 tháng. Tại HDBank, lãi suất các kỳ hạn tăng bình quân 0,3 - 0,5%.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục