Non pre-funding, lợi thế của công ty chứng khoán sẵn vốn và thị phần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài không cần ký quỹ trước giao dịch đang mở ra cơ hội cung cấp dịch vụ mới cho khối công ty chứng khoán.
Những công ty chứng khoán có thị phần khách hàng tổ chức lớn có lợi thế trong triển khai dịch vụ NPS. Ảnh: Dũng Minh Những công ty chứng khoán có thị phần khách hàng tổ chức lớn có lợi thế trong triển khai dịch vụ NPS. Ảnh: Dũng Minh

Vốn lớn - điều kiện cần

Ghi nhận ý kiến chung của các thành viên thị trường, Thông tư 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 2/11/2024, với quy định nhà đầu tư nước ngoài được công ty chứng khoán cấp hạn mức giao dịch trước và thực hiện thanh toán sau khi giao dịch khớp lệnh đã tháo gỡ “nút thắt” quan trọng để thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu được FTSE Russell xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Diễn biến mới của lãi suất toàn cầu, đặc biệt là xu hướng hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed), cộng hưởng với nút thắt về nâng hạng thị trường Việt Nam được tháo gỡ được kỳ vọng trở thành chất xúc tác để đảo chiều dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 2,6 tỷ USD trên sàn HOSE, nhưng điểm tích cực là tốc độ bán đang giảm dần từ tháng 9 tới nay, thậm chí có nhiều phiên mua ròng.

Nhiều công ty chứng khoán đã sẵn sàng nguồn lực để cung cấp vốn đối ứng cho dịch vụ giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền (non pre-funding solution - NPS) cho nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty chứng khoán Top đầu về thị phần khách hàng tổ chức như VCI, HSC, SSI đều cho biết đang rốt ráo chuẩn bị triển khai dịch vụ này, đặc biệt là quy trình vận hành dịch vụ sao cho đảm bảo an toàn, hiệu quả và hạn chế rủi ro trong thanh toán, xây dựng và từng bước ban hành quy chế giao dịch và thanh toán bù trừ áp dụng cho mô hình non pre-funding.

Ở nhiều công ty chứng khoán có thị phần khách hàng tổ chức Top dưới, hoặc đang trong giai đoạn bước đầu đẩy mạnh khách hàng tổ chức thì có phần “bỡ ngỡ” hơn. Nhiều nhân sự phụ trách phát triển khách hàng tổ chức ở các công ty chứng khoán phân khúc này cho biết, họ khá áp lực trong việc phát triển khách hàng vì chưa có nhiều lợi thế cạnh tranh về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ cho nhóm khách hàng này. Lại cộng thêm dịch vụ NPS còn khá mới mẻ nên tốc độ chuẩn bị và ra được quy trình còn chậm.

Tuy nhiên, điều mà họ e ngại hơn là rủi ro hệ thống gia tăng, nếu nhà đầu tư nước ngoài không thanh toán đúng hạn.

“Rủi ro nhất là khách hàng không có khả năng thanh toán, dẫn đến thiệt hại về tài chính khi chuyển khoản đầu tư về tài khoản tự doanh của công ty. Theo đó, làm sao phối hợp chặt chẽ cùng ngân hàng lưu ký giám sát để đảm bảo việc thanh toán đúng quy định, thời gian cũng cần bàn bạc nhiều”, Trưởng phòng Khách hàng tổ chức một công ty chứng khoán trong nước cho biết.

Theo quy định tại Thông tư 68, hạn mức nhận lệnh mua cổ phiếu bằng tổng các khoản có khả năng chuyển đổi thành tiền nhưng không vượt quá hiệu số giữa 2 lần vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán và dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán… Quy định này nhằm đảm bảo thanh toán cho hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, để thu hút các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, các công ty chứng khoán sẽ cạnh tranh dựa trên phí giao dịch, tỷ lệ cấp vốn trước (vốn tự có/tổng giá trị mua), tổng giá trị vốn được ứng trước và chất lượng dịch vụ (thông tin và báo cáo). Bên cạnh đó là củng cố rất mạnh hoạt động thẩm định, đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Theo đó, điều kiện cần để công ty chứng khoán có thể gia nhập được “sân chơi” này là phải có vốn lớn, bên cạnh hàng loạt điều kiện để tạo lợi thế cạnh tranh kể trên.

Nhưng chưa đủ

Khoảng 4 năm gần đây, các công ty chứng khoán rất tích cực tăng vốn điều lệ, trong đó, giai đoạn 2020 - 2021 diễn ra rất mạnh mẽ để đủ khả năng đáp ứng các dịch vụ khi lượng nhà đầu tư gia nhập thị trường tăng đột biến. Làn sóng tăng vốn vẫn tiếp tục sau đó nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính cho nhiều mảng hoạt động hơn, như tự doanh; bảo lãnh phát hành; tăng năng lực cung cấp dịch vụ, không chỉ với margin cho nhà đầu tư trong nước, mà còn chuẩn bị sẵn nền tảng vốn để đón cơ hội từ nâng hạng thị trường, sẽ có khả năng cung cấp dịch vụ nhiều hơn cho khách hàng tổ chức, trong đó có NPS.

Theo kế hoạch, TCBS sẽ tăng vốn điều lệ lên hơn 19.600 tỷ đồng; SSI sắp tăng vốn lên 19.645 tỷ đồng; VND Direct nâng quy mô vốn lên khoảng 15.220 tỷ đồng. Trong khi đó, VIX vừa hoàn tất tăng vốn lên 14.584 tỷ đồng; VCI cũng đang tiến trình tăng vốn lên hơn 7.180 tỷ đồng… Nhiều công ty chứng khoán khác cũng có kế hoạch tăng vốn, như SHS muốn tăng vốn lên hơn 17.000 tỷ đồng.

Chứng khoán VNDirect đánh giá, yếu tố tổng giá trị vốn được ứng trước sẽ làm tăng áp lực, buộc các công ty chứng khoán phải tăng vốn chủ sở hữu. Do quy định giới hạn tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là không quá 5 lần, các công ty chứng khoán quy mô lớn với phí giao dịch thấp và tỷ lệ cấp vốn trước cạnh tranh sẽ được hưởng lợi khi thu hút nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Phụ trách phòng khách hàng tổ chức của một công ty chứng khoán ngoại cho biết, công ty chứng khoán đã có khách hàng tổ chức nhờ mạng lưới tập đoàn mẹ. Nhìn nhận nâng hạng thị trường sẽ là cơ hội lớn nên công ty muốn đẩy mạnh hơn phân khúc khách hàng tổ chức và cũng đã có sự chuẩn bị để cung cấp NPS. Vị này nhìn nhận, những công ty chứng khoán có sẵn nguồn vốn lớn và thị phần khách hàng tổ chức sẽ hưởng lợi nhiều từ việc cung cấp dịch vụ NPS, nhưng với công ty chứng khoán sắp tăng vốn và chưa có lợi thế cạnh tranh trong phân khúc khách hàng này có thể gặp áp lực “xài không hết tiền” trong ngắn hạn, qua đó ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc Khối đầu tư chứng khoán Vina Capital cho biết, quyết tâm nâng hạng thị trường, đặc biệt là việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC là thông tin tích cực, thu hút nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Độ mở của thị trường với nhà đầu tư nước ngoài đang tăng lên nhờ thông tư này.

Đón tiếp 130 khách mời, từ năm châu lục tới dự Hội nghị Nhà đầu tư 2024 của VinaCapital, bà Thu nhận thấy, nhà đầu tư nước ngoài đang rất tán thành thông tư này, vì giúp thuận lợi hơn cho họ. Các công ty chứng khoán có thị phần cao trong khối khách hàng tổ chức cũng nhìn nhận tích cực về quy định mới và sẵn sàng cung cấp vốn đối ứng cho nhà đầu tư nước ngoài với kỳ vọng mở rộng thêm thị phần.

Tuy nhiên, theo bà Thu, sẽ có áp lực cho công ty chứng khoán nếu tăng vốn làm vốn đối ứng nhưng dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài tham gia không như kỳ vọng. Bản thân các nhà đầu tư nước ngoài sẽ xem đây là dịch vụ giúp họ thuận lợi, linh hoạt hơn trong việc đầu tư ở thị trường Việt Nam khi họ thiếu vốn trong ngày giao dịch, chứ chưa chắc họ đã “tận dụng” điểm này để luôn luôn sử dụng dịch vụ. Tức là dịch vụ này của công ty chứng khoán sẽ được nhà đầu tư nước ngoài sử dụng khi họ thiếu vốn tức thời trong ngày giao dịch.

Sẽ có công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ này với các chính sách ưu đãi về phí, như miễn phí để gia tăng thị phần, có công ty chứng khoán thu phí dịch vụ… Bởi vậy, đây là bức tranh cần quan sát thời gian tới, bởi có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận và hiệu quả hoạt động của công ty chứng khoán.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục