Nỗi sốt ruột hàng chục ngàn tỷ với 18 dự án sử dụng vốn đầu tư công

Một lần nữa, những nỗi lo ngàn tỷ, đúng hơn là hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ, được nhắc đến khi có 18 dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên được đưa vào “tầm ngắm” phải rà soát, theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Lo, thậm chí là vô cùng sốt ruột, bởi tất cả các dự án này đều là dự án trọng điểm quốc gia, chỉ đọc tên lên thôi cũng đã đủ thấy tầm quan trọng của nó, nhưng lại dở dang trong xây dựng, chậm tiến độ kéo dài.
Từ Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, đến Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, Tuyến Bến Thành - Tham Lương; rồi Dự án Xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; hay Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội…
Dự án Cát Linh - Hà Đông đội vốn 250 triệu USD, còn Dự án Nhổn - ga Hà Nội đội vốn 393 triệu euro. Trong đó, dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội mới hoàn thành 30% khối lượng công việc và phải đến năm 2021 mới hoàn thành. 
Trong 18 dự án trên, chỉ riêng Bộ Giao thông - Vận tải đã “nắm giữ” 11 dự án; Bộ Công thương có 3 dự án thủy điện…

Nếu chậm thi công và đưa vào hoạt động các dự án trọng điểm, thì hệ lụy là không nhỏ tới kinh tế - xã hội đất nước.

Dự án trọng điểm không đi vào hoạt động đúng tiến độ, nền kinh tế sẽ mất đi những nền tảng quan trọng cho tăng trưởng và phát triển. Chưa kể, chậm tiến độ sẽ ngay lập tức gây thiệt hại về kinh tế.

Đã nhiều lần, dư luận nghe thông tin việc dự án này, dự án kia chậm tiến độ khiến tổng mức đầu tư bị đội vốn lên cao. Cũng đã không ít lần, đã có chuyện các dự án sử dụng vốn ODA bị phạt vì chậm tiến độ.

Và nếu tìm kiếm thông tin trên Google, không khó để thấy các dòng tít “dự án rùa bò, giá tăng gấp đôi”, “nguy cơ bị phạt tiến độ là hiện hữu”… mà suốt thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã rất sốt ruột khi đề cập.

 

Trong văn bản chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành phải tập trung rà soát các dự án nói trên và báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 4/2017. Nhưng ngay sau Tết Nguyên đán, khi đi kiểm tra tiến độ thi công các dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã không khỏi lo lắng trước sự chậm trễ về tiến độ của cả 2 dự án.

Trong khi Hà Nội đang rất trông chờ vào các dự án đường sắt đô thị để giảm ùn tắc giao thông, thì tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội mới hoàn thành 30% khối lượng công việc và phải đến năm 2021 mới hoàn thành.

Thiệt hại là khôn cùng, khi Dự án Cát Linh - Hà Đông đội vốn 250 triệu USD, còn Dự án Nhổn - ga Hà Nội đội vốn 393 triệu euro.

Chỉ 2 dự án đã vậy. Nếu “tính đúng, tính đủ”, thì các thiệt hại, các chi phí cơ hội mất đi do sự chậm trễ trong triển khai các dự án trọng điểm vô cùng lớn.  

Ai phải chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ, thiệt hại này? Làm sao để đẩy nhanh tiến độ các dự án?... Rất nhiều câu hỏi như vậy cần được đặt ra và trả lời thấu đáo, nhất là trong bối cảnh năm qua, dư luận đã rất bức xúc và nhiều lần lên tiếng trước tình trạng hàng loạt dự án nghìn tỷ nằm đắp chiếu, và dù Chính phủ đã rất rốt ráo trong chỉ đạo xử lý, song cho đến nay, vẫn chưa thể có phương án khả thi nhất.
Dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, để việc rà soát ít nhất là 18 dự án trọng điểm quốc gia nói trên được thực hiện đúng tiến độ, từ đó góp phần giải tỏa những nỗi lo nghìn tỷ của dư luận xã hội.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục