Nỗi sợ đã chạm đáy

0:00 / 0:00
0:00
Khi muôn mặt nỗi sợ của công chức trong thực thi công vụ làm nóng rẫy nghị trường Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, doanh nghiệp cảm thấy đỡ lo hơn.
Nỗi sợ đã chạm đáy

Một doanh nghiệp đã chia sẻ như vậy sau khi lắng nghe các vị đại biểu Quốc hội tranh luận về căn nguyên của tâm lý sợ hãi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ công chức, để từ đó có các giải pháp xử lý dứt điểm. “Nỗi sợ của doanh nghiệp có thể đã chạm đáy”, vị doanh nhân chia sẻ.

Thực tế, doanh nghiệp từng phải kêu ca, than phiền nhiều về khó khăn, nhưng dường như chưa bao giờ nỗi sợ khó khăn lưu cữu, tồn đọng, không được xử lý lại nặng nề đến vậy.

Ngay tại thời điểm này, điểm lại các chỉ đạo, công điện mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong 3 tháng qua để thúc giục các bộ, ngành xử lý vướng mắc của doanh nghiệp, các vấn đề gần như được nhắc lại.

Có thể nhắc đến sự ách tắc trong hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), khó hiểu trong thủ tục phòng cháy chữa cháy; chậm trễ trong thủ tục đăng kiểm, kiểm định ô tô, hay các vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực đất đai, bất động sản, xây dựng, tài chính; khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, các gói chính sách hỗ trợ...

Trong 1,5 ngày thảo luận tại nghị trường vừa qua, các đại biểu Quốc hội tiếp tục nhắc đến các vấn đề trên, thêm vào lo ngại về tình trạng doanh nghiệp suy kiệt, thậm chí không còn sức đợi các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ, ngành... Doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế không thể khỏe mạnh.

Cũng phải nhấn mạnh, những khó khăn của doanh nghiệp, của nền kinh tế vào thời điểm này đã lớn hơn rất nhiều so với thời kỳ diễn ra Covid-19 và so với cả những đợt khủng hoảng, khó khăn ở giai đoạn trước. Những lần đó, có lúc bên trong khó, thì điều kiện bên ngoài thuận và ngược lại. Lần này, cả ngoài và bên trong cùng khó, không dễ xoay chuyển tình thế một cách nhanh chóng.

Thậm chí, trong báo cáo mới công bố về tình hình kinh tế Việt Nam tháng 5/2023 và triển vọng sắp tới, Ngân hàng HSBC đánh giá, mặc dù dữ liệu hoạt động kinh tế tháng 5 không xấu đi, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu “chạm đáy” để bật trở lại trong bối cảnh nhiều khó khăn gia tăng đang cản trở đà tăng trưởng. Thậm chí, dấu hiệu chậm lại của kinh tế toàn cầu, nhất là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, như Mỹ, Trung Quốc, EU... vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế.

Nhưng điểm sáng cũng đang nổi rõ hơn khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, tăng trưởng dịch vụ đang tăng lên, bù đắp dần cho những suy yếu của thị trường bên ngoài. Đặc biệt, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững đang mở dư địa cho các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ hơn.

Chính thời điểm này, nền kinh tế không chỉ cần những quyết sách quyết liệt, mà cần các quyết sách trực diện, sát thực tiễn và phải được thực thi hiệu quả để gỡ dần các vướng mắc. Có thể tốc độ gỡ vướng chưa thể nhanh do phức tạp, nhưng nếu đặt mục tiêu phải gỡ bằng được để làm, thì sẽ tăng hiệu ứng “hòn tuyết lăn”.

Từng nút thắt nhỏ gỡ được sẽ thúc đẩy mọi việc chuyển động, ách tắc lớn sẽ dần thông. Lúc này, Quốc hội là người thổi gió, đẩy thuyền, bắt đầu từ yêu cầu phải chấm dứt nỗi sợ của công chức trong thực thi công vụ.

Nỗi sợ của công chức và doanh nghiệp cùng chạm đáy, để bắt đầu các hành động, để chắt chiu mọi cơ hội, mọi động lực giúp doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục