Đồng thời, với kết quả kinh doanh khả quan của những doanh nghiệp lớn, thì cổ phiếu của những doanh nghiệp này được xem là hàng hóa tốt, thu hút nhà đầu tư, tạo được niềm tin đối với thị trường.
Vì thế, việc niêm yết của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có thể trước mắt cổ phiếu chưa bứt phá, nhưng sẽ dần ghi được niềm tin và tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Phần vốn Nhà nước nắm giữ tại BIDV hiện nay còn lớn, nhưng theo tôi, việc cổ phần hóa và đưa cổ phiếu ngân hàng này lên sàn chứng khoán cũng được xem là nỗ lực lớn của Chính phủ.
Trước đây, khi tôi còn điều hành trong lĩnh vực ngân hàng thì tỷ lệ sở hữu tối đa được phép của các nhà đầu tư nước ngoài trong một ngân hàng Việt là 15%, sau đó nâng lên 20% và hiện tại là 30%.
Nhà nước đang khá thận trọng trong việc nới thêm “room” ngân hàng, nhưng về lâu dài, tôi cho rằng, nên xem xét nới theo lộ trình. Có thể, với các ngân hàng nhỏ đang trong quá trình tái cơ cấu mong muốn nới “room” để thu hút thêm vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực tài chính, đẩy mạnh tái cơ cấu.
Tuy nhiên, vấn đề nới “room” phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Hiện tại, “room” tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng ở mức 30% là phù hợp. Việc nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài ở những ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu sẽ được Chính phủ xem xét quyết định.