Nới room, gỡ mãi chưa hết vướng

(ĐTCK) Nghị định 60/2015/NĐ-CP đã có hiệu lực pháp lý hơn 1 năm, nhưng việc nới “room” của doanh nghiệp (DN) niêm yết trên TTCK diễn ra rất hạn chế, với chưa đầy 10 DN thực hiện. 
Nới room, gỡ mãi chưa hết vướng

Cho đến nay, điểm mắc nhất vẫn nằm ở sự lựa chọn của chính DN, liên quan đến địa vị pháp lý khi thực thi nới room. Thị trường chờ đợi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, trình Quốc hội trong tháng 10 tới sẽ gỡ vướng cho DN niêm yết, nhưng gỡ bằng cách nào vẫn chưa rõ con đường.

Vướng vì ngưỡng 49% và 51% quá gần nhau

Thực tế, các DN niêm yết phải cân nhắc việc nới tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room) và những quy định tại Luật Đầu tư vì quy định hiện hành trên TTCK cho phép khối ngoại mua đến 49% vốn của DN niêm yết. Ngưỡng 49% và 51% cách nhau quá gần, nhưng địa vị pháp lý của DN lại có sự khác biệt lớn, bởi nếu DN thuộc đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, nhiều thủ tục liên quan về thuế, về đầu tư, về tín dụng… sẽ phải thực hiện theo quy định của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), quy mô vốn gián tiếp trên TTCK Việt Nam hiện đạt khoảng 15 tỷ USD, gấp 2,4 lần so với năm 2011. Vốn gián tiếp chảy vào TTCK tăng hàng năm, nhưng so với dòng vốn ngoại chảy vào kênh đầu tư trực tiếp thì còn quá nhỏ.

Gỡ nút thắt nới room trên TTCK như thế nào đang là bài toán khó khi dự kiến đến năm 2018 Chính phủ mới trình Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán sửa đổi. Bài toán này được thị trường chờ đợi cách giải trong Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh sẽ được trình Quốc hội xem xét vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, để giải được, trước hết, ngành chứng khoán phải đề xuất được những giải pháp căn cơ và chuẩn mực về pháp lý.

Trong thẩm quyền của mình, UBCK, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục đổi mới, tháo gỡ vướng mắc nhằm thu hút có hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài bằng việc trình Chính phủ một nghị định mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc trong việc cho phép các tổ chức ngân hàng đầu tư lớn của nước ngoài lập chi nhánh tại Việt Nam để phục vụ cho các khách hàng là nhà đầu tư tổ chức lớn của nước ngoài.

Cùng với đó sẽ đề xuất nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo cam kết quốc tế, giảm thiểu thủ tục hành chính trong đầu tư gián tiếp nước ngoài, tăng cường tính công khai, minh bạch đối với dòng vốn này tạo sức cầu cho TTCK phát triển hỗ trợ cho công tác cổ phần hóa và tăng trưởng kinh tế... Tuy nhiên, làm cách nào gỡ nút thắt về nới room, tạo động lực cho DN niêm yết nới room để thu hút vốn ngoại đang là câu hỏi lớn nhất mà nhà đầu tư chờ đợi nhà làm luật tháo gỡ. TTCK cần động lực để vững bước, mà động lực chính đến từ sức mạnh các DN niêm yết trên sàn. 

... dự kiến quyền quyết thuộc pháp luật ngành chứng khoán

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh vừa được công bố xin ý kiến rộng rãi, dự kiến sẽ trao quyền cho pháp luật chứng khoán trong việc đưa ra quy định bên nước ngoài sở hữu tỷ lệ vốn điều lệ của DN niêm yết đến bao nhiêu thì được coi là nhà đầu tư nước ngoài.

Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho biết, để giải tỏa vướng mắc trong quá trình áp dụng cơ chế nới room quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, tại Diễn đàn DN Việt Nam năm trước, Nhóm công tác thị trường vốn đã kiến nghị, đối với hoạt động đầu tư vào các tổ chức kinh tế là công ty đại chúng và niêm yết, các quỹ đầu tư chứng khoán trên lãnh thổ Việt Nam, nên trao toàn quyền cho pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán điều chỉnh, thay vì sự thiếu rõ ràng trong các quy định của pháp luật đầu tư và chứng khoán cũng như các quy định liên quan như hiện tại. Do đó, việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh trao quyền cho pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán điều chỉnh các hoạt động liên quan đến mua bán cổ phiếu trên TTCK là một bước tiến lớn.

Nếu quy định trên được thông qua, quyền quyết định tỷ lệ xác định địa vị pháp lý của DN niêm yết sẽ được trao cho pháp luật trong ngành chứng khoán. Vào thời điểm này, dư luận chờ đợi Bộ Tài chính, UBCK sớm đưa ra những sáng kiến pháp lý để gỡ vướng cho DN và có đề xuất cụ thể: có nên đưa ra tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài tại các DN niêm yết là 63%, 75% hay tỷ lệ nào khác để xác định ngưỡng DN niêm yết có địa vị pháp lý là nhà đầu tư nước ngoài? Vấn đề này đã từng được ngành chứng khoán tính đến, nhưng cho đến nay vẫn chưa có phương án cụ thể và còn là câu hỏi ngỏ trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh. 

Nhiều ý kiến, nhưng chưa có giải pháp khả thi

Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện có 3 nhóm ý kiến xoay quanh nội dung có nên đưa ra tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của bên nước ngoài tại các DN niêm yết là bao nhiêu thì DN được coi là nhà đầu tư nước ngoài.

Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng, pháp luật về chứng khoán cần định ra một tỷ lệ cụ thể mà bên nước ngoài sở hữu đến ngưỡng đó tại các DN niêm yết thì DN niêm yết là nhà đầu tư nước ngoài. Sở dĩ cần đặt ra yêu cầu này là để kiểm soát các hoạt động thâu tóm không lành mạnh của bên nước ngoài. Hiện đang có những biểu hiện về hoạt động thâu tóm ngầm của bên nước ngoài với chiêu thức tinh vi, nếu không có những “van” kiểm soát hoạt động mua cổ phần của khối ngoại thì có thể dẫn đến những hệ lụy đáng ngại.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho biết, một số DN nước ngoài muốn thâu tóm DN Việt Nam, nhưng không trực tiếp mua, mà thông qua các công ty được thành lập ở Mỹ, châu Âu, thậm chí ở cả những hòn đảo được mệnh danh là “thiên đường thuế” của thế giới. Với cách thức mua đường vòng này, nhìn bề ngoài thì DN Việt Nam được mua bởi các DN của Mỹ, châu Âu…, nhưng bản chất dòng vốn không phải vậy. Do đó, cùng với việc nới room và cải cách để thu hút vốn ngoại tham gia TTCK Việt Nam, cần có các giải pháp đi kèm, kiểm soát các dòng vốn trá hình thâu tóm DN Việt.

Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng, nên bỏ hoàn toàn quy định về tỷ lệ đầu tư của khối ngoại trong việc xác định địa vị pháp lý của DN niêm yết, vì đây là rào cản trong thu hút dòng vốn ngoại tham gia thị trường. Theo ý kiến này, hệ thống pháp luật chuyên ngành đã kiểm soát tỷ lệ sở hữu tối đa của bên nước ngoài đầu tư vào DN. Do đó, đối với các DN hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề mà không hạn chế tỷ lệ sở hữu của bên nước ngoài thì không nên coi họ là nhà đầu tư nước ngoài, ngay cả khi mua và sở hữu đến 100% vốn điều lệ của một công ty Việt Nam đang niêm yết.

Nhóm ý kiến thứ ba cho rằng, Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của một số quốc gia như Malaysia, Thái Lan, theo đó, cơ quan quản lý quy định tỷ lệ đầu tư tối đa của khối ngoại tại một số DN chủ chốt trên TTCK, phần còn lại không hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và cũng không cần quy định địa vị pháp lý trong nước hay ngoài nước với DN niêm yết.

Dù thị trường chờ đợi và gợi ý nhiều đề xuất, nhưng ngay cả khi xác định được hướng làm thì câu hỏi khó tiếp theo là ngành chứng khoán xử lý nút thắt nới room bằng loại văn bản pháp luật nào? Luật Chứng khoán dự kiến đến năm 2018 mới trình Quốc hội dự thảo mới. Trong lúc chờ luật mới, việc định danh địa vị pháp lý của riêng các DN niêm yết khi nới room bằng văn bản cấp Nghị định liệu có thể ở tỷ lệ cao hơn so với quy định chung tại Luật Đầu tư?

Cần sự rõ ràng và tương thích của hệ thống luật pháp

Nới room, gỡ mãi chưa hết vướng ảnh 1

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico 

Sở dĩ quy định về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài hiện gặp nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng là do hệ thống pháp lý về chứng khoán, đầu tư cũng như các quy định có liên quan chưa tương thích, nếu không muốn nói là đang mâu thuẫn, xung đột với nhau.

Do đó, điều quan trọng để tháo gỡ các rào cản cho triển khai quy định nới room là trong lần xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh này, cần tạo ra hành lang pháp lý mạch lạc, có độ tương thích cao với hệ thông pháp luật về chứng khoán. Tinh thần của quá trình hoàn chỉnh hệ thống quy định pháp lý này là cần tạo sự thông thoáng, khả thi cao và có tính cạnh tranh so với các TTCK thế giới, nhất là các thị trường lân cận trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam.

Không nên phân biệt, đối xử giữa nhà đầu tư nội và ngoại

Nới room, gỡ mãi chưa hết vướng ảnh 2

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) 

TTCK Việt Nam vốn dĩ đang kém sức cạnh tranh so với các thị trường lân cận trong thu hút dòng vốn ngoại, nên nếu không sớm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong triển khai quy định nới room hiện tại thì thị trường Việt Nam sẽ còn tụt hậu trong cải thiện khả năng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Theo kinh nghiệm tại nhiều nước, bất kỳ nhà đầu tư đến một nước nào đó đầu tư, sản xuất - kinh doanh thì đều được coi là nhà đầu tư nội địa. Do đó, để gia tăng sức hấp dẫn trong thu hút dòng vốn ngoại tham gia TTCK Việt Nam, chúng ta không nên đưa ra một tỷ lệ vốn mà nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đến một mức nào thì được coi là nhà đầu tư nước ngoài.

Hữu Đạo - Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục