Thắc mắc của HSC cũng là tâm trạng chung của nhiều DN khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mở hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về đầu tư, kinh doanh chứng khoán.
Những câu hỏi từ thực tế
Câu hỏi đầu tiên ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. Hồ Chí Minh - HSC (HCM) nêu ra rất thực tế: trường hợp nới room và NĐT nước ngoài sở hữu trên 51% vốn tại HSC, lúc đó, HSC có được đầu tư vào các cổ phiếu bị hạn chế đối với NĐT nước ngoài hay không (như MBB, ACB, VNM…)? Nếu không được, các hoạt động khác liên quan đến tự doanh, môi giới, tạo lập thị trường sẽ ứng xử như thế nào để không bị ngưng trệ?
Câu hỏi thứ hai cũng “sát sườn” với DN: Các hoạt động lưu ký, thanh toán bù trừ và thanh toán tiền của HSC khi cổ đông ngoại vượt mốc sở hữu 51% vốn có khác gì so với CTCK trong nước?
Câu hỏi thứ ba: Các mức thuế mà HSC phải chịu có khác không, khi theo quy định hiện hành các NĐT nước ngoài giao dịch trái phiếu thì mức thuế khác với các tổ chức trong nước? Trong khi đó, HSC tham gia khá tích cực trên thị trường trái phiếu, nếu phải áp mức thuế khác, có thể sẽ gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của Công ty.
Một lo ngại khác của HSC liên quan đến quyền đi vay và cho vay. Ông Giang cho biết, CTCK được phép cung cấp dịch vụ cho vay ký quỹ, thời gian đầu HSC có thể sử dụng nguồn vốn tự có, nhưng sớm muộn cũng phải đi vay để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, theo quy định, các NĐT nước ngoài không được phép đi vay để đầu tư chứng khoán tại TTCK Việt Nam. Vậy khi trở thành tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài thì HSC còn được đi vay ngân hàng hay không? Những điều này nằm ngoài Luật Chứng khoán và các văn bản pháp lý về lĩnh vực chứng khoán.
Theo đó, ông Giang đề xuất, cần ghi thêm định nghĩa rõ ràng hơn về tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài (dù đã được định nghĩa trong Luật Đầu tư, nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư), có thể quy định rõ những trường hợp nào được “cư xử” như doanh nghiệp trong nước, trường hợp nào khác biệt.
Trước những vấn đề DN nêu ra, Phó Chủ tịch UBCK, TSKH Nguyễn Thành Long cho biết, trong Điều 23 của Luật Đầu tư có ghi rõ, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên 50% thì khi đầu tư (chứ không phải trong các quan hệ tín dụng, đất đai, thuế….), phải thực hiện thủ tục như NĐT nước ngoài.
Trong dự thảo nghị định UBCK đang xây dựng, dự kiến quy định, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài đang niêm yết, hoặc đang đăng ký giao dịch, do tính chất tỷ lệ sở hữu nước ngoài biến động dễ dẫn đến tranh chấp về mặt pháp lý, nên xem tổ chức đó là tổ chức trong nước, nhưng chỉ trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Trong dự thảo nghị định cũng nói rõ, phạm vi điều chỉnh là thị trường chứng khoán, không hướng dẫn trên các mỗi quan hệ khác.
DN: hãy nêu thắc mắc để cùng hoàn thiện luật chơi
Cần định nghĩa rõ hơn về công ty nước ngoài, các quy định cần rõ hơn về cổ phiếu không có quyền biểu quyết, hay những thắc mắc về các tỷ lệ trong trường hợp DN hợp nhất, sáp nhập đối với công ty quản lý quỹ..., là những nội dung chính được các thành viên thị trường nêu ra tại cuộc hội thảo.
Ông Nguyễn Thành Long cho biết, mục đích của việc tổ chức Hội thảo là nhằm lấy ý kiến từ tất cả các thành viên TTCK trong việc đưa các quy định về kinh doanh chứng khoán tại các thông tư lên cấp nghị định, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư 2014.
Nghị định mà UBCK dự thảo nhằm giải quyết những vướng mắc của DN để khơi thông việc nới room trong quá trình thực thi Nghị định 60/2015/NĐ-CP, trong đó bao gồm những nội dung mới liên quan đến sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, cho phép CTCK nước ngoài cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại TTCK Việt Nam, hướng dẫn chào bán cổ phiếu không có quyền biểu quyết giúp DN bị hạn chế nới room có thể huy động vốn từ các NĐT nước ngoài.
UBCK cho biết, Nghị định mới chỉ hướng dẫn về pháp luật chứng khoán, trong phạm vi của TTCK, không áp dụng cho các hoạt động dân sự, thuế, sở hữu bất động sản…
Trong quan điểm của UBCK, các công ty niêm yết, công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ (trong đó bao gồm cả công ty có tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài từ 51% vốn trở lên) thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật chứng khoán như NĐT trong nước khi tham gia giao dịch trên TTCK Việt Nam.
Trong khi nhiều DN muốn nhưng chưa làm được vì có nhiều thắc mắc về nới room, thì thực tế, đã có 3 DN được UBCK chấp thuận nới room đến 100% là CTCK SSI, CTCP Evepia và CTCP Vĩnh Hoàn.
“Nới room: con đường không bế tắc” là chùm bài ĐTCK sẽ sớm giới thiệu đến bạn đọc, để chia sẻ bước đi từ thực tế DN, thực thi việc nới room - một chủ trương mang tính đột phá mà Chính phủ đã quyết thực hiện trên TTCK Việt Nam.