Vẫn tắc nới room
Đại diện cho Nhóm công tác thị trường vốn, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital và ông Terence F. Mahony, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Quản lý quỹ Vina Capital đã đề xuất nhiều kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Kiến nghị “nóng” đầu tiên mà Nhóm công tác thị trường vốn nêu ra không phải nội dung xa lạ, đó là cần làm rõ và tạo ra môi trường thuận lợi cho áp dụng quy định tăng sở hữu nước ngoài, qua đó, thu hút được dòng vốn mới từ khối ngoại tham gia vào thị trường, vào những doanh nghiệp nhà nước vừa được cổ phần hóa.
Kiến nghị này xuất phát từ thực tế, tuy Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, trong đó có quy định về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng, nhưng tác động của cơ chế này đối với thị trường chứng khoán còn rất hạn chế.
Thủ tục hiện hành để tăng sở hữu nước ngoài tại các công ty đại chúng phức tạp và được xét theo từng công ty. Để tăng sở hữu nước ngoài, các công ty đại chúng phải trải qua một quy trình dài, bao gồm việc thuê tư vấn, luật sư…
Các giải pháp cụ thể mà Nhóm công tác thị trường vốn đưa ra để tạo môi trường thuận lợi cho việc nới room đó là: cần phân định rõ ràng đối tượng điều chỉnh của Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán theo hướng Luật Đầu tư không áp dụng đối với các công ty đại chúng và quỹ đầu tư đại chúng; cho phép sở hữu nước ngoài lên đến 100% tại tất cả các công ty đại chúng, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhỏ hơn; đối xử với các công ty đại chúng và các quỹ đầu tư đại chúng như nhà đầu tư trong nước không kể tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các tổ chức này là bao nhiêu, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhỏ hơn.
Cùng với đó, Việt Nam cần cho phép tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực ngân hàng. Cụ thể, tại các ngân hàng thương mại mà nhà nước là cổ đông lớn, ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, cần nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 35%. Riêng các ngân hàng đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, cần cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đến 100% cổ phần…
Doanh nghiệp chậm lên sàn, cần “xử” chủ tịch HĐQT
Bên cạnh kiến nghị liên quan đến nới room, Nhóm công tác thị trường vốn cũng đề xuất Chính phủ cần cụ thể hóa lộ trình cổ phần hóa theo hướng công khai danh sách các doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa, thời gian dự kiến cổ phần hóa.
“Muốn thu hút dòng vốn ngoại tham gia vào các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), Việt Nam cần bán ít nhất 20 - 30% cổ phần tại các doanh nghiệp cổ phần hóa, cùng với áp dụng phương pháp dựng sổ đối với một số doanh nghiệp nhà nước lớn sẽ được cổ phần hóa, đồng thời thông tin cổ phần hóa cần được công khai sớm, rộng rãi để nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận…”, ông Terence F. Mahony, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vina Capital đề xuất.
Theo Nhóm công tác thị trường vốn, giải pháp tăng tỷ lệ cổ phần bán ra bên ngoài sẽ chỉ phát huy hiệu quả cao trong thu thu hút dòng vốn ngoại tham gia các đợt IPO khi các quy định về buộc doanh nghiệp gắn IPO với lên sàn được thực thi chặt chẽ như quy định tại Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 60/2015 và Thông tư 180/2015 của Bộ Tài chính.
Với những doanh nghiệp không tuân thủ thời hạn lên sàn, cần tăng mức phạt lên 10% lợi nhuận ròng của công ty, đồng thời buộc chủ tịch hội đồng quản trị và các thành viên hội đồng quản trị phải chịu trách nhiệm cá nhân khi để công ty vi phạm quy định về thời hạn và thủ tục niêm yết.
Ghi nhận kiến nghị trên của Nhóm công tác thị trường vốn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp đang được thúc đẩy, điển hình như trong lĩnh vực sữa, bia...
“Việc hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán đang được tiến hành để tiến tới phân định thành các khu vực thị trường: cổ phiếu, trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh…”, Thứ trưởng Hà nói.
Cần phạt nặng vi phạm về quản trị công ty
Tại Diễn đàn VBF 2016, các chuyên gia chia sẻ quan ngại về vấn đề xung đột lợi ích, kém minh bạch trên thị trường chứng khoán. Từ đây, Nhóm công tác thị trường vốn đề xuất các cơ quan quản lý cần tăng mức phạt đối với các vi phạm về quản trị công ty của các doanh nghiệp đại chúng.
Bởi lẽ, mức phạt 50 triệu đồng áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định về xung đột lợi ích và giao dịch với người có liên quan áp dụng đối với giám đốc của một công ty niêm yết là quá thấp, không đủ sức răn đe. Mức phạt này cần tăng lên 100 triệu đồng hoặc 10 lần giá trị giao dịch vi phạm, tùy số tiền nào lớn hơn…
Phản hồi về nội dung trên, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, dự thảo Nghị định quy định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ và dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm nay.
Mặt khác, Nghị định 145/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 15/12/2016, sẽ xử lý nghiêm hơn các hành vi vi phạm, giúp thị trường hoạt động lành mạnh, công bằng và minh bạch hơn.
Tại Lễ kỷ niệm 20 năm ngày Truyền thống ngành chứng khoán Việt Nam (28/11/1996 - 28/11/2016), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thúc đẩy hội nhập quốc tế, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, định hình cấu trúc hệ thống tài chính hiện đại, góp phần đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế về khung khổ pháp lý, chất lượng hàng hóa, tổ chức thị trường. Cần khẩn trương khắc phục những hạn chế này để bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.
Thủ tướng đề nghị ngành Chứng khoán tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, có nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán bảo đảm tính công khai, minh bạch trên các tiêu chuẩn và thông lệ quản trị công ty tốt nhất; tăng cường năng lực quản lý, thanh tra, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán, đặc biệt quyền lợi của nhà đầu tư thiểu số.
“hãy nhìn về mức phạt lên đến 250 tỷ USD mà các thị trường trên thế giới đã áp dụng”
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital
Tình trạng làm giá, xung đột lợi ích, kém minh bạch trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là vấn đề khiến giới đầu tư quan ngại. Điều này giải thích tại sao điểm số về quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam rất thấp so với các doanh nghiệp trong khu vực…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có lý do là cơ chế xử phạt vi phạm chưa hợp lý. Trong khi hầu hết các vi phạm trên thị trường chứng khoán Việt Nam được xử lý hành chính, thì ngược lại, trên phạm vi thị trường chứng khoán toàn cầu chủ yếu xử lý bằng chế tài hình sự.
Những mức phạt 30 triệu đồng, 100 triệu đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam không phải là các con số thuyết phục. Hãy nhìn về mức phạt lên đến 250 tỷ USD mà các thị trường trên thế giới đã áp dụng trong những năm gần đây.
Cùng với khắc phục bất cập về cơ chế xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán hiện còn nhẹ, Việt Nam cần có chính sách mới tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để chủ động trong thanh tra, kiểm tra, điều tra các dấu hiệu vi phạm, gian lận. Cần thành lập một tổ công tác liên bộ để nâng cao tính hiệu quả trong xử lý các vi phạm trên thị trường chứng khoán.