Nới rộng lãi suất, thông huy động vốn?

(ĐTCK-online) Với đồng thuận tái đưa lãi suất tiết kiệm tiền đồng về mức tối đa 12%/năm, thực tế, mặt bằng lãi suất ngân hàng áp dụng có thể còn cao hơn thông qua các hình thức khuyến mãi, lãi suất huy động được áp dụng bằng nhau (12%/năm) cho tất cả các kỳ hạn, song trước sự tăng giá của các tài sản đầu tư khác như vàng và USD, việc huy động vốn của ngân hàng những tháng cuối năm chưa chắc "dễ thở" hơn.
Áp lực tỷ giá, lạm phát vẫn là những nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động huy động và cho vay của ngân hàng - Ảnh: Hoài Nam Áp lực tỷ giá, lạm phát vẫn là những nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động huy động và cho vay của ngân hàng - Ảnh: Hoài Nam

Trao đổi với ĐTCK, đại diện một ngân hàng cho biết, dù nhu cầu vốn của khách hàng doanh nghiệp quý IV năm nay không bằng năm trước, song vẫn cao hơn 3 quý đầu năm 2010. Do đó, các ngân hàng phải tăng nguồn cung. Thế nhưng, việc giá vàng và USD liên tục tăng cao đã thu hút mạnh nguồn tiền nhàn rỗi trong dân. "Trước tình hình khó khăn của thị trường lúc này để hoàn thành được chỉ tiêu huy động vốn cũng như tăng trưởng dư nợ quả là điều không dễ", vị đại diện ngân hàng này nói.

Theo ông Lê Đức Thuý, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, một vấn đề đáng lo ngại hiện nay là tiền gửi tiết kiệm bằng VND của người dân giảm 45.000 tỷ đồng trong vòng nửa tháng gần đây. Người dân mà không gửi bằng tiền Việt, họ sẽ mua ngoại tệ hoặc vàng.

Trong khi đó, Thông tư 22/2010/TT-NHNN ngày 29/10/2010 đã siết chặt hơn hoạt động cho vay và huy động cũng như chuyển đổi vốn tiền gửi bằng vàng sang VND của các ngân hàng. Hạn chế huy động vàng, ngân hàng sẽ mất một khoản vốn huy động từ vàng chuyển sang tiền đồng để cho vay, phục vụ khách hàng dịp cuối năm. Đấy là chưa kể ảnh hưởng từ các Thông tư 13/2010/TT-NHNN và 19/2010/TT-NHNN.

Tại cuộc họp do NHNN chủ trì vào ngày 5/11/2010, các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã đồng thuận nâng lãi suất huy động bằng VND lên mức không quá 12%/năm, áp dụng từ ngày 8/11/2010. Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Thúy, khả năng lãi suất sẽ tăng lên không nhiều. Ông Thúy cho rằng, lãi suất huy động sẽ nằm ở mức 12 - 13%/năm và lãi suất cho vay ở mức 15 - 17%/năm, là mức thị trường có thể chấp nhận được.

Ngày 5/11/2010, NHNN cũng đã ra quyết định nâng lãi suất cơ bản lên 9%/năm áp dụng từ ngày 5/11, các mức lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn nâng lên lần lượt 7%/năm và 9%/năm, lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng nâng lên 9%/năm.

Tuy nhiên, để thu hút được nguồn tiết kiệm khi cạnh tranh trên thị trường ngày một gay gắt, ngân hàng phải áp dụng nhiều phương thức khác nhau. Tại Ngân hàng Quốc tế (VIB) Chi nhánh Hồ Chí Minh, khi khách hàng gửi tiết kiệm, ngoài việc hưởng lãi suất ở mức tối đa 12%/năm, còn được tặng thêm nhiều quà tặng khác. Đồng thời, VIB Hồ Chí Minh  còn tặng quà sinh nhật cho khách hàng và có chế độ ưu đãi khi gửi số tiền trên 1 tỷ đồng.

Tương tự, tại SeABank, ngoài mức lãi suất 12%/năm được áp dụng đồng đều cho các kỳ hạn, Ngân hàng còn gia tăng khuyến mãi và tặng tiền mặt cho khách hàng. Song, một cán bộ huy động vốn của SeABank cho biết, khó đạt được chỉ tiêu huy động vốn.

Sau khi điều chỉnh tăng lãi suất huy động lên mức 12%/năm theo đồng thuận mới, WesternBank còn ưu đãi thêm lãi suất cho khách hàng gửi tiền. Theo đó, kể từ ngày 8/11, khi gửi tiền tại WestenBank, ngoài lãi suất 12%/năm, khách hàng còn nhận được quà tặng tùy chọn có giá trị tương đương lãi suất từ 0,7% - 3%/năm.

Hiện không chỉ các ngân hàng cạnh tranh với nhau bằng khuyến mãi, mà ngay cả trong hệ thống của mỗi nhà băng cũng có sự cạnh tranh nhằm hoàn thành chỉ tiêu do Ban điều hành giao. Chế độ ưu đãi cho người gửi tiền có khi được áp dụng mức khác nhau giữa các chi nhánh trong cùng một hệ thống ngân hàng.

Từ khó khăn trong huy động vốn dẫn đến lãi suất cho vay tiền đồng không thể giảm xuống như kỳ vọng. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện vẫn dao động ở mức khá cao 15 - 18%/năm, tùy từng đối tượng khách hàng. Do đó, áp lực hoàn tất mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng và chỉ tiêu lợi nhuận gia tăng lên Ban điều hành của các ngân hàng. OCB là một điển hình cho trường hợp này. Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng đăt ra cho cả năm 2010 là 40%, nhưng đến nay, OCB chỉ mới đạt được khoảng 25%.

Áp lực tỷ giá, lạm phát vẫn là những nhân tố căn bản ảnh hưởng đến hoạt động huy động và cho vay của các ngân hàng trực tiếp hoặc gián tiếp và có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, bất chấp những nỗ lực của các cơ quan điều hành cũng như bản thân các ngân hàng.

Vân Linh

TS. Trần Ngọc Thơ

Trưởng khoa Tài chính DN, Trường đại học Kinh tế TP. HCM

 

Việc tăng lãi suất VND thời điểm này để bình ổn tỷ giá có thể hàm chứa trong nó nhiều ẩn ý. Phải chăng, dự trữ ngoại hối của NHNN chưa đủ mạnh nên phải nhờ đến tăng lãi suất để “chia lửa” với tỷ giá?

 

Lãi suất tăng chắc chắn có ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh và TTCK trong một chừng mực nào đó. Nhưng đó là cái giá phải trả, không thể tránh được. Còn ảnh hưởng đến mức độ như thế nào thì tùy thuộc vào diễn biến sắp tới khi chúng ta nhìn vào các chỉ số kinh tế vĩ mô và diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế.

 

Trên thực tế, cho dù có khống chế trần lãi suất đi chăng nữa thì đủ loại lệ phí tính vào đó cũng có khác gì tăng trên thực tế.

 

Căn cứ vào tình hình thực tế, tôi ủng hộ việc thả nổi lãi suất với điều kiện cơ quan quản lý cũng phải có trách nhiệm ngược lại là tiến hành một chính sách tài khóa tỉnh táo và đừng chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá. Đồng thời, cần nghiêm trị những hành vi đầu cơ tăng giá và hoạt động không hiệu quả của các tập đoàn.

 

Những chính sách thiết thực như thế mới tạo được niềm tin và khi niềm tin quay trở lại thì tỷ giá mới có thể bình ổn trong dài hạn.

 

Theo tôi, những can thiệp trong thời gian qua đối với tỷ giá chỉ có tác động trong ngắn hạn. Nhất là khi chỉ mới dám cam kết không phá giá đến Tết. Còn sau đó...? Câu trả lời nằm ở việc tạo ra niềm tin bằng những hành động cụ thể, chứ không chỉ bằng lời nói.

 

TS. Phạm Đỗ Chí

Chuyên gia kinh tế

 

Việc tăng lãi suất VND là cần thiết ở thời điểm này. Tăng lãi suất đồng nghĩa với giảm tăng trưởng tín dụng, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, Chính phủ cần đưa ra biện pháp cơ bản hơn, tập trung vào tài chính công, giảm chi tiêu công.

 

Tăng lãi suất VND sẽ tác động đến chứng khoán trong ngắn hạn do chi phí của DN tăng lên, dòng tiền luân chuyển vào TTCK không nhiều.

 

Đối với kinh tế vĩ mô, tôi dự đoán là tăng trưởng GDP có thể chỉ ở mức 6,5% chứ không đạt được 6,7% và 6,8% như kỳ vọng cách đây 1 - 2 tháng. Lý do là thiên tai làm ảnh hưởng đến tăng trưởng ngành nông nghiệp, tăng lãi suất sẽ làm tăng trưởng khối dịch vụ giảm đi, nhất là những tháng cuối năm. Chỉ còn công nghiệp có khả năng tăng trưởng mạnh. Nhìn chung, tăng trưởng GDP trong quý IV sẽ chậm lại.

 

Một yếu tố chúng ta cần lưu ý là giá vàng trên thị trường thế giới tăng mạnh có thể tạo áp lực với tỷ giá trong nước. Nếu không có biện pháp cơ bản kịp thời thì tỷ giá có thể tăng lại khi giá vàng thế giới tăng lên.

Thu Hương thực hiện

Tin cùng chuyên mục