Nỗi niềm viết tâm thư gửi cổ đông

(ĐTCK) Trước khi đặt bút viết những dòng thư gửi tới cổ đông, lãnh đạo các doanh nghiệp đều có nhiều trăn trở. Đằng sau mỗi câu chữ họ gửi gắm tới cổ đông là tầm nhìn, hoài bão và cả một tấm chân tình. 
Nỗi niềm viết tâm thư gửi cổ đông

Tâm huyết của người đứng đầu lan tỏa tới mỗi cổ đông, khơi dậy trong họ niềm tự hào, tiếp tục tục sát cánh cùng doanh nghiệp vươn lên đỉnh cao mới.

Gửi tấm chân tình

Vốn sống điềm đạm và tình cảm, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) luôn dành nhiều nhiệt huyết cho mỗi bức thư gửi tới cổ đông trong mùa Đại hội đồng cổ đông.

Ông cho biết, lá thư ông nhớ nhất là bức thư viết ngày 14/11/2011, gửi toàn thể cán bộ, công nhân viên. Khi đó, khủng hoảng kinh tế khiến HBC lâm vào khó khăn, giá cổ phiếu HBC liên tục lao dốc. Tháng 11/2011, giá cổ phiếu HBC có lúc chỉ còn 18.700 đồng/cổ phiếu, trong khi ngày mới chào sàn, mức giá là 103.000 đồng/cổ phiếu.

“Tôi nhìn giá cổ phiếu mà xót xa, tôi đã suy nghĩ và trăn trở rất nhiều, có những đêm không ngủ vì lo sợ HBC sẽ bị thâu tóm với giá rẻ. Tôi quyết định viết một lá thư gửi cán bộ, công nhân viên, nếu có điều kiện hãy cùng nhau đăng ký mua thỏa thuận cổ phiếu qua sàn để đỡ giá”, Chủ tịch HBC chia sẻ. Điều ông mong muốn nhất thời điểm ấy là kêu gọi cổ đông mua cổ phiếu nhằm hạn chế nguy cơ HBC bị thâu tóm.

“Tôi có niềm tin vào tương lai của HBC”, ông giãi bày và kiên định với niềm tin ấy. Bằng tất cả nỗ lực, ông cùng các cộng sự đưa HBC vượt qua khó khăn. Năm 2016 và nửa đầu năm 2017, nhà đầu tư của HBC vui mừng vì giá cổ phiếu liên tục tăng. Khi được hỏi về cảm xúc của người đứng đầu trong một năm nhiều thuận lợi, cổ đông có lời, ánh mắt ông rạng rỡ, “tôi thấy rất hạnh phúc khi HBC mang lại niềm vui cho nhà đầu tư”.

Được biết, ông luôn chân tình với đối tác, với cổ đông và điều ấy chạm đến trái tim của nhiều người. Các cộng sự, cán bộ, công nhân viên HBC đã cùng vị thuyền trưởng vượt sóng gió đi lên. Có thời điểm, Công ty bị chủ đầu tư nợ nhiều vì họ không đủ khả năng chi trả, ông Hải quyết định đi vay ngân hàng, gánh nợ cho đối tác. Bởi lẽ, ông tâm niệm, “cứu người cũng như cứu mình”, giúp đối tác lúc khó khăn là việc nên làm và thực tế ông đã thường xuyên làm.

Trong những lần viết thư gửi tới cổ đông trước mùa đại hội, các câu chữ của ông Hải đều dung dị, chân tình. Một lần chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông cho hay, cuộc đời ông đi qua nhiều thăng trầm, để vượt qua, ông luôn làm mọi thứ theo tiêu chí "Chân - Thiện - Mỹ". Những công trình mà HBC thực hiện cũng hướng tới tiêu chí này.

“Vươn đến đỉnh cao chất lượng là tiêu chí cốt lõi chúng tôi luôn theo đuổi trong suốt 30 năm qua, hướng tới tính Chân - Thiện - Mỹ trong mỗi công trình. Không ngừng sáng tạo và đảm bảo chất lượng cũng là điểm mạnh để chúng tôi chinh phục các nhà thầu khó tính và đứng vững trên thị trường thế giới”, Chủ tịch HBC cho hay.

Trong những lần trò chuyện với cổ đông thời gian gần đây, ông chủ HBC thường nhấn mạnh đến việc đưa doanh nghiệp ra thế giới: “HBC đủ tự tin về chất lượng và giá cả để cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài. Tôi đã tìm hiểu rất kỹ và tin vào chiến lược vươn ra toàn cầu”.

Để hiện thực hóa các chiến lược “cất cánh”, ông chủ HBC mong có sự sát cánh của các cổ đông.

Đối diện với khó khăn

Với Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), trong giai đoạn 2015 - 2016 có những tháng ngày đầy sóng gió và chông gai, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức lần đầu tiên viết thư gửi cổ đông về những khó khăn của mình và bày tỏ mong muốn “cần có đủ thời gian và cần sự kiên nhẫn của cổ đông, nhà đầu tư”.

Khi ấy, HAGL ở thời điểm cùng cực nhất, giữa một bên là tin đồn vỡ nợ, một bên là khó khăn chồng chất trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Gửi gắm trong lá thư, ông Đức mong nhà đầu tư tiếp tục dành cho HAGL niềm tin, Công ty sẽ vượt qua khó khăn cùng sự đồng hành của các đối tác, cổ đông.

“Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sức để vựợt qua khó khăn, duy trì và phát triển khối tài sản to lớn mà chúng tôi đang quản lý để mang lại giá trị cao nhất”, lãnh đạo HAGL viết.

Nhìn lại những gì ông Đức thể hiện trong thư gửi tới cổ đông thời điểm tháng 8/2016 đến nay có thể thấy, những cam kết mà ông chủ HAGL đưa ra đã trở thành hiện thực. Ngày viết thư, ông Đức chỉ ra triển vọng của doanh nghiệp khi rà soát lại quỹ đất, sử dụng phần đất dôi dư để trồng cây ăn quả có giá trị cao và thời gian thu hoạch ngắn.

“Tôi tin tưởng rằng, kể từ năm 2017, khả năng tạo ra dòng tiền từ hoạt động kinh doanh sẽ được cải thiện tốt hơn so với các năm trước”, ông Đức chia sẻ.

Thực tế cho thấy, sau 1 năm, sản phẩm hoa quả của HAGL đã được xuất khẩu sang Trung Quốc. Mới đây, Công ty tạo thêm niềm tin và kỳ vọng cho nhà đầu tư khi bắt tay với hệ thống cửa hàng Bách hóa xanh (thuộc Công ty cổ phần Thế giới di động) trong phân phối, tiêu thụ nông sản.

Đằng sau mỗi câu chữ mà lãnh đạo doanh nghiệp gửi gắm tới cổ đông là tầm nhìn, hoài bão và cả tấm chân tình 

Nếu như 1 năm trước, thời điểm chắp bút viết thư, ông Đức còn đau đáu một nỗi niềm, mong nhà đầu tư cho HAGL thêm thời gian, thì nay ông có thể thở phào nhẹ nhõm khi đã không làm nhà đầu tư thất vọng.

Sự kiên nhẫn của nhà đầu tư đã được đền đáp khi HAGL từng bước vượt qua khó khăn, tái cấu trúc tổng thể các hoạt động, đề cao sự an toàn trong đầu tư, kinh doanh.

Theo lãnh đạo HAGL, Công ty đang có nhiều dự án quy mô lớn tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng dự án đầu tư thông qua việc tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người.

Chia sẻ hoàn cảnh cá nhân

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp có những cảm xúc riêng, thậm chí khóc khi viết thư gửi cổ đông. Như câu chuyện của ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) hồi tháng 9/2015. Ông đăng ký bán 8,5 triệu cổ phiếu CII, sau khi đã bán thành công hơn 12,5 triệu cổ phiếu trước đó. Hành động liên tiếp thoái vốn tại CII và không nắm giữ cổ phiếu nào nếu giao dịch thành công đã khiến cho nhiều cổ đông oán trách ông.

Ông chia sẻ, bản thân có những nỗi đau riêng không thể nói ra khi bán cổ phiếu, vì nhu cầu tài chính cá nhân. Ông đã khóc khi đọc những dòng tâm sự của cổ đông, họ cho rằng, hành động bán tháo của ông khiến họ đầu tư thua lỗ và đẩy gia đình vào ngõ cụt.

“Tôi hiểu cảm giác của cổ đông và mong họ hiểu, chia sẻ với mình hơn”, lãnh đạo CII bày tỏ. Ông kể, từ ngày đảm nhận vị trí Tổng giám đốc CII, ông chưa từng có một giấc ngủ ngon. Ông luôn nỗ lực làm việc, không phải vì tiền, bởi thói quen chi tiêu tiết kiệm từ nhỏ. Ông làm không phải vì quyền lực, bởi “bản thân tôi không đam mê quyền lực, cho đến giờ tôi cũng không có quyền lực gì ở CII”. Những áp lực và suy nghĩ tiêu cực khiến ông cảm nhận tóc mình bạc đi nhiều và vài lần muốn từ nhiệm, nhưng lại “gồng lên” vì không muốn CII gặp khó khăn.

Mới đây, ông Bình lại có hành động thoái cổ phiếu đúng đỉnh ngắn hạn, khiến một lần nữa nhà đầu tư “dậy sóng”. Tuy nhiên, vẫn mong muốn nhà đầu tư hiểu cho mình, ông Bình giãi bày: “Tổng giám đốc của CII cũng là một cổ đông, chỉ khác là đang ở vị trí thành viên Ban điều hành của Công ty, do đó vẫn có quyền được bán cổ phiếu để giải quyết nhu cầu cá nhân như các cổ đông nội bộ khác, vấn đề là việc này phải được thực hiện theo đúng trình tự và quy định của pháp luật”.

Có thể thấy, mỗi lãnh đạo doanh nghiệp thường có nỗi niềm riêng, tùy vào hoàn cảnh kinh doanh của doanh nghiệp và đằng sau mỗi bức tâm thư là những câu chuyện sâu sắc. Lá thư gửi cổ đông được ví như sợi dây kết nối từng cổ đông với lãnh đạo công ty, bởi lãnh đạo doanh nghiệp gửi gắm trong đó những nỗi niềm, tâm tư và mong muốn cổ đông sát cánh với doanh nghiệp nhiều hơn, để doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển. 

Phong Lan - Hải Minh
Đặc san Báo cáo thường niên 2017

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục